Đã chi 25.900 tỷ đồng để xây kè nhưng sạt lở vẫn thường xuyên diễn ra và ngày càng phức tạp

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 29/06/2023 10:57 AM (GMT+7)
Theo báo cáo chưa đầy đủ của các ngành chức năng và địa phương, từ năm 2016 đến nay, Trung ương đã đầu tư và có kế hoạch đầu tư cho các địa phương trên cả nước hơn 25.900 tỷ đồng để xây dựng 776 công trình kè chống sạt lở, với chiều dài hơn 747 km.
Bình luận 0

Tại Hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều năm 2023 được tổ chức tại TP.Cần Thơ mới đây, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) thông tin, theo báo cáo chưa đầy đủ của các bộ và các địa phương, từ năm 2016 đến nay, Trung ương đã đầu tư và đã có kế hoạch đầu tư cho các địa phương trên cả nước hơn 25.900 tỷ đồng để xây dựng 776 công trình kè chống sạt lở, với chiều dài hơn 747km.

Chi hơn 25.900 tỷ đồng để xây kè chống sạt lở - Ảnh 1.

Từ năm 2016 đến nay, trên cả nước đã xuất hiện 3.752 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 4.216 km. Trong ảnh: Một điểm sạt lở bờ sông tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Cụ thể, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, đến nay, 737 công trình kè chống sạt lở đã hoàn thành, với chiều dài trên 653 km và vốn đã chi là hơn 20.000 tỷ đồng.

Trong số này, có 509 công trình kè chống sạt lở được đầu tư tại các tỉnh ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận là 21 công trình, các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ 17 công trình. Các địa phương ở ĐBSCL 190 công trình.

Riêng kế hoạch đầu tư là 39 công trình kè chống sạt lở, với tổng chiều dài hơn 94 km và vốn đầu tư trên 5.880 tỷ đồng. Trong đó, khu vực có kế hoạch đầu tư nhiều nhất là ĐBSCL với 28 công trình, tổng chiều dài hơn 79 km, vốn đầu tư khoảng 4.770 tỷ đồng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, qua công tác quản lý và báo cáo của các địa phương, từ năm 2016 đến nay, trên cả nước đã xuất hiện 3.752 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 4.216 km. Trong đó, bờ sông có 3.458 điểm sạt lở, với tổng chiều dài là 3.555 km, bờ biển có 294 điểm sạt lở, với chiều dài 661 km.

Trên phạm vi cả nước hiện còn 2.976 điểm bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 3.472 km. Trong đó, tình trạng sạt lở đang có diễn biến phức tạp cần phải xử lý 467 điểm, với tổng chiều dài khoảng 605 km.

Trong số các điểm sạt lở đang có diễn biến phức tạp nêu trên, từ đầu năm 2023 đến nay, 3 tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ và 4 tỉnh vùng ĐBSCL đã phải ban bố tình huống khẩn cấp về 3 sự cố sạt lở đê, kè và 9 khu vực bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài khoảng 1.800m.

Liên quan đến vấn đề trên, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 phê duyệt Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030.

Theo đề án trên, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai yêu cầu các đơn vị có liên quan chủ động thực hiện. Đặc biệt là nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giảm thiểu tác động làm gia tăng nguy cơ sạt lở.

Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Hoàn thành việc chỉnh trị ổn định dòng chảy tại một số phân lưu, hợp lưu, trên các đoạn sông chính, khu vực cửa sông, ven biển có diễn biến xói, bồi phức tạp cần chỉnh trị.

Ngoài ra, sử dụng ngân sách nhà nước, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn vốn hợp pháp để xây dựng công trình tại các khu vực trọng điểm để phòng, chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và công trình hạ tầng thiết yếu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem