Tuy nhiên, hiếm có triều đại nào cho tù nhân mức nhẹ được… về ăn Tết rồi quay lại thụ án tiếp như triều Nguyễn.
Những câu chuyện về chính sách nhân đạo với phạm nhân có thể kể đến như lời vua Lý Thánh Tông nói với các quan hầu cận vào mùa Đông năm 1055: "Ta ở trong cung sâu, sưởi là than, mặc áo hồ cừu mà còn lạnh như thế này, huống chi những kẻ ở trong tù, khốn khổ vì trói buộc, phải trái chưa phân minh mà quần áo không đủ, thân thể không có gì che, nên mỗi khi bị cơn gió lạnh khắc nghiệt thì há không chết được người vô tội hay sao! Ta vô cùng thương xót".
Sau đó, nhà vua sai quan Hữu ty cấp mền, chiếu trong kho cho tù nhân và yêu cầu cung cấp cho người tù hai bữa ăn đầy đủ mỗi ngày.
Hình luật triều Lê, bộ "Quốc triều hình luật", hay còn gọi là Luật Hồng Đức, có rất nhiều điều thể hiện sự nhân đạo, như việc xét giảm án cho những người già cả, trẻ thơ, người tàn tật. Các chính sách này cũng được kế thừa trong luật hình triều Nguyễn, bộ "Hoàng Việt luật lệ", thường được gọi là Luật Gia Long.
Luật Hồng Đức quy định: "Những người đáng được nghị xét giảm tội như 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống, người bị phế tật thì không được tra khảo họ, chỉ cần căn cứ lời khai của nhân chứng mà định tội". Còn người từ 90 tuổi trở lên, 7 tuổi trở xuống, dù phạm tử tội cũng không áp dụng hình phạt.
Ở triều Nguyễn, nhiều loại tội phạm bị xử án sung làm lính, phát phối ở các miền biên viễn.
Mùa Thu năm Minh Mạng thứ 13 (1832), khi đình thần dâng lên các bản án để vua duyệt lại (mỗi năm hai lần, vào mùa Xuân và Thu, mùa này gọi là "thu thẩm"), nhà vua đã chuẩn cho những tù phạm tội chết giảm xuống tội phát phối sung quân được cho làm lính hơn 70 người, trong số ấy có người từ 70 tuổi trở lên, thì phê cho đánh trượng rồi tha.
Nhà vua dụ bộ Hình rằng: "Về tập án mùa Thu năm nay căn cứ vào tờ phiếu do đình thần đã lựa tâu, xét đi xét lại kỹ càng, trong ấy có tù phạm từ 70 tuổi trở lên mà án can phạm là hành hung, bẻ khoá vượt ngục, đều thuộc sự tình hung bạo, nhưng vì tuổi già phạm tội theo luật có điều khoan giảm rõ ràng. Vậy đặc cách phê cho xử nhẹ đánh trượng rồi tha".
Nhà vua cũng quan tâm đến nguyên nhân phạm tội của người già, khi nhắc bộ Hình: "Lại nghĩ những người tuổi già, khí huyết suy yếu làm sao lại có tình trạng hung ác ấy? Hoặc giả hung hãn quen tính đến già không đổi, hay là mạo tăng tuổi để mong viện lệ được giảm cũng chưa biết chừng. Ví chẳng tra xét rõ ràng e kẻ xảo trá có thể mong được ưa may hưởng lệ khoan hồng.
Vậy bộ Hình ngươi nên chiếu theo tập án tư sức cho các địa phương xét những tù phạm ấy xem quả có già yếu lọm khọm, mặt và tuổi cùng phù hợp nhau hay là gân xương hình dáng còn khoẻ mạnh đanh ác, đều phải cứ thực tâu lên để sẽ lại xuống chỉ thi hành. Từ đây về sau, đối với những người can án phạm tội giống như loại ấy chuẩn cho đều theo lệ này xét nghiệm, rồi hồ sơ cứ để ở trong tập án".
Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), tháng 6, khi xét niên hạn tha tù phạm bị phát làm lính, nhà vua cũng nhắc nhở xét những người trong quá trình cải tạo cố sức chuộc tội thì cho giảm số năm chịu hình phạt, cho về địa phương chịu sai dịch, riêng người nào có người niên hạn chưa đủ mà tuổi đã đến 70, cho quan địa phương đem việc ấy tâu lên, không cứ niên hạn được đều tha.
Đặc biệt, ở thời nhà Nguyễn, vào dịp Tết, những tù phạm mắc tội nhẹ được hưởng niềm vui lớn là cho về nhà ăn Tết, sau đó quay lại chịu án tiếp. Như thời vua Minh Mạng, viên Cai đội thủy quân Nguyễn Tài Năng phải tội bị giam, đến Tết Nguyên đán được thả cho về thăm nhà, sau Tết quay lại nhà ngục, được vua thương tình đặc cách sai tha, nhưng cho về lại thuỷ quân để lập công chuộc tội. Sau đó Tài Năng được khởi phục làm Vệ uý vệ Hậu thuỷ Thuỷ quân, rồi thăng đến Thống chế thủy quân.
Vua Tự Đức cũng thực hiện điều ân đức này vào ngày Tết. Năm 1846, trước đêm trừ tịch, nhà vua dụ bộ Hình rằng: "Đương buổi xuân hoà, cỏ cây và các loài vật đều nhờ đó nảy nở. Huống chi, năm mới tiến phúc, trẫm tuổi tới tứ tuần, làm tiệc mừng ban ơn, thực nên khiến cho người ta biết tự sửa đổi. Các tù phạm bị đày ở trong quân, bị tội đồ làm nô, bị tội khổ sai, hiện đang phải giam ở Kinh là 115 người, nên hội đồng các quan ở Kinh, hiểu thị rõ ràng, tha cho về thăm nhà, hạn cho 15 ngày lại phải đến".
Khi đến kỳ hạn, không ai phải thúc giục, tất cả tù phạm đều trở lại điểm danh. Vua cho rằng bọn chúng đều biết cảm kích phấn khởi, nên tha cho cả. Những phạm nhân chưa trả xong số tiền phải bồi thường, cũng được rộng tha.
Đầu năm Tự Đức thứ 17 (1864), viên Tiễu phủ sứ Nguyễn Tấn tâu xin những người tù phạm về tội quân lưu, lưu giam ở các cơ, người nào đến 60 tuổi suy yếu, thì tha cho về làng; ai chưa đến 60 tuổi mà bị bệnh cố tật không dậy được, cùng là kẻ tù giam làm nô, thì tha tội ghép vào các xã dân để làm ăn sinh nhai, đình việc chi cấp lương ăn.
Còn những người mạnh khoẻ thì dồn làm đội quân Thiên Thiện, phái người quản suất, lâm thời sai phái. Các bọn tù phạm như thế ở các tỉnh, đều xin thi hành một luật, giải giao cho quân thứ, dồn bổ làm lính, cũng là một việc bớt được sự tổn phí vậy. Nhà vua y theo.
Tháng 6/1870, vua Tự Đức cũng phê chuẩn rằng phàm các nhà giam ở trong Kinh và các tỉnh ngoài, mỗi khi đến mùa Đông rét, đều kiểm điểm những tù phạm hiện giam, người nào bần cùng thì liệu trích tiền công may quần áo phát cho họ "để tỏ lòng thể tất".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.