Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ông Nguyễn Thành Huy, nguyên là tùy viên thương mại phụ trách cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan đánh giá, nhiều mặt hang thực phẩm, nông sản của Việt Nam có chất lượng rất tốt nhưng chưa chiếm lĩnh được thị trường Thái Lan. Nguyên nhân là do cách tiếp cận thị trường và giới thiệu sản phẩm chưa tốt.
Theo ông Huy, Việt Nam có nhiều đặc sản vùng miền, trong đó có không ít sản phẩm có chỉ dẫn địa lý được thế giới công nhận.
Doanh nghiệp cần phải hiểu rõ mình bán cho ai, bán như thế nào. Trong việc truyền thông, giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp cần lan tỏa được câu chuyện về sản phẩm, con người, vùng đất cho khách hàng rõ.
"Doanh nghiệp Việt Nam phải biết kể những câu chuyện về những vùng nguyên liệu quý của mình. Đó là cách tạo ra những dấu ấn riêng, bản sắc riêng cho các sản phẩm Việt, để có thể ghi dấu ấn trên thị trường Thái Lan", ông Huy khuyến nghị.
Cũng theo chuyên gia này, mặc dù trong nội khối ASEAN phần nào có sự tương đồng nhưng thực tế, mỗi thị trường lại khác biệt, có đặc thù riêng. Các doanh nghiệp nên hiểu rõ hơn về sự khác biệt khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Sản phẩm có khác biệt mới có thể chiến thắng. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, nếu mang cái sự khác biệt "chẳng giống ai" khi xuất ngoại thì lại phản tác dụng.
Khi đưa thực phẩm, nông sản Việt xuất ngoại, doanh nghiệp phải hiểu sự khác biệt về sản phẩm, không chỉ đơn thuần là giá trị vùng miền ở trong nước. Bởi vì đó mới là điều kiện cần.
Để đầy đủ hơn, doanh nghiệp còn phải hiểu người tiêu dùng ngoại muốn gì. Sau khi đã hiểu họ muốn gì, cộng với mặt hàng đặc sản mà mình đang có, doanh nghiệp cần cân đối lại với nhau.
"Có như vậy, hàng Việt đưa ra thị trường quốc tế mới có sức sống và cạnh tranh được với các đối thủ khác", ông Nguyễn Thành Huy nói thêm.
Với thị trường Thái Lan, nếu các doanh nghiệp Việt thâm nhập vào đây bằng cách sử dụng phương thức bán hàng livestream (phát trực tiếp) trên nền tảng Tiktok thì gần như không thể bán hàng được. Bởi thực tế, người Thái thích trải nghiệm. Họ có thể đến trung tâm thương mại cả ngày để mua hàng.
"Các doanh nghiệp Việt thâm nhập thị trường Thái phải chú trọng đến việc trải nghiệm. Cái gì hay về câu chuyện sản phẩm, doanh nghiệp cần phải kể ra vì người Thái rất chịu khó lắng nghe", ông Nguyễn Thành Huy, nguyên tùy viên thương mại phụ trách cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT CTCP Vinamit cũng nhấn mạnh đến đặc thù riêng của từng thị trường.
Chẳng hạn với Trung Quốc, một thị trường 1,4 tỷ dân, ở quá gần Việt Nam. Doanh nghiệp cần hiểu một vấn đề cực kỳ quan trọng, người Trung Quốc không thích ăn rau. Người Trung Quốc ăn trái cây nhiều.
Theo ông Viên, sau đại dịch Covid-19, người Trung Quốc đi theo xu hướng tốt cho sức khỏe, họ ăn trái cây ngày càng nhiều hơn.
Riêng Thái Lan cung cấp không đủ. Trung Quốc mở hàng rào cho các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia xuất khẩu trái cây vào. Đây là những điểm cần lưu ý để tham gia vào thị trường Trung Quốc mà doanh nghiệp không để ý hoặc không nghĩ tới.
Nhiều người nói Trung Quốc trồng sầu riêng nhiều, các loại trái cây khác cũng nhiều. Ông Viên cho rằng, không việc gì phải lo.
Bởi vì Trung Quốc có nửa năm là mùa đông. Trái cây của Trung Quốc có thể trồng tốt trong 6 tháng mùa hè. "Nhưng mùa đông thì họ sẽ thiếu hụt. Đó là cơ hội của chúng ta", ông Viên khẳng định.
Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia thị trường Ấn Độ, vừa là chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nhượng quyền cũng bày cách cho các doanh nghiệp trong ngành hàng nông sản thực phẩm thâm nhập tốt hơn vào thị trường này.
Theo bà Vân, Ấn Độ là thị trường cạnh tranh khốc liệt về giá. Dẫn chứng cụ thể, bà Vân cho biết, công ty của bà từ Australia đưa cà phê qua Ấn Độ để bán.
Trên menu bán rất nhiều loại sản phẩm trong đó có: Extra shot (ly thêm). Trong ngày đầu mở bán, người tiêu dùng ở Ấn vào rất nhiều. Thế nhưng họ chỉ order extra shot vì đơn giản nó rẻ nhất.
Một điểm nữa không thể bỏ qua là thị trường Ấn Độ có 38% dân số ăn chay. Các sản phẩm chay sẽ là sản phẩm đầu tiên mà khách hàng Ấn chú ý trước khi nhìn qua các sản phẩm khác.
Một điểm cực kỳ thú vị nữa ở thị trường Ấn Độ, theo bà Vân, đó là người tiêu dùng quan trọng sự tối ưu hóa sản phẩm. Khi mua một chai nước, một hộp bánh, họ quan tâm đến chuyện tận dụng cái chai, cái hộp đó để làm thành lọ đựng hoa hay hộp đựng đồ.
Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT CTCP Vinamit nhấn mạnh, trong xu hướng toàn cầu đang diễn ra, các doanh nghiệp phải chuẩn bị một tư thế am hiểu về tiêu chuẩn, am hiểu chất lượng, am hiểu về xu hướng bền vững để sẵn sàng tham gia thị trường lớn.
Liên hệ thực tế từ doanh nghiệp của mình, ông Viên cho biết, công ty đã chuẩn bị rất kỹ những hoạt động này. Bằng chứng là Vinamit đã trở thành một doanh nghiệp khoa học – công nghệ.
Vinamit tiếp tục xây dựng cho mình một Viện Nghiên cứu và Ứng dụng về khoa học sức khỏe để nghiên cứu những sản phẩm thật sự mang lại lợi ích về sức khỏe.
"Chuẩn bị tốt những điều này, doanh nghiệp mới có được những thương hiệu, danh hiệu, giá trị thực sự của sản phẩm, không chỉ cho người tiêu dùng trong nước mà còn cho người tiêu dùng ở nước ngoài, mạnh dạn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu", ông Viên khẳng định.
Trong khi đó, bà Nguyễn Phi Vân lưu ý, 36% người dân Ấn Độ có thể nói được tiếng Anh, nên qua Ấn Độ làm ăn thì phải nói được tiếng Anh.
Ấn Độ cũng là cái nôi của Hindu giáo, Jaina giáo, Phật giáo và đạo Sikh. Cùng với sự đa dạng về tôn giáo, sự tương phản, khác biệt giữa các vùng khác nhau, giữa các nhóm khách hàng khác nhau là rất lớn.
Vì thế khi tiếp cận với thị trường Ấn Độ, các doanh nghiệp phải hiểu rằng đang tiếp cận một thị trường của nhiều thị trường, quốc gia của nhiều quốc gia… Các doanh nghiệp phải nắm rõ mình sẽ đi vào bang nào, nông thôn hay thành thị, đối tượng khách hàng nào?
Và khi có ý định chinh phục thị trường tỷ dân này, một yếu tố khác cực kỳ quan trọng mà doanh nghiệp phải tính tới đó là sản xuất ở đâu.
Hiện giữa ASEAN và Ấn Độ đã có hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thuế bằng 0 cho tất cả.
"Có một số mặt hàng đặc biệt thuế xuất chỉ giảm từ 75% xuống 45%, thuế xuất cực cao. Vì thế, để tránh các khoản thuế quan rất cao này khi vào thị trường Ấn Độ, doanh nghiệp cũng cần tính trước việc tìm đối tác nội địa để sản xuất", bà Vân lưu ý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.