Chiều nay, bão số 6 cách Quảng Bình-Đà Nẵng hơn 300km

Thứ ba, ngày 04/10/2011 06:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đến chiều nay 4.10, bão số 6 (Nalgae) cách bờ biển Quảng Bình - Đà Nẵng khoảng 340km. Nhưng đến chiều mai 5.10, bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình.
Bình luận 0

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư, hồi 16 giờ ngày 3.10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 170km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Dự báo trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km.

img
Tàu thuyền của ngư dân Hà Tĩnh về bến neo đậu tránh bão số 6.

Đến 16 giờ ngày 5.10, vị trí tâm bão cách bờ biển Nghệ An - Quảng Bình khoảng 130km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Như vậy, bão số 6 sẽ suy yếu nhiều so với bản tin dự báo ban đầu (cấp 17).

Đối phó với bão số 6, đến chiều 3.10, toàn bộ tàu thuyền của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được kêu gọi vào bờ để tránh bão. Tỉnh cũng đã dự trữ 200 tấn lương thực để sẵn sàng đối phó với mưa lũ kéo dài. Tại Quảng Nam, đến chiều qua vẫn còn 4 tàu câu mực với 148 lao động trên biển. Tất cả đều đã được thông tin đầy đủ về diễn biến bão số 6.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện còn 434 tàu thuyền với hơn 4.000 lao động đang hoạt động trên biển. Tất cả đều đã được thông tin về diễn biến của cơn bão. Tỉnh Bình Định đã liên lạc và kêu gọi được 71 tàu thuyền với gần 370 lao động đang hoạt động ở vùng biển khu vực phía bắc vào nơi tránh trú.

Tại Hà Tĩnh, đến 16 giờ ngày 3.10, theo báo cáo của Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển, đã có 3.800 tàu thuyền với 13.000 lao động nắm được thông tin về báo số 6 và đã vào nơi trú ẩn an toàn. Ban chỉ huy PCLB Hà Tĩnh đã lên phương án di dời trên 27.000 người ở vùng xung yếu, cửa sông cửa lạch của 6 huyện, thị.

* Quảng Bình: Cấp 4 tấn gạo cho vùng bị cô lập. Chiều 3.10, ông Đinh Quý Nhân – Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, nước lũ ở xã Tân Hóa đã rút hẳn. Số hộ gia đình phải di dời lên núi dựng lều sống tránh lũ cũng đã trở về, bà con đang tập trung dọn dẹp vệ sinh. Trong ngày 3.10 UBND huyện đã cứu trợ 4 tấn gạo cho 4 thôn bản của xã Thượng Hóa bị nước lũ cô lập.

* Hôm qua, lũ khu vực ĐBSCL và tứ giác Long Xuyên vẫn đang ở mức rất cao. Trong 2-3 ngày tới, mực nước lũ vẫn chưa giảm. Tính đến nay, lũ đã làm 11 người chết, hơn 20.000 ngôi nhà bị ngập và hơn 4.000ha lúa bị mất trắng... Trong khi đó, rạng sáng 3.10, nước lũ tiếp tục phá vỡ tuyến đê bao Cà Vàng thuộc xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp. Hơn 800ha lúa vụ 3 từ 30- 45 ngày tuổi đã bị mất trắng. Huyện Tân Hồng huy động tổng lực cứu đê nhưng dòng nước quá mạnh đã phá đoạn đê rộng ra hơn 23m, khiến mọi nỗ lực đều vô vọng. Từ đầu mùa lũ đến nay, Đồng Tháp có 4 tuyến đê xung yếu bị vỡ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem