Chính sách tỷ giá mới, tích cực và ẩn số

Thanh Trúc (Thế giới tiếp thị) Thứ năm, ngày 07/01/2016 15:00 PM (GMT+7)
Ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2016, thị trường đón nhận chính sách điều hành tỷ giá mới.
Bình luận 0

Ngày 31.12.2015, ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đôla Mỹ, tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam với một số ngoại tệ khác.

Ngày 4.1, quyết định này bắt đầu được áp dụng ngay với tỷ giá trung tâm là 21.896 đồng/USD.

Tỷ giá trung tâm được sử dụng thay thế tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

img

Tỷ giá trung tâm có tham chiếu ngoại tệ khác ngoài USD. Ảnh: Lê Quang Nhật.

Khác biệt của tỷ giá trung tâm so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng là tỷ giá trung tâm sẽ được NHNN công bố hàng ngày, thay vì neo cố định lâu lâu mới thay đổi một lần như tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Ngày đầu tiên áp dụng, tỷ giá trung tâm được công bố cao hơn tỷ giá bình quân liên ngân hàng 6 đồng. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã được neo cố định suốt bốn tháng trước.

Tỷ giá trung tâm được dùng để các tổ chức tín dụng xác định giá mua bán đôla Mỹ, vẫn áp dụng biên độ (+/-) 3% như từng áp dụng với tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Tỷ giá trung tâm được NHNN xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền (USD, baht Thái Lan, EUR, CNY, đôla Singapore, yen Nhật, won Hàn Quốc, Đài tệ) của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy tỷ giá trung tâm (dù NHNN vẫn giữ quyền kiểm soát) là gần với thị trường hơn: thay đổi mỗi ngày, có phản ánh biến động tiền tệ trên thị trường quốc tế.

Phản ứng tích cực

Quan sát ngày đầu tiên áp dụng (4.1), các ngân hàng thương mại đã chủ yếu điều chỉnh tăng giá mua vào từ 10 – 50 đồng. Như tại Vietcombank niêm yết 22.470 – 22.540 đồng/USD, tăng 20 đồng giá mua, giá bán cố định.

Thậm chí có ngân hàng tăng giá mua nhưng giảm giá bán, như Vietinbank niêm yết 22.465 – 22.535 đồng/USD, tăng 15 đồng mua vào nhưng giảm 5 đồng bán ra.

Bước qua ngày 5.1, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng 11 đồng. Buổi sáng, giá niêm yết tại VCB vẫn bình chân như vại: 22.470 – 22.540 đồng/USD.

Việc điều chỉnh tăng giá mua, giảm giá bán USD tại các ngân hàng thương mại khiến khoảng cách giữa giá mua và giá bán nhích lại gần nhau hơn và cách xa mức trần (hay sàn) quy định là một tín hiệu cho thấy thị trường đã phản ứng tích cực trước chính sách mới: kỳ vọng ổn định.

Trong thời kỳ chính sách tiền tệ “giật cục” trước đây, mỗi khi NHNN điều chỉnh tỷ giá, là các ngân hàng thương mại thường đẩy giá kịch trần do giá cả bị ấn định không sát với quan hệ cung – cầu cũng như kỳ vọng thị trường.

Quan trọng hơn cả là cơ chế tỷ giá mới này là cơ sở để có thể hình thành thị trường giao dịch ngoại tệ kỳ hạn trong tương lai. Giao dịch ngoại tệ kỳ hạn là công cụ giúp doanh nghiệp phòng rủi ro biến động tỷ giá để chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh. Và nếu thị trường kỳ hạn hình thành được, thì thông tin của thị trường này trở thành công cụ dự báo tỷ giá của doanh nghiệp.

Coi chừng quá sớm

Việc công bố tỷ giá trung tâm là việc làm cụ thể trong các biện pháp đồng bộ mà NHNN công bố sẽ thực hiện nhằm thực hiện mục tiêu xuyên suốt là nâng cao vị thế của đồng Việt Nam…

Một “biện pháp đồng bộ” khác tiếp tục được dư luận tiếp tục bàn tán là thông điệp của thống đốc Nguyễn Văn Bình về việc sắp tới “gửi ngoại tệ có thể mất phí”.

Mục tiêu của giải pháp này ai cũng dễ dàng nhận ra là muốn người dân, doanh nghiệp bán đôla đi chuyển sang tiền đồng vì giữ chẳng lợi ích gì. Tuy nhiên, theo nhận định của một số doanh nghiệp, chuyên gia, thì Việt Nam chưa đủ lực để làm điều này.

Chuyên gia ngân hàng Trang Văn Sanh nhận xét: “Trên thế giới, cũng đã có tiền lệ gửi tiền mất phí thể hiện bằng lãi suất âm. Họ làm vậy là để kích thích đầu tư sinh lợi khi kinh tế tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, đồng tiền của họ là đồng tiên chuyển đổi được, trong khi tiền Việt Nam không chuyển đổi được. Ngay cả Trung Quốc cũng chưa dám áp dụng lãi suất âm”.

Cũng theo ông Sanh, phải khó khăn lắm hệ thống ngân hàng Việt Nam mới được người dân tin tưởng gửi ngoại tệ vào. Nay lãi suất ngoại tệ đã bằng 0% và hệ thống ngân hàng có thêm thanh khoản ngoại tệ của người dân để sử dụng sinh lợi.

Nếu lãi suất ngoại tệ âm, người dân không chọn giải pháp bán ngoại tệ cho ngân hàng mà rút về “cất tủ” do chưa tin tưởng tiền đồng, thì ngân hàng sẽ mất bớt một nguồn ngoại tệ để sử dụng.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng có một nguồn ngoại tệ chưa sử dụng đến, nhất là khối FDI, nếu lãi suất âm, họ sẽ chuyển đi nơi khác, và hệ thống ngân hàng cũng mất đi nguồn này để sử dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem