Cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam
Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 25.11.2014, có hiệu lực từ 1.7.2015 cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Luật quy định, tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ thêm các quy định khác.
Từ 1.7.2015 tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Ví dụ, chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư.
Nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.
Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì Chính phủ quy định cụ thể số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu.
Đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận...
Cán bộ, công chức được kéo dài tuổi nghỉ hưu
Nghị định của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15.7.2015.
Đối tượng áp dụng nghị định này là cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh: Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội và TP.HCM. Ủy viên Ban Thường vụ kiêm trưởng các ban Đảng của Thành ủy TP.Hà Nội và TP.HCM. Phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ trưởng bộ; cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang bộ; người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ.
Ngoài ra, những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng thuộc đối tượng áp dụng nghị định này.
Cán bộ, công chức thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn quy định tại nghị định này phải đáp ứng 2 điều kiện: Có đủ sức khỏe để thực hiện chức trách, nhiệm vụ; không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về Đảng, chính quyền.
Đối với cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh nêu trong nghị đinh này, thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 5 năm, nhưng không vượt quá 60 tuổi. Các cán bộ này khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn vẫn tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Hiện nay theo quy định của Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu của nữ là 55, của nam là 60.
Quân đội có 3 vị trí mang quân hàm Đại tướng
Ngày 27.11.2014, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, có hiệu lực từ 1.7.2015.
Theo đó, cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam (Đại tướng) được áp dụng với 3 vị trí: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, quy định này là kế thừa Luật Sĩ quan hiện hành, đã được thực tiễn kiểm nghiệm từ khi có Luật Sĩ quan năm 1958, phù hợp với tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hơn nữa, Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam, có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ nguyên như dự thảo Luật - Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm Đại tướng bằng Bộ trưởng Quốc phòng.
Cũng theo Luật, trần quân hàm của Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh là trung tướng.
Khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt
Quyết định có hiệu lực từ 1.7.2015 của Thủ tướng có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được hưởng cơ chế, chính sách về quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; được miễn thuế nhập khẩu phụ tùng, linh kiện thuộc loại trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; miễn lệ phí trước bạ đối với phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương sẽ trợ giá hoặc hỗ trợ chi phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt...
Nghệ sĩ được hưởng phụ cấp ưu đãi, luyện tập, biểu diễn
Chế độ bồi dưỡng luyện tập tính theo số buổi thực tế luyện tập, gồm 4 mức: 35.000 đồng/buổi tập; 50.000 đồng/buổi tập; 60.000 đồng/buổi tập; 80.000 đồng/buổi tập.
Chế độ bồi dưỡng biểu diễn tính theo số buổi biểu diễn và phục vụ biểu diễn thực tế, gồm 4 mức: 80.000 đồng/buổi diễn; 120.000 đồng/buổi diễn; 160.000 đồng/buổi diễn; 200.000 đồng/buổi diễn.
Trong đó, mức 200.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên chính, nhạc công chính, người chỉ đạo nghệ thuật chương trình nghệ thuật ca múa nhạc, người chỉ đạo nghệ thuật vở diễn sân khấu; Mức 160.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên chính thứ, nhạc công chính thứ, kỹ thuật viên chính âm thanh, kỹ thuật viên chính ánh sáng; Mức 120.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên phụ, nhạc công, kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng; trưởng, phó các đơn vị nghệ thuật và trưởng, phó các đoàn biểu diễn trực thuộc; Mức 80.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với nhân viên hậu đài, nhân viên hóa trang, nhân viên phục trang, nhân viên đạo cụ và nhân viên phục vụ làm việc theo chế độ hợp đồng.
Trường hợp người tham gia biểu diễn nghệ thuật thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm thì chỉ hưởng mức bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn cao nhất. Quyết định trên của Thủ tướng có hiệu lực thi hành từ 1.7.2015.
Khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định Nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không và một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu.
Luật bổ sung trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp chuyến bay bị chậm kéo dài mà không được thông báo trước. Luật giao Bộ trưởng Giao thông vận tải quy định về thời gian chuyến bay bị chậm kéo dài và chất lượng dịch vụ tối thiểu cho hành khách tại cảng hàng không, sân bay.
Luật có hiệu lực từ 1.7.2015.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.