Giá cà phê tăng điên đảo, giao dịch "hỗn loạn", nhà xuất khẩu tiết lộ bị "lỗ khủng"

Minh Huệ Thứ năm, ngày 21/03/2024 10:02 AM (GMT+7)
Năm nay rất nhiều nông dân đã không giao cà phê cho các đại lý mà họ đã chốt giá trước đó, và các đại lý do không có hàng từ nông dân - nên cũng không giao hàng cho các nhà xuất khẩu, đẩy tình trạng kinh doanh xuất khẩu cà phê lâm cảnh hỗn loạn.
Bình luận 0

Ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh cho biết như vậy khi phân tích về diễn biến thị trường cà phê thời gian qua. 

Diễn biến bất ngờ, khó lường của thị trường cà phê 

Nối tiếp sự tăng trưởng từ năm ngoái, giá cà phê trong nước vẫn liên tục giữ mức cao suốt từ đầu năm 2024 đến nay. Khảo sát của PV Dân Việt cho thấy, giá cà phê ngày 20/3 tăng thêm 500 đồng/kg so với ngày trước đó, đạt mức 94.000 – 94.700 đồng/kg. 

Cụ thể, tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê ở mức 94.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk tăng 500 đồng/kg lên mức cao nhất là 94.600 đồng/kg - ngang với Gia Lai. Thương lái tại Đắk Nông giao dịch cà phê với giá 94.700 đồng/kg.

Giá cà phê tăng điên đảo, giao dịch "hỗn loạn", nhà xuất khẩu tiết lộ bị "lỗ khủng"- Ảnh 1.

Giá cà phê trong nước đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Ảnh: Minh Huệ

Nhìn lại cuối năm 2023, giá cà phê cũng đã tăng cao liên tục, gây hết bất ngờ này tới bất ngờ khác cả cho nông dân và doanh nghiệp ngành cà phê. Từ chỗ 59.000 - 60.000 đồng/kg vào tháng 11/2023, đã tăng lên 62.000 - 69.000 đồng/kg vào tháng 12/2023, sang tháng 1/2024 nhảy lên mốc 80.000 đồng/kg. 

Một số chuyên gia cho rằng, giá như vậy là đã đến ngưỡng, sau Tết Nguyên đán 2024 sẽ hạ nhiệt. Nhưng không ngờ thị trường cà phê vẫn liên tục căng thẳng khiến nhiều người trở tay không kịp, hiện đã xấp xỉ 95.000 đồng/kg. 

Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao giá cà phê tăng "điên khùng" như vậy, và sẽ tăng tới mức nào?

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết giá cà phê tăng phi mã do nhiều lý do tác động nhưng có 3 lý do chính. Một là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu. Có thể vụ vừa qua, cà phê không bị mất mùa nhiều nhưng các nhà mua hàng lo lắng cho những vụ cà phê tới. Riêng tại Việt Nam, trong vụ mùa 2023-2024 (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau), sản lượng hụt mất khoảng 10%.

Thứ hai, các cuộc xung đột quân sự trên thế giới, căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ đã khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng, đẩy giá cà phê lên cao. Thứ ba, hiện nhiều nhà đầu cơ tài chính trên thế giới chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ cũng khiến giá cà phê tăng nóng.

Ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh - một trong những nhà rang xay cà phê lớn tại Việt Nam cho biết, từ hàng chục năm nay, các nhà kinh doanh cà phê (gồm công ty xuất khẩu, các nhà traders nước ngoài, nhà đầu tư FDI...) có một thói quen kinh doanh là trong 3 tháng đầu vụ thường bán trước đến 50% sản lượng và vào trong vụ thì mua. 

Tuy nhiên các công ty bán trước giá rẻ và vào trong vụ lúc các công ty đi mua, lại gặp cảnh giá cà phê được đẩy lên cao liên tục. Nông dân năm nay rất nhiều người đã không giao cà phê cho các đại lý mà họ đã chốt giá trước đó. 

Các đại lý do không có hàng từ nông dân nên cũng không giao cho các nhà xuất khẩu, đẩy tình trạng kinh doanh xuất khẩu cà phê vào cảnh hỗn loạn.

"Về phía các công ty xuất khẩu và các công ty nước ngoài, hợp đồng xuất khẩu đã ký nên họ buộc phải mua cà phê giá cao để giao hàng. Giá lỗ lên tới hàng chục triệu đồng/tấn, trong khi hợp đồng cà phê thì thường kí từ hàng trăm đến hàng ngàn tấn. Số tiền lỗ khó tưởng tượng nổi" - ông Thông cho biết. 

