Chờ đợi gì mới mẻ từ cáo giác của Edward Snowden?

Chủ nhật, ngày 03/11/2013 15:57 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh vụ scandal xung quanh việc NSA Mỹ giám sát do thám toàn cầu, hồi cuối tuần qua đã bung ra tin tức giật gân nhất - đó là về chuyến thăm tiềm năng của Edward Snowden đến nước Đức.
Bình luận 0
Nhân vật chạy trốn từ cơ quan tình báo Mỹ và tìm được nơi nương thân tạm thời ở Nga đã đồng ý cung cấp cho các nghị sĩ Đức chứng cớ về hoạt động của NSA tại Đức. Tuy nhiên, các chuyên viên cho rằng, nhiều khả năng là Snowden sẽ làm như vậy khi vẫn ở Matxcơva. Nếu tới Berlin, anh ta sẽ rất khó được đảm bảo an ninh và tránh không bị chuyển giao cho Hoa Kỳ.

imgSnowden được nhiều người ủng hộ sau khi biết Mỹ do thám cả đồng minh.

Nghị sĩ Quốc hội Hans-Christian Strebel là người nhận phần sắp xếp cuộc gặp của nghị viện Đức với Snowden. Ông là thành viên đại diện đảng "Xanh" trong Quốc hội Đức.

Báo chí nước này viết rằng tại Văn phòng Thủ tướng Angela Merkel, sáng kiến của ông nghị đã gây ra sự căng thẳng. Ông Strebel đã tới Matxcơva trong sự tuân thủ mọi quy tắc bí mật, cả Bộ Ngoại giao cũng như Phủ Thủ tướng đều chẳng hay biết gì về chuyến đi khác thường. Còn nhân vật tố giác NSA cũng chẳng được chính giới Berlin mong đợi. Nhỡ đâu Snowden có thể quá lời mà tiết lộ cả về sự hợp tác giữa đặc nhiệm Đức với NSA.

Trong khi đó, ở châu Âu uy tín và sự tin cậy với đương kim Tổng thống Hoa Kỳ đã suy giảm đến mức một số tờ báo ở Đức và Pháp đã viết khá ác ý rằng ông Barack Obama đang nhanh chóng tiếp cận trình độ "khó ưa" mà cư dân Cựu thế giới từng dành cho người tiền nhiệm của ông là cựu Tổng thống George Bush-con.

Ở Berlin, Paris và Brussels thậm chí người ta còn nói về việc xem lại hàng loạt thỏa thuận về trao đổi thông tin với Hoa Kỳ và hoãn ký thỏa thuận mới. Như cách biểu đạt của Thủ tướng Angela Merkel, trước tiên "cần phải khôi phục sự tin cậy".

Trên thực tế, vụ scandal phát sinh không phải vì tình báo Mỹ tiến hành dò xét châu Âu, bởi gián điệp là chuyện từ lâu đã rõ, - như nhận xét của ông Vladimir Slatinov chuyên viên Viện nghiên cứu chính trị-nhân văn trong cuộc đàm đạo với phóng viên Đài "Tiếng nói nước Nga". Chẳng qua bây giờ châu Âu bị cú sốc trước mức độ ngang nhiên và quy mô triển khai hoạt động gián điệp của người Mỹ.

"Việc phanh phui sự thật, tất nhiên, đã là đón giáng mạnh vào ê-kip chính quyền Hoa Kỳ hiện nay. Ông Obama giờ đây buộc phải thu xếp xoa dịu vụ bê bối, mà trước hết, là cái giá đắt cho uy tín của một nguyên thủ quốc gia. Và ông ta sẽ buộc phải xây dựng một cơ chế mới của sự tương tác giữa các cơ quan đặc nhiệm trong lĩnh vực này. Phải áp đặt những qui tắc nhất định, hạn chế kiểu làm việc tự tung tự tác đến thế của tình báo Mỹ với các đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ. Tuy nhiên về cơ bản, mối quan hệ của châu Âu và Hoa Kỳ hẳn không nhiều thay đổi".

Tổng thống Barack Obama đã hứa không tiếp diễn việc nghe trộm điện thoại tại trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Cả hai cơ quan này đều nằm ở Washington, DC.

Bản thân Nhà Trắng bây giờ tập trung xét xem những cuộc cải cách "tận gốc" nào đang chờ đợi cơ quan gián điệp điện tử. Những người phản đối nói rằng tất cả mọi thứ dường như chỉ đơn thuần là sự tô vẽ. Bởi toàn bộ các cơ quan tình báo Mỹ thường xuyên vượt ra khỏi vòng kiểm soát.

Những trường hợp như vậy đã từng xảy ra với CIA trong thập niên 60, 70 và 80. Cơ quan này đã mấy lần cải tổ, nhưng chỉ đến mức giải thể một vài bộ phận để thành lập những phòng ban khác. Chắc hẳn, chờ đợi NSA cũng chỉ là viễn cảnh tương tự.

Tiếng nói nước Nga (Theo Tiếng nói nước Nga)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem