3 nàng công chúa có số phận kỳ lạ nhất trong lịch sử Việt Nam gồm những ai?
3 công chúa có số phận kỳ lạ nhất trong lịch sử Việt Nam gồm những ai?
Thứ bảy, ngày 08/04/2023 10:31 AM (GMT+7)
“Thân em như tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”. Câu nói ấy, ngay cả cành vàng lá ngọc cũng không phải ngoại lệ. Dưới đây là 3 nàng công chúa có số phận kỳ lạ nhất lịch sử Việt Nam.
Công chúa Chiêu Thánh – “Tội đồ” làm diệt vong nhà Lý
Công chúa Chiêu Thánh (1218-1278) tên thật Lý Phật Kim, sau đổi tên thành Lý Thiên Hinh, con vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Năm 7 tuổi, bà được vua cha nhường lại ngôi báu, hiệu là Lý Chiêu Hoàng. Vì tuổi vua con nhỏ, lại thân phận nữ nhi, nên toàn bộ quyền bính rơi vào tay họ Trần.
Năm 1225, dưới sự thao túng của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng kết duyên cùng Trần Cảnh và nhường ngôi cho chồng, trở thành Hoàng hậu Chiêu Thánh. Nhà Lý chính thức diệt vong.
7 năm sau, Chiêu Thánh hạ sinh hoàng tử. Nhưng long tử yểu mệnh nên qua đời. Sợ Trần Thái Tông – tức Trần Cảnh không có con nối dõi, Trần Thủ Độ bèn ủ mưu, ép vua lập công chúa Thuận Thiên (chị ruột của Chiêu Thánh) lên làm hoàng hậu. Vì quyền lực của Thụ Độ thời đó quá mạnh, vua đành phải đồng ý, giáng Chiêu Thánh xuống làm công chúa.
Mang trong mình tội lỗi diệt tộc, lại quá đau buồn trước hiện thực tàn khốc, Chiêu Thánh xuống tóc đi tu. Sau cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ (1257-1258), bà được phục hồi tước vị công chúa và được gả cho Lê Phụ Trần, người có công cứu giá vua Trần Thái Tông. Vị công chúa bạc mệnh cuối cùng đã tìm được hạnh phúc bên người chồng mới, bà sinh hạ được 2 người con.
Công chúa Ngọc Bình – Con vua lại lấy hai đời làm vua
Công chúa Ngọc Bình (1783-1810) con gái thứ 23 của vua Lê Hiển Tông, em gái của công chúa Ngọc Hân – hoàng hậu của vua Quang Trung. Vào năm Ất Mão (1795), bà được gả cho Nguyễn Quang Toản. Sau khi Quang Trung băng hà, Quang Toản nối ngôi, trở thành vua Cảnh Thịnh, Ngọc Bình theo đó cũng trở thành hoàng hậu.
Năm 1801, sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, vua Cảnh Thịnh và công chúa Ngọc Bình đều bị bắt giữ. Tuy nhiên với nhan sắc chim sa cá lặn, Ngọc Bình đã chiếm giữ trái tim của Vua Gia Long ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Vua quyết định lấy bà làm vợ, phong làm Đức Phi. Theo sử sách, Ngọc Bình là người được vua sủng ái bậc nhất. Trong gần 10 năm trở thành phi tần của Gia Long, bà sinh được hai hoàng tử và hai công chúa.
Chính cuộc hôn nhân với Nguyễn Ánh đã khiến Ngọc Bình trở thành người phụ nữ có số phận lạ lùng bậc nhất sử Việt Nam: Số đâu có số lạ lùng/ Con vua lại lấy hai chồng làm vua.
An Tư công chúa – lá ngọc cành vàng trở thành sủng nữ của quân địch
An Tư công chúa là con gái út của vua Trần Thái Tông (1218-1277), em gái của Trần Thánh Tông và là cô ruột của Trần Nhân Tông. Năm 1285, dưới sự chỉ huy của Trấn Nam vương Thoát Hoan, quân Nguyên tiến hành xâm lược Đại Việt lần thứ hai.
Trước thế giặc mạnh như vũ bão, Thượng hoàng Trần Thái Tông đã sai người đem thư nghị hòa. Tuy nhiên, quân địch cậy thế binh đông hùng hậu, không chấp nhận, một mực muốn tiến đánh, nuốt trọn Đại Việt ta. Vậy nên, vua Trần buộc phải dùng mỹ nhân kế, dâng công chúa An Tư cho Thoát Hoan, nhằm kìm hãi bước tiến của địch, để quân dân ta có thời gian củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu.
Đến nay, cuộc đời của công chúa An Tư sau khi được “gả” cho Thoát Hoan vẫn là một dấu chấm hỏi. Liệu nàng đã chết trong khói lửa binh đao, trở thành vợ của Thoát Hoan ở Nguyên Mông, hay đã trốn thoát ẩn cư sống cuộc đời bình an, tránh xa hồng trần? Tuy nhiên, dù thế nào, cũng không thể phủ nhận sự hy sinh thầm lặng của công chúa đã góp phần giúp nhà Trần đẩy lui quân giặc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.