Xe tăng T-34-85 Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh. Ảnh: Naver.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7/10 tuyên bố "chỉ một điều có tác dụng với Triều Tiên", ám chỉ sử dụng phương án quân sự để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, trong trường hợp nổ ra chiến tranh, Triều Tiên vẫn có thể khiến liên quân Mỹ - Hàn dè chừng nhờ lực lượng tăng hạng trung T-34-85 cũ kỹ nhưng được sử dụng với chiến thuật hợp lý, theo National Interest.
Liên Xô bàn giao khoảng 250 xe tăng T-34-85 cho Triều Tiên trong giai đoạn trước tháng 3/1950, sau đó tiếp tục tăng số lượng trong Chiến tranh Triều Tiên. Trong cuộc chiến này, rất nhiều xe tăng T-34-85 Triều Tiên bị phá hủy bởi tăng M26 Pershing, M46 Patton của Mỹ và Centurion của Anh.
Giới chuyên gia không ước tính được số lượng xe tăng T-34-85 còn lại trong biên chế quân đội Triều Tiên, nhưng nó từng xuất hiện trong nhiều video của nước này trước năm 2012. Do bị cô lập trong 25 năm qua, nhiều khả năng quân đội Triều Tiên vẫn biên chế số lượng lớn T-34-85, dù loại xe tăng này đã quá lạc hậu.
Dự án T-34-85 được Liên Xô khởi động từ giữa năm 1943, trước khi đi vào sản xuất hàng loạt trong năm 1944. Thay đổi lớn nhất của T-34-85 so với các biến thể trước đó là việc trang bị pháo cỡ nòng 85 mm, nhằm tăng cường khả năng xuyên phá xe tăng Đức trong Thế chiến II.
Bản T-34-85 hoàn chỉnh được trang bị pháo ZiS-S-53, có khả năng xuyên phá 100 mm giáp thép cán đồng nhất (RHA) từ khoảng cách 1.000 m. Loại pháo này không thể xuyên thủng giáp xe tăng chiến đấu chủ lực của Mỹ và Hàn Quốc, khiến T-34-85 không phù hợp với vai trò đối đầu trực tiếp trên chiến trường hiện đại.
Tuy nhiên, nó có thể sử dụng đạn xuyên phá và nổ mảnh để bắn hỏng xích hoặc hệ thống kính ngắm, cảm biến đắt tiền trên xe tăng đối phương. Điều đó sẽ vô hiệu hóa khả năng cơ động hoặc chiến đấu của xe tăng Mỹ - Hàn, tạo điều kiện cho lực lượng bộ binh hoặc trực thăng MD-500 Triều Tiên trang bị tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) tấn công.
Xe tăng T-34-85 bị bắn hỏng trong Chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: Life.
Khả năng xuyên giáp RHA dày 100 mm cho phép T-34-85 tiêu diệt nhiều mẫu xe thiết giáp hạng nhẹ như Stryker và M2 Bradley của Mỹ, cũng như khí tài không được bảo vệ như đoàn xe vận tải. Xe tăng T-34-85 cũng có thể đóng vai trò pháo tự hành, nhờ tầm bắn tối đa 13,6 km của pháo ZiS-S-53. Nó có thể lợi dụng địa hình để ẩn nấp và áp sát lực lượng đối phương, nã pháo theo thông tin trinh sát có trước và nhanh chóng rời khỏi trận địa.
Giáp mặt trước tháp pháo của T-34-85 chỉ dày 90 mm. Nếu đối đầu trên địa hình trống trải hoặc bị trinh sát đối phương phát hiện, loại xe này chắc chắn sẽ bị tăng thiết giáp Mỹ và Hàn Quốc tiêu diệt một cách dễ dàng. Điều đó buộc Bình Nhưỡng phải áp dụng nhiều biện pháp ngụy trang để hạn chế bị nhận dạng, cũng như bố trí công sự và hầm ngầm nhằm tránh bị đánh trả.
Việc xây dựng trận địa ngụy trang gần tiền tuyến là điều gần như bất khả thi, nhất là khi nổ ra xung đột với những quốc gia có hệ thống trinh sát mạnh như Mỹ. Thay vào đó, T-34-85 có thể được biên chế cho quân dự bị, dùng trong nhiệm vụ yểm trợ đội hình bộ binh hoặc phòng thủ cứ điểm ở tuyến sau.
Xe tăng T-34-85 là một trong những khí tài già cỗi nhất trong biên chế quân đội Triều Tiên hiện nay. Tuy nhiên, ưu thế địa hình và chiến thuật sử dụng hợp lý sẽ giúp chúng duy trì uy lực ở mức độ nhất định, đủ sức đe dọa liên quân Mỹ - Hàn trong bất kỳ xung đột tiềm tàng nào, chuyên gia quân sự Sebastien Roblin nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.