|
Tướng McCaffrey tại Lăng Hồ Chủ tịch. |
Kỷ niệm khó nắm bắt
Tướng McCaffrey có mặt ở chiến trường Việt Nam từ những năm 1966 - 1969, trong vai trò lãnh đạo Sư đoàn kỵ binh số 1. Năm 1968, ông làm cố vấn cấp cao về chiến lược tại chiến trường Việt Nam.
Trở lại TP.HCM lần này, cùng với những người bạn của mình cũng là cựu chiến binh, ông và đồng đội tuyệt nhiên không còn thấy bất kỳ dấu tích nào của họ trong quá khứ còn lưu giữ trên đường phố Sài Gòn.
Ông chia sẻ: Các trung tâm mua sắm, khách sạn mới đã thay thế chiến trường xưa và căn cứ chữa cháy. Di tích của Mỹ và dấu hiệu quân sự của quân đội Việt Nam Cộng hoà đã bị triệt tiêu hoàn toàn và Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn cũ đã bị phá bỏ, thay thế bằng một toà nhà hiện đại là Lãnh sự quán Mỹ. CIA tại Sài Gòn cũ vẫn được giữ lại như là địa chỉ của lịch sử- nơi đây từng là chỗ để máy bay trực thăng Mỹ sơ tán trong những ngày cuối cùng ở Sài Gòn. Trong ký ức của Tướng Mc Caffrey, đây cũng là hình ảnh sống về sự thất bại của quân đội Mỹ.
Ông nói, vào ngày 30-4-1975, trong khi tình hình tại Sài Gòn đang hỗn loạn, từ bên kia nước Mỹ, các cơ sở chỉ huy quân sự như nóng ran bởi các cuộc điện thoại liên tiếp thông báo và chờ lệnh.
Tướng Mc Caffrey nhớ lại: Họ gọi cho chúng tôi và miêu tả bên ngoài tòa đại sứ, khoảng 5.000 người vây kín các bức tường bên ngoài, tìm cách leo vào trong. Lính thủy đánh bộ trấn thủ trên bờ tường, xô đám đông trở lại dưới sự hỗ trợ của các họng súng máy được bố trí ở các góc tầng thượng.
Những lính Mỹ còn sót lại lúc ấy thật ít ỏi nhưng đều cố sức cản biển người đang cố gắng vượt rào. Những người làm việc cho chế độ Sài Gòn lúc ấy hiểu người Mỹ đang bỏ đi. Và họ bắt đầu hoảng hốt. Đó là ngày cuối cùng đặt dầu chấm hết cho quân đội Mỹ tại Việt Nam.
Tôi hiểu rằng, so với tổn thất của phía Việt Nam, thì tổn thất 58 nghìn người Mỹ là con số khiêm tốn. Nhưng đó vẫn là mất mát lớn cho cả hai phía"- Tướng Mc Caffrey chia sẻ.
|
McCaffrey (phải) và đồng nghiệp tại VN năm 1968. |
Bước qua cánh cửa mới
Tướng McCaffrey nói rằng, cá nhân ông, và những thành viên trong đoàn đến Việt Nam với tình cảm thân thiết và lòng kính trọng dành cho nhân dân Việt Nam, đặc biệt là lòng kính trọng rất lớn đối với kinh nghiệm chiến đấu của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đó là chiến thắng dành cho lòng dũng cảm”.
Tướng McCaffrey cho biết, nhiều cựu binh Mỹ tham gia chiến tranh năm xưa rất ủng hộ một mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Việt Nam, chẳng hạn các Thượng nghị sĩ John Kerry: John McCain, Chuck Hagel. "Họ đã mở rộng cánh cửa quan hệ hai nước. Tất cả chúng tôi ở đây đều đã đi qua cánh cửa đó và chúng tôi hy vọng những việc như vậy sẽ ngày càng được phát triển". Ông phấn khởi khi quay trở lại Việt Nam với nhiệm vụ mới, nhiệm vụ của những người hàn gắn vết thương chiến tranh như vậy.
Khi tôi đem thắc mắc về việc vẫn thấy ông còn chút gì đó hoang mang trên khuôn mặt trong ngày trở lại, ông thú nhận: “Tôi không nghĩ lại có một không khí thân mật như thế này giữa những con người từng là kẻ thù của nhau. Chỉ khi thấy nụ cười của họ, thấy sự thân thiện và tận tình của họ đối với những cựu binh Mỹ, tôi mới thực sự tin rằng, quá khứ đã đi rất xa”.
Đăng Thúy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.