Giá cà phê tăng điên đảo, giao dịch "hỗn loạn", nhà xuất khẩu tiết lộ bị "lỗ khủng"- Ảnh 3.

Hiện tại, giá cà phê Robusta của Việt Nam cũng đang cao nhất thế giới, cao hơn cả Ấn Độ. Ảnh: Minh Huệ

Nói như vậy để thấy rằng, mặc dù cà phê trong nước đang được mùa được giá, nhưng các công ty xuất khẩu hay các công ty nước ngoài nếu đã bán trước mà không nhận được hàng đã mua, đều bị thiệt hại vô cùng lớn.

"Có thể nói là các công ty xuất khẩu Việt Nam hầu hết chưa thể quản lý nổi khi giá biến động quá cao như vậy. Giá cà phê tăng hơn 100% chỉ trong một mùa vụ và người dân lại "xù" hợp đồng. Điều này phá vỡ mọi mối quan hệ kết nối gần 20 năm qua" - ông Thông chỉ ra.

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, hiện tại, giá cà phê Robusta của Việt Nam đang cao nhất thế giới, cao hơn cả Ấn Độ. Thế là những người mua mới không mua cà phê của Việt Nam nữa mà chuyển sang Ấn Độ mua hàng. Rất nhiều người mua nước ngoài năm nay thấy thị trường Việt Nam khó khăn cũng tăng mua mới từ đầu năm và giờ họ bán ra lời lớn. 

"Với giá trên 94.000 đồng/kg, cà phê rất khó bán, cũng không ai dám mua trữ, bởi nếu giá giảm thì sẽ lỗ khôn kể" - ông Thông cho biết.

Giá cà phê tăng điên đảo, giao dịch "hỗn loạn", nhà xuất khẩu tiết lộ bị "lỗ khủng"- Ảnh 4.

Năm nay, giá cà phê cứ tăng cao ngất nên sau khi thu hoạch, nông dân ít gửi đại lý, họ cũng không muốn bán hết một lần hay 50% như mọi năm mà giữ bán từ từ, khiến lượng cung nhỏ giọt, càng đẩy giá lên cao hơn. Ảnh minh họa.

Diễn biến thị trường cà phê sắp tới ra sao?

Về xu hướng giá cà phê sắp tới, ông Nguyễn Nam Hải cho rằng rất khó dự đoán. Cũng như trước đây, không có chuyên gia cà phê nào có thể dự đoán giá cà phê trong nước có thể lên đến 94.000 đồng/kg như hiện nay. "Tuy nhiên, một điều chắc chắn là giá cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao" - Chủ tịch Vicofa khẳng định.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cho biết, các nhà rang xay trên thế giới luôn có phương pháp "ứng phó" thích nghi với biến động giá cà phê Robusta ở Việt Nam. Trước tình hình giá Robusta cao và khó mua hàng như hiện nay, rất nhiều nhà rang xay lớn trên thế giới đã chuyển đổi 1 phần sang mua cà phê Arabica của Brazil.

Theo dự tính, nguồn cung Arabica không thiếu và lần đầu tiên trong lịch sử 52 năm mới lặp lại giá Robusta cao hơn Arabica, thậm chí có nhiều loại Arabica giá thấp hơn Robusta của Việt Nam và Brazil. Do đó, các nhà rang xay lớn trên thế giới đã chuyển đổi một phần sang mua Arbica chất lượng thấp để bù đắp nhu cầu của mình.

Với giá cà phê cao như hiện nay, ông Phan Minh Thông nhận định, nông dân Việt Nam sẽ trồng nhiều hơn và Brazil cũng trồng nhiều hơn, các nhà rang xay lớn mua giống khác thay thế thì Việt Nam chúng ta cũng phải nghĩ tới chuyện này. Từ chỗ sản lượng có hơn 50 triệu bao, Brazil đã cung cấp 68 triệu bao cà phê cho thị trường trong năm 2023, bao gồm cả Arabica và Robusta. Với diện tích đất bao la, không khéo một ngày nào đó Brazil cung cấp cả nhu cầu cà phê cho cả thế giới.

"Người ta nói giá lên nhanh thì cũng có lúc xuống, mà lên càng nhanh thì xuống càng nhanh. Chúng ta đang rất vật lộn với giá cả cà phê hiện tại và có lẽ giá cà phê đứng cao cũng còn lâu; tuy nhiên chúng ta cũng sẽ phải nhìn kịch bản khi giá xuống (như chuyện giá tiêu mấy năm trước), và lúc đó đau thương cũng không kém" - Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh lưu ý thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem