Chó dại cắn 6 người ở Mê Linh (Hà Nội): "Sau khi cắn người, con chó tiếp tục cắn nhiều con chó khác"

Bình Minh Thứ năm, ngày 29/06/2023 12:11 PM (GMT+7)
Thông tin với Dân Việt, Chủ tịch UBND xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội) ông Tạ Quang Rồng cho biết, con chó cắn 6 người ở xã Mê Minh và xã Hoàng Kim ngày 23/6 là giống cho ta.
Bình luận 0

Trước thông tin một con chó nghi bị bệnh Dại cắn 6 người trên địa bàn huyện Mê Linh (TP.Hà Nội), trao đổi với Dân Việt sáng 29/6, Chủ tịch UBND xã Mê Linh, huyện Mê Linh (TP.Hà Nội), ông Tạ Quang Rồng cho biết, con chó cắn 6 người ở xã Mê Minh và xã Hoàng Kim là giống chó ta.

Ông Rồng cho hay, khoảng 21h30 ngày 23/6, trên địa bàn thôn Liễu Trì, xã Mê Linh xảy ra sự việc một con chó cắn 6 người (trong đó 5 người tại thôn Liễu Trì và 1 người tại xã Hoàng Kim). "Con chó này tiếp tục cắn một số con chó khác của các hộ gia đình lân cận", ông nói. Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm trên con chó được xác định dương tính với bệnh Dại.

Chó dại cắn 6 người ở Mê Linh: "Sau khi cắn người, con chó tiếp tục cắn nhiều con chó khác" - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng tổ chức tiêm phòng cho đàn chó, mèo trên địa bàn xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Phạm Thùy

Theo Chủ tịch UBND xã Mê Linh Tạ Quang Rồng, ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND xã có văn bản báo cáo UBND huyện Mê Linh xin ý kiến chỉ đạo. Đồng thời chỉ đạo Đài truyền thanh xã thông tin, tuyên truyền, đề nghị nhân dân quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo của gia đình; tuyệt đối không được thả rông ngoài đường mà không đeo rọ mõm. 

Bên cạnh đó, tổ chức tiêm phòng bệnh Dại cho 100% đàn chó, mèo; Thường xuyên theo dõi chặt chẽ sức khỏe đàn chó mèo, các gia súc khác có nguy lây nhiễm bệnh dại; khi chó mèo có hiện tượng ốm cần khai báo ngay với chính quyền địa phương, cán bộ thú y xã để được hướng dẫn xử lý theo quy định; không dấu dịch, không vứt xác động vật chết, mắc bệnh ra môi trường...

Tính đến ngày 27/6, UBND xã Mê Linh tiêu hủy 22 con chó mắc bệnh và nghi mắc bệnh Dại. UBND xã cũng phối hợp với các đoàn thể, phân công cán bộ trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác khai báo sức khỏe đàn vật nuôi; liên hệ với Trung tâm Y tế huyện, trạm y tế xã để tiêm phòng và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Chó dại cắn 6 người ở Mê Linh: "Sau khi cắn người, con chó tiếp tục cắn nhiều con chó khác" - Ảnh 2.

UBND xã Mê Linh huyện Mê Linh (Hà Nội) tiêu hủy 22 con chó mắc bệnh và nghi mắc bệnh Dại. Ảnh: Phạm Thùy

Hiện, xã Mê Linh đã thành lập 2 chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thôn Liễu Trì nhằm ngăn chặn không cho vận chuyển chó mèo và các sản phẩm từ chó mèo ra vào thôn trong thời gian xử lý ổ dịch.

Theo thống kê trên địa bàn xã Mê Linh có 1.293 con chó, mèo, trong đó số đã được tiêm phòng là 900 con. Riêng tại thôn Liễu Trì đã tiêm phòng cho 94/157 con.

Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Mê Linh (Hà Nội), 6 người bị chó dại cắn đã được điều trị dự phòng như tiêm vaccine phòng dại, truyền huyết thanh kháng dại trên người, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà.

Sau khi xảy ra vụ việc trên UBND huyện Mê Linh đã ban hành văn bản khẩn chỉ đạo UBND xã Mê Linh, các phòng, ban, đơn vị có liên quan tăng cường, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của người và động vật nuôi nhốt.

Ngày 21/4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống bệnh Dại ở người và động vật.

Người đứng đầu các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý; ưu tiên mua vaccine và tiêm vaccine chó, mèo đồng loạt vào cùng một thời điểm.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), việc phòng bệnh trên chó, mèo đã được quy định tại Thông tư số 07 năm 2016 của Bộ NNPTNT và Quyết định 2151 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định "nuôi chó, mèo phải đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền cũng như quản lý không thả rông chó, mèo".

Năm 2022, cả nước có 70 người chết do bệnh Dại và 3 tháng đầu năm 2023 đã có 11 người chết. "Bệnh Dại rất nguy hiểm đến tính mạng của con người, nếu không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chăn nuôi, quy định của Chính phủ, ngành thú y thì chúng ta không thể quản lý chặt được đàn chó, mèo và không thể phòng được bệnh Dại", ông Long nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem