Lúi húi chọn rau tại chợ đầu mối Dịch Vọng (đường Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội) lúc gần 6h sáng, bà Nguyễn Thị Tâm (phường Dịch Vọng Hậu) cho biết: “Rau xanh mấy hôm nay giá chững lại rồi, nhưng mà vẫn cao quá. Người già như tôi ít ngủ, tranh thủ sáng dậy sớm ra mua rau tại đây giá rẻ hơn từ 2.000-3.000 đồng/kg so với mua ở Nghĩa Tân, cũng vừa đi bộ tập thể dục luôn”.
|
Tìm đến chợ đầu mối để mua hàng giá rẻ là lựa chọn của nhiều bà nội trợ |
Người dân có thể mua thịt gà tại một số chợ đầu mối với giá bán rẻ hơn ít nhất 10.000 đồng/kg so với giá bán thông thường. Bà Tâm cho biết, thực phẩm, rau xanh tại chợ đầu mối bày biện không đẹp mắt, lại có cả lá úa do quá trình vận chuyển, nhưng rất tươi, rẻ. Người bán hàng cũng dễ tính hơn, thoải mái cho khách lựa chọn. Việc chịu khó thức dậy đi chợ đầu mối lúc sáng sớm cũng giúp một gia đình tiết kiệm 400.000-500.000 đồng/tháng, để bù đắp vào tiền điện, nước.
Nguyễn Hà Nhi - sinh viên Cao đẳng Du lịch, thuê trọ ở đối diện trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 cho hay: “Nếu chịu khó dậy sớm đi chợ đầu mối thì sinh viên bọn em tiết kiệm thêm 10.000-12.000 đồng/ngày”. Ví dụ, rau muống tại chợ Nghĩa Tân bán 3.500-4.000 đồng/mớ nhưng chợ đầu mối chỉ bán 2.500 đồng/mớ; mồng tơi, rau đay chợ đầu mối có giá 3.500 đồng/2 mớ, chợ cóc thời điểm này bán 6.000 đồng/2 mớ…
Sống trong khu vực giá cả tương đối đắt đỏ, chị Mai (phố Vũ Thạnh) chia sẻ: “Tôi phải tìm hàng rau của người ở ngoại thành mang vào bán vì giá rẻ chỉ bằng 50% thôi. Còn việc chọn thực phẩm rất mất thời gian, cứ phải đắn đo lựa chọn loại cá nào, thịt nào.
Trước tôi có tâm lý đi chợ mang dư tiền ra, nhưng giờ thì mang ít thôi, để khỏi tiêu quá tay”. Cũng theo chị Mai, giá thực phẩm tăng cao khiến các bà nội trợ phải thu xếp giảm chi phí cho bữa ăn của bố mẹ, nhường cho con. Trước đây, cá quả đồng, loại từ 1,5-2 kg/con có giá 40.000-50.000 đồng/kg, giờ tăng lên 80.000 đồng/kg. “Thu nhập vẫn như cũ, nhưng giá cả tiêu dùng tăng làm tôi phải tìm cách tiết kiệm” - chị Mai than thở.
Từ đầu năm tới nay, nhiều loại hàng hoá tiêu dùng liên tục tăng giá đã tác động lớn đến đời sống nhân dân. Đối phó với tình trạng này, nhiều bà nội trợ bỗng dưng thành… “người tiêu dùng thông minh”.
Chị Hà (Huỳnh Thúc Kháng) kể: “Nhà tôi gần chợ Thành Công- một trong những chợ có giá thực phẩm cao nhất thành phố nên riêng tiền thức ăn đơn giản cho 4 người mỗi ngày cũng hết 200.000 đồng. Một lần đi chợ muộn, tôi thấy có mấy người chở sọt bán rau phía sau, đứng bán ở cổng chợ giá chỉ bằng 2/3 giá bán ở sạp trong chợ nên mua. Sau đó, tôi đều tranh thủ mua của các chị bán hàng này”.
Trong “làn sóng” tăng giá, có lẽ những người vất vả hơn cả là công nhân ở các khu công nghiệp. Mặc dù giá nhiều mặt hàng tiêu dùng khu vực ngoại thành biến động chậm hơn so với khu vực nội thành, nhưng mỗi mặt hàng tăng giá một ít nên chi phí vẫn tốn kém.
Bữa cơm công nhân vốn đạm bạc giờ lại “thanh cảnh” hơn nữa; thức ăn gồm trứng và đậu phụ xuất hiện thường xuyên. Anh Tân (thuê trọ khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh) chia sẻ: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm thôi. Chúng tôi đang kiếm việc làm thêm để có thêm tiền trang trải”.
Theo An ninh Thủ đô
Vui lòng nhập nội dung bình luận.