Vị tướng dũng mãnh nhất của Tào Tháo dẫn 800 dũng sĩ đánh tan 10 vạn đại quân Đông Ngô
Vị tướng dũng mãnh nhất của Tào Tháo dẫn 800 dũng sĩ đánh tan 10 vạn đại quân Đông Ngô
Minh Nhật
Chủ nhật, ngày 22/08/2021 14:05 PM (GMT+7)
Ông là danh tướng nhà Tào Ngụy trong lịch sử Trung Quốc và là một trong những vị tướng giỏi nhất thời Tam quốc. Ông từng tham gia nhiều trận đánh lớn và lập nhiều chiến tích vẻ vang, đặc biệt là kỳ tích dẫn 800 dũng sĩ đánh tan 10 vạn đại quân Đông Ngô, thậm chí suýt bắt sống Tôn Quyền.
Theo People, vị tướng nói trên là Trương Liêu (169 – 222). Tổ tiên của ông vốn mang họ Nhiếp, là phú hộ ở Mã Ấp, nay là Sóc Châu, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc nhưng vì tránh kẻ thù nên đổi sang họ Trương.
Cuối thời Đông Hán, Trương Liêu từng là thuộc hạ của thứ sử Tinh châu là Đinh Nguyên. Không bao lâu sau Trương Liêu lại đầu quân cho Đổng Trác. Năm 192, Đổng Trác bị Lã Bố giết, Trương Liêu đi theo Lã Bố, cũng Lã Bố vào sinh ra tử nhiều năm.
Năm 198, Tào Tháo đánh bại rồi giết chết Lã Bố ở Hạ Bì. Trương Liêu lại đầu quân cho Tào Tháo. Kể từ khi về bên Tào Tháo, được trọng dụng, tài năng của Trương Liêu mới nở rộ.
Cùng với Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Cáp, Từ Hoảng, Trương Liêu được xếp vào hàng "Ngũ hổ tướng của nhà Ngụy". Sử sách Trung Quốc chép rằng, Trương Liêu là một trong những mãnh tướng giỏi nhất thời Tam quốc, kỹ năng dùng giáo điêu luyện của ông ít ai cùng thời sánh kịp.
Trương Liêu từng tham gia nhiều trận đánh lớn và lập nhiều chiến tích vẻ vang, đặc biệt là kỳ tích dẫn 800 dũng sĩ đánh tan 10 vạn đại quân của Đông Ngô, thậm chí suýt bắt sống Tôn Quyền. Năm 225, để vinh danh chiến tích đại thắng trước Tôn Quyền của Trương Liêu ở Hợp Phì, Ngụy Văn Đế Tào Phi hạ chiếu thư viết: "Chiến dịch Hợp Phì, Trương Liêu chỉ dùng 800 bộ binh mà đánh tan 10 vạn quân địch, tự cổ dùng binh chưa có ai được như thế".
Theo People, năm 215, trong lòng tràn đầy tự tin, giữa tiếng trống trận hừng hực khí thế, cờ quạt bay phấp phới, Tôn Quyền đích thân thống lĩnh 10 vạn quân bao vây Hợp Phì. Trước đó, Tào Tháo đã cử mãnh tướng Trương Liêu, Lý Điển, Nhạc Tiến dẫn theo khoảng 7.000 quân Tào Ngụy bảo vệ phòng tuyến Hợp Phì.
Theo quân lệnh của Tào Tháo, khi quân địch tới, Trương Liêu và Lý Điển ra nghênh chiến, Nhạc Tiến ở lại giữ thành.
Khi nghe tin đại quân Đông Ngô lên tới 10 vạn người, Lý Điển sắc mặt tái mét, nghĩ khó mà thắng trận. Trương Liêu liền trấn an bằng cách tuyên bố: "Hiện tại, kế sách chỉ có một, đó là chủ động tấn công trong lúc quân Ngô chưa kịp ổn định. Làm vậy mới có thể đánh bại tinh thần của quân Đông Ngô, làm yên lòng quân ta, vậy mới thủ được thành”.
Lý Điển nghe vẫn còn đắn đo, ngập ngừng, Trương Liêu tức giận nói: “Cơ hội thành công hay thất bại, là ở trận chiến này, ngươi nghi ngờ gì chứ?".
Vì có mâu thuẫn với Lý Điển, Trương Liêu quyết chọn 800 dũng sĩ tinh nhuệ, giết trâu mở tiệc khao thưởng binh sĩ trước khi đi nghênh chiến 10 vạn quân địch. Sáng sớm hôm sau, Trương Liêu một mình phát động cuộc tấn công dữ dội vào đại quân của Tôn Quyền.
Hình ảnh Trương Liêu dẫn 800 dũng sĩ tấn công 10 vạn quân Đông Ngô được La Quán Trung mô tả trong Tam quốc diễn nghĩa rằng: "Trương Liêu mặc giáp tiên phong, dũng mãnh vô cùng; lao vào đánh chớp nhoáng, trong chốc lát đã giết 2 tướng, và mấy chục quân lính của Đông Ngô".
Bị tập kích bất ngờ, Tôn Quyền bất ngờ, bối rối vội đưa quân lính về gò đất nhỏ để thủ. Trương Liêu thách thức Tôn Quyền xuống quyết chiến nhưng Tôn Quyền vẫn chưa hoàn hồn nên không dám ra mặt.
Sự tự tin của Tôn Quân bị ảnh hưởng nặng nề, tinh thần quân sĩ suy sụp đáng kể. Nhưng khi thấy quân của Trương Liêu quá ít, Tôn Quyền ra lệnh bao vây đánh Trương Liêu nhưng tướng nhà Tào Ngụy đã dũng mãnh dùng giáo phá vòng vây thoát ra ngoài. Khi thấy quân sĩ vẫn chưa thoát, Trương Liêu quay trở lại tiếp tục đánh phá vòng vây cứu quân lính.
Quân Tôn Quyền tuy đông nhưng trước những mũi giáo sắc nhọn của Trương Liêu đã phải lùi bước, cuối cùng Trương Liêu và quân lính rút về Hợp Phì an toàn.
Sau đó, Tôn Quyền tập hợp quân sĩ bao vây Hợp Phì hơn 10 ngày nhưng không thể phá được thành. Biết trận này không thể thắng, càng ở lại lâu càng nguy hiểm khi Tào Tháo có thể mang đại quân đến cứu Hợp Phì, Tôn Quyền cuối cùng đành "muối mặt" rút lui.
Điều đáng nói là khi quân Đông Ngô rút, Trương Liêu thậm chí còn "không buông tha" cho địch. Khi Tôn Quyền rút lui về đến bến Tiêu Dao, Trương Liêu sai người phá cầu và dẫn kỵ binh tập kích. Hai tướng Đông Ngô là Cam Ninh và Lữ Mông vất vả chống đỡ mới kịp bảo vệ, đưa Tôn Quyền thoát khỏi vòng vây.
Ở khoảnh khắc sinh tử đó, Tôn Quyền được cho là sợ hãi vô bờ, tưởng rằng ngày chết đã đến. Tuy nhiên, khi đó, các tướng đề nghị Tôn Quyền lui ngựa lại lấy đà phi nước đại để nhảy qua sông. Tôn Quyền đành liều làm thử và thành công, may mắn thoát nạn.
Mô tả về cuộc tập kích này, sử gia Trần Thọ thời nhà Tây Tấn chép trong Tam quốc chí rằng: “Tôn Quyền vây giữ Hợp Phì hơn chục ngày, không hạ được thành, bèn rút về. Trương Liêu thống suất chư quân truy kích, suýt bắt được Quyền".
Thất bại thảm hại ở Hợp Phì cuối cùng trở thành ký ức vô cùng đau thương trong cuộc đời Tôn Quyền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.