Làm hết trách nhiệm?
Cơ quan chức năng của huyện Nam Trà My đã áp giá đền bù cho 18 hộ dân vào năm 2009 theo các Quyết định số 51/2008 và số 03/2009 của UBND tỉnh Quảng Nam (về việc ban hành quy định phương pháp xác định giá đất và giá các loại đất trên địa bàn tỉnh).
|
Người dân di tản trẻ em lên ở tạm trên vùng cao. |
Theo các quyết định này, đất được áp giá cao nhất ở thời điểm đó là đất ở sát đường ĐT 616 với 30.000 đồng/m2; đất thấp nhất là đất nuôi trồng thủy sản được áp giá là 1.500 đồng/m2.
Ông Phan Văn Bửu - 1 trong 18 hộ dân cho biết: Để cải thiện kinh tế gia đình, tôi đã đào ao nuôi cá trên 634m2 đất vườn lâu năm của gia đình. Khi đền bù toàn bộ diện tích này, họ tính cho tôi cái mức giá không thể tưởng tượng nổi là 1.500 đồng - 2.000 đồng/m2.
Ông Nguyễn Ngọc Rân - hàng xóm với ông Bửu, cũng bức xúc không kém: Sau bao nhiêu năm trời khai hoang vỡ vạc, tôi có hơn 2.000m2 đất trồng cây lâu năm, đến khi đền bù thì được áp giá mỗi m2 đất chỉ được 2.000 đồng. Năm 2009 chứ phải thời xa lắc xa lơ nào đâu mà tính cho dân 1m2 đất 2.000 đồng. Thử hỏi với 2.000 đồng/m2 thì mua được đất gì để mà tái sản xuất?
Trả lời về việc dân phản ứng giá đền bù, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - ông Lê Ngọc Kích cho rằng: “Tui và lãnh đạo huyện làm hết trách nhiệm của mình rồi. Lỗi không phải ở huyện mà do cơ chế! Huyện chỉ thực hiện đúng theo các quyết định của tỉnh. Dân họ kiện nhưng thẩm quyền của tôi đến đó là hết”.
Dân bị “treo” 5 năm
Ngoài việc đơn giá đền bù thấp, 18 hộ dân còn bức xúc là chuyện sản xuất làm ăn bị đình trệ dài trong suốt 5 năm trời. Đến năm 2009 thì huyện mới có quyết định đền bù và đến năm 2010 mới tiến hành thanh toán tiền đền bù. Tuy nhiên, trước đó từ năm 2005 các cơ quan chức năng và đơn vị thủy điện đã tiến hành kiểm kê xác định khối lượng bồi thường và yêu cầu dân ngừng thi công, cơi nới, mở rộng sản xuất.
Khả năng chuyển vụ kiện EVN lên tòa tỉnh
Chiều 26.10, 18 hộ dân cho biết, TAND huyện Nam Trà My đã nhận 18 lá đơn kiện EVN của họ và yêu cầu nộp tiền án phí (mỗi hộ 200.000 đồng) để thụ lý đơn kiện. Cùng ngày, lãnh đạo TAND huyện Nam Trà My cho biết: “Vụ 18 hộ dân kiện UBND huyện Nam Trà My thì tòa đã thụ lý đơn kiện. Còn vụ họ kiện EVN, tòa án cũng đã tiếp nhận đơn, nhưng đang xem xét có đủ thẩm quyền để thụ lý vụ kiện này hay không. Nếu xem xét thấy không đủ thẩm quyền, chúng tôi sẽ chuyển đơn lên TAND tỉnh Quảng Nam thụ lý”.
Ông Bửu cho biết: Sau khi kiểm kê, cơ quan chức năng đã cấm không cho người dân xây mới nhà cửa, trồng cây cối, chăn nuôi, làm đình trệ mọi hoạt động sản xuất, gây thiệt hại nặng nề cho bà con. “Đáng nói hơn, là đến tháng 7.2009, chúng tôi mới nhận được “bảng áp giá bồi thường tài sản bị thiệt hại” và “bản giao nhận tiền bồi thường” của Hội đồng Bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng Thủy điện Sông Tranh 2, nhưng chẳng có chữ ký, dấu má gì cả” - lời ông Bửu.
Theo người dân, ngay sau khi nhận được các văn bản liên quan đến quyền lợi thiết thân của họ mà chẳng có chút giá trị pháp lý này, người dân đồng loạt có đơn khiếu nại chủ đầu tư Dự án công trình Thủy điện Sông Tranh 2 nhưng chẳng được giải quyết. Ngày 19.11.2010, ông Bửu có đơn khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan trình bày: “Từ ngày kiểm kê đến ngày ra văn bản chi trả là 4 năm (2005 – 2009). Vì thời gian quá dài như vậy làm cho gia đình tôi thiệt hại nhiều mặt, như không chủ động sản xuất, chăn nuôi, buôn bán. Đã vậy, tháng 7.2009, tôi nhận được bản áp giá không có chữ ký, không có đóng dấu, cũng không niêm yết công khai phương án bồi thường đã được phê duyệt”. Tuy nhiên, đơn của ông cũng rơi vào im lặng.
Giá đền bù thấp do địa phương
Hôm qua (26.10), ông Trần Văn Được - Phó Tổng Giám đốc EVN và ông Trần Văn Hải -Trưởng ban quản lý Dự án Thủy điện Sông Tranh 2 trả lời phỏng vấn PV NTNN.
Ông Được cho biết, EVN đang họp về vấn đề này. EVN đã có chỉ đạo chung tới Ban quản lý Dự án Thủy điện Sông Tranh 2 là giải quyết vụ việc theo đúng quy định, quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt và UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt đối với Dự án Thủy điện Sông Tranh 2.
Nhưng 18 hộ dân này đang kiện cả EVN và UBND tỉnh, thưa ông?
- 18 hộ dân này đều là những hộ dân di cư tự do. Chúng tôi được biết là huyện Nam Trà My đã nhất trí cưỡng chế di dời các hộ dân này để dự án được triển khai xây dựng.
Các hộ dân kiện vì chưa được giải quyết đền bù thỏa đáng?
- Việc giải quyết đền bù thế nào, Ban quản lý dự án sẽ trả lời cụ thể. Chúng tôi chỉ chỉ đạo chung là giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật.
Số hộ nhận đền bù của Dự án Thủy điện Sông Tranh 2 là bao nhiêu?
Ông Trần Văn Hải: Tất cả có 1.046 hộ, và 18 hộ đã phản đối chúng tôi. Chúng tôi đã phải trực ở đó, cùng công an kiên quyết cưỡng chế các hộ dân di dời để triển khai dự án. Về phía chủ đầu tư, chúng tôi đã làm hết trách nhiệm rồi.
Nhưng việc đền bù 2.000 đồng cho 1m2 đất vườn là không thỏa đáng, thưa ông?
- Giá đền bù như thế nào là do địa phương. Về vấn đề giá thấp, giá cao thì hỏi địa phương. Chúng tôi không thể quyết định giá đền bù lên hay xuống được. Nếu ra tòa thì chúng tôi phải chấp nhận thôi.
Mai Hương (thực hiện)
GS - TS Đặng Hùng Võ: Không thể chấp nhận
Thông thường khi tiến hành tính mức đền bù khi lấy đất làm dự án, các chủ đầu tư đều dựa vào thu nhập từ đất đó đem lại cho người dân để tính ra mức giá phải đền bù, mà ở đây là thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Tôi chưa nắm thông tin cụ thể, tuy nhiên theo suy luận thì Dự án Thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng ở núi cao, hẻo lánh, vì vậy đất vườn lại thuộc rừng thường có mức tính thu nhập từ hoạt động sản xuất không cao, đồng thời lại không có giá thị trường để so sánh. Còn nếu là đất sản xuất nông nghiệp mà định giá để đền bù như vậy là quá thấp, không thể chấp nhận được.
Phương Hà (ghi)
Thu Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.