Chính trường Thái Lan: Cuộc đua “song mã”

Thứ ba, ngày 21/06/2011 07:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thái Lan đang phải đối mặt với một thời kỳ bất ổn chính trị khi cuộc bầu cử ngày 3.7, có khả năng gây thêm xung đột tại đất nước đang bị chia rẽ này, đang đến gần.
Bình luận 0

Thời của Pue Thai?

Nhiều ý kiến cho rằng cuộc bầu cử sắp tới sẽ là cuộc đua song mã giữa Đảng Dân chủ cầm quyền và Pue Thai, đảng đối lập do cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra kiểm soát. Mặc dù đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận, song có khả năng Pue Thai vẫn chỉ là phe đối lập trong Quốc hội cho dù đảng này giành được hầu hết số ghế.

img
Bà Yingluck Shinawatra, được cho là gương mặt sáng giá cho vị trí Thủ tướng Thái Lan trong tương lai.

Chính phủ của Đảng Pue Thai có thể sẽ phải chịu chung số phận như hai chính phủ tiền nhiệm, từng phải vật lộn với các cuộc biểu tình trên đường phố trước khi bị quân đội lật đổ hoặc chịu sự can thiệp của tòa án. Mặc dù uy tín của Pue Thai dường như đang lên, song chưa chắc đảng này sẽ giành được một đa số rõ ràng. Chính vì thế, chắc chắn Pue Thai cần phải thành lập một liên minh để điều hành đất nước.

Hầu hết các nhà phân tích đều dự đoán đảng này sẽ giành được nhiều phiếu bầu hơn Đảng Dân chủ, có thể từ 220-240 ghế trong tổng số 500 ghế. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là sự ủng hộ của một đảng có quy mô trung bình không thôi (đối với Pue Thai) là chưa đủ.

Đảng này cũng lo ngại quân đội hoặc các đồng minh có thể tạo ra cái gọi là "một cuộc đảo chính trong im lặng", một sự can thiệp thận trọng mà theo đó thuyết phục các đảng khác từ chối mọi đề nghị của Pue Thai và về phe với Đảng Dân chủ.

“Chiến dịch bôi nhọ”

Tuy nhiên, nhiều hành động pháp lý đang được thực hiện nhằm chống lại ứng cử viên chức thủ tướng của Đảng Pue Thai, bà Yingluck Shinawatra - em gái của ông Thaksin. Một nhóm chống Thaksin đã đệ đơn tố cáo bà Yingluck đưa ra bằng chứng giả để che giấu số tài sản liên quan đến Thaksin.

Bà Yingluck đang cân nhắc việc kiện lại những người đệ đơn nói trên về tội làm mất danh dự của bà và Pue Thai cũng đã gửi đơn kiện lên Ủy ban Bầu cử, cho rằng đây là một chiến dịch bôi nhọ của Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ đã phủ nhận điều này.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin thân cận với Pue Thai cho rằng, một thỏa thuận có thể đang được bàn bạc ở hậu trường, theo đó, quân đội sẽ cho phép Pue Thai cầm quyền, đổi lại, đảng này phải bảo đảm rằng một số tướng lĩnh cấp cao nhất, đặc biệt là Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha, sẽ không bị cách chức.

Đảng Dân chủ có các mối quan hệ hùng mạnh và hẳn sẽ không gặp khó khăn gì khi thành lập một liên minh nếu họ giành được đa số phiếu bầu. Điều này có nghĩa là Đảng Dân chủ vẫn có thể cầm quyền nếu họ đứng thứ hai trong cuộc bỏ phiếu với một số lượng lớn ghế trong Quốc hội.

Mặc dù có một số người bất mãn với các hoạt động của Chính phủ do Đảng Dân chủ lãnh đạo, song có thể các cử tri còn đang do dự sẽ nghiêng về Thủ tướng Abhisit Vejjajiva hơn so với một thủ tướng khác được Thaksin hậu thuẫn, người hầu như chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối rộng rãi trong Quốc hội.

Phong trào biểu tình của phe Áo đỏ ủng hộ Thaksin chắc chắn đang đứng đằng sau Pue Thai. Pue Thai đã cam kết sẽ tôn trọng kết quả bầu cử nếu cuộc bầu cử này được cho là công bằng. Phe Áo đỏ có thể phản đối nếu Pue Thai giành được đa số phiếu bầu nhưng không thể thành lập chính phủ.

Theo Hiến pháp Thái Lan, đảng đứng thứ hai trong cuộc bầu cử có thể thành lập một liên minh nếu đảng thắng cử không thể làm như vậy. Tuy nhiên, một kịch bản như vậy có thể bị phe Áo đỏ coi là âm mưu nhằm cản trở Pue Thai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem