Chấn động tin Đại sứ quán Úc giúp Mỹ nghe lén Việt Nam

Thứ năm, ngày 31/10/2013 18:33 PM (GMT+7)
Tờ "Sydney Morning Herald" ngày 31.10 đưa tin đại sứ quán Úc tại Hà Nội là một trong nhiều đại sứ quán Úc được dùng để nghe lén điện thoại và lọc dữ liệu tại khắp Châu Á như một phần hệ thống tình báo của Mỹ.
Bình luận 0
Nguồn thông tin này do cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Edward Snowden và một cựu quan chức tình báo Úc tiết lộ. Theo nguồn tin, Cơ quan Tình báo Chính phủ Úc (DSD) đã bí mật thực hiện việc do thám tại các đại sứ quán mà hầu hết nhân viên ngoại giao làm việc ở những đại sứ quán đó đều không hay biết.

Tờ Sydney Morning Herald cho biết, Fairfax Media, công ty truyền thông lớn tại Úc, nói rằng việc thu thập thông tin tình báo diễn tại các đại sứ quán Úc ở Jakarta, Bangkok, Hà Nội, Bắc Kinh, Dili (Đông Timor) và Cao ủy của Úc tại Kuala Lumpur và Port Moresby (Papua New Guinea).

imgBiểu tình phản đối tình báo Mỹ nghe trộm điện thoại ở Washington.

Ông Des Ball- một chuyên gia tình báo nói rằng DSD đã hợp tác với Mỹ từ lâu để theo dõi khu vực châu Á Thái Bình Dương. Tiết lộ với Fairfax Media, ông Des cho rằng: "Biết láng giềng của mình thực sự nghĩ gì là quan trọng cho tất cả các kiểu đàm phán ngoại giao và mậu dịch".

Các tài liệu tiết lộ cũng