Những cuộc chiến nổ ra rồi khép lại, nhưng nhiếp ảnh gia chiến trường sẽ ghi lại những khoảnh khắc vĩnh viễn đọng lại trong ký ức nhân loại.
Nhiếp ảnh chiến trường với sự kịch tính cùng những câu chuyện gây ám ảnh về số phận con người từ lâu đã được nhìn nhận là một thể loại nhiếp ảnh đỉnh cao.
Đã có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh chiến trường trở thành kinh điển trong lịch sử nhiếp ảnh. Trong đó, chắc chắn phải kể tới những bức ảnh chiến trường từng được chụp tại Việt Nam.
Tờ New York Times của Mỹ đã từng thực hiện bài viết về “những bức ảnh gọi tên thời đại”, hay “những bức ảnh làm nên sự khác biệt”, đó chính là những bức ảnh chiến trường được chụp tại Việt Nam.
Khi nhìn nhận chiến tranh Việt Nam trong lĩnh vực nhiếp ảnh, người Mỹ luôn coi đây là giai đoạn chứng kiến bước nhảy vọt kinh điển của lịch sử nhiếp ảnh chiến trường.
Người ta không thể quên bức ảnh chụp một nhà sư tự thiêu trên đường phố Sài Gòn hồi năm 1963 do Malcolm Browne thực hiện. Gửi bức ảnh này về cho AP, Browne đã viết ghi chú rằng: “Mỹ sẽ không bao giờ có thể đảo ngược tình thế ở Việt Nam”, đồng thời so sánh những sự leo thang của Mỹ với việc “để những đứa trẻ bước vào chuồng hổ nhưng lại cố tin rằng chúng sẽ kiểm soát được con hổ”.
Người ta cũng không thể quên bức ảnh của Horst Faas chụp người cha bế xác con trên tay đứng trước một nhóm binh lính Việt Nam Cộng hòa đang ngồi trên xe bọc thép, như thể muốn nói: “Hãy nhìn đây, hãy nhìn xem các người đã làm gì…”.
Và người ta còn nhớ mãi bức ảnh Nick Ut chụp cô bé Kim Phúc 9 tuổi vừa chạy vừa khóc, quần áo em đã cháy hết, da bong tróc từng mảng vì bỏng bom napan.
Có rất nhiều hình ảnh mà người Mỹ sẽ nhớ về cuộc chiến tranh Việt Nam. Đó là một quá khứ đau thương của dân tộc Việt Nam, một quá khứ ê chề của người Mỹ. Nhưng nhìn sang lĩnh vực nhiếp ảnh, chính từ cuộc chiến này, nước Mỹ đã có một thế hệ phóng viên ảnh chiến trường nổi danh thế giới.
Đó là những Malcolm Browne, Eddie Adams, Horst Faas, Larry Burrows, Nick Ut… Họ là những tượng đài trong lĩnh vực nhiếp ảnh báo chí, đặc biệt là nhiếp ảnh chiến trường.
Đó là thời kỳ mà những bức ảnh trở thành tiếng nói vĩ đại nhất của truyền thông. Thời đó, ngay cả một ê-kíp truyền hình cũng không thể có sức mạnh kinh điển bằng một ống kính 35 ly nằm trong tay một phóng viên ảnh dày dạn kinh nghiệm.
Nhiếp ảnh trong chiến tranh Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu đậm và khác biệt trong lịch sử nhiếp ảnh chiến trường. Đây là lần đầu tiên (và có lẽ là duy nhất) nhiếp ảnh chiến trường thực sự được tự do “tác chiến”, không bị áp lực kiểm duyệt.
Thuở đó, những hãng tin hàng đầu của Mỹ đều cử phóng viên đến Việt Nam. Đáng kể phải nhắc tới những tay máy chiến trường “ngoại hạng” của AP, đó là những tay máy chuyên nghiệp nhất, dũng cảm nhất. Những bức ảnh họ chụp trong chiến tranh Việt Nam đã giúp AP giành về 6 giải Pulitzer - giải thưởng thường niên uy tín nhất trong làng báo Mỹ.
Ngay cả trong điều kiện hiện tại, việc đưa tin từ chiến trường vẫn là một thách thức bởi không dễ gì thâu tóm được “phần hồn” của một cuộc chiến, nhưng thế hệ phóng viên ảnh có mặt tại chiến trường Việt Nam đã thực hiện được một cuộc cách mạng ngoạn mục trong lĩnh vực nhiếp ảnh chiến trường.
Đối với những phóng viên từng đưa tin về chiến tranh Việt Nam, đây vẫn luôn là trải nghiệm để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong sự nghiệp của họ. Như nhiếp ảnh gia Tim Page từng viết, chiến tranh Việt Nam đưa lại cho phóng viên “những trải nghiệm tận cùng, những khoảnh khắc sửng sốt, một đỉnh cao huy hoàng”.
Những bức ảnh chiến trường thời đó đã giúp người dân trên khắp thế giới phần nào hiểu được bản chất thật của chiến tranh Việt Nam. Khi đó, nhiếp ảnh chiến trường không dừng lại ở một hoạt động đưa tin thuần túy, mà đã góp phần nói lên tiếng nói công bằng, trung thực, đem lại những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi, góp phần thúc đẩy người Mỹ xuống đường phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Bức ảnh của Art Greenspon chụp một lính Mỹ đang giơ tay ra hiệu, hướng dẫn trực thăng hạ cánh. Đôi tay người lính được chụp trong một khoảnh khắc như thể đang giơ lên cầu nguyện Thượng đế. Bức ảnh đầy ẩn ý, thể hiện sự bế tắc của Mỹ khi càng lúc càng sa lầy trong chiến tranh Việt Nam.
Người ta từng gọi chiến tranh Việt Nam là “cuộc chiến ở phòng khách”, bởi đây là lần đầu tiên có truyền hình ngoài mặt trận, đưa lại những hình ảnh sống động để người xem ngồi ở phòng khách nhà mình vẫn chứng kiến được một góc cuộc chiến đang diễn ra ở cách họ nửa vòng trái đất.
Vậy mà ngay cả truyền hình cũng vẫn phải “chịu thua” nhiếp ảnh. Bởi một điều đơn giản, nhiếp ảnh đã tôn trọng sự thật, đã trung thực ghi lại bản chất của chiến tranh Việt Nam. Những khuôn hình kinh điển đã “tầm thường hóa” cả những đoạn băng hình.
Đây có lẽ là cuộc chiến duy nhất mà sự tự do, tính trung thực, và tính nghệ thuật trong nhiếp ảnh được đẩy lên cao tới vậy. Những bức ảnh đã diễn đạt nhiều hơn mọi bài viết và mọi đoạn băng hình. Những bức ảnh đã trở thành những lát cắt đóng băng một khoảnh khắc, ghim lại trong lòng người xem.
Có một sự thật ít biết mà Trung tâm Lịch sử Quân sự Mỹ từng ghi lại về chiến tranh Việt Nam, đó là chỉ có khoảng 1/3 phóng viên Mỹ được cử tới Việt Nam thực sự tác nghiệp.
Các hãng thông tấn, các tờ báo lớn, các đài truyền hình Mỹ khi đó đều cử những nhóm phóng viên tới tác nghiệp ở Việt Nam, nhưng 2/3 trong số này đã bị tụt lại phía sau vì gặp trở ngại từ chính những thiết bị lồng cồng họ mang theo.
Ở thời điểm này, chỉ có máy ảnh là tác nghiệp thuận tiện và hiệu quả nhất, vì vậy, đây là cơ hội vàng để phóng viên ảnh phát huy. Cái giá phải trả cho những phóng viên ảnh xông xáo tác nghiệp chính là sự nguy hiểm tính mạng. Cả 4 phóng viên của AP chết trên chiến trường Việt Nam đều là phóng viên ảnh.
Sau này, khi báo chí Mỹ viết về những phóng viên ảnh qua đời khi tác nghiệp trong chiến tranh Việt Nam, họ không tập trung viết về cái chết, mà luôn nhấn mạnh vào sự cống hiến hết mình với nghề của những tay máy sẵn sàng mạo hiểm tính mạng để thu vào ống kính những khoảnh khắc lịch sử - những khoảnh khắc được chụp bằng lòng dũng cảm, tình yêu nghề và sự trung thực - đây cũng đồng thời là tiêu chí cao nhất của báo chí mọi thời đại.
(Theo Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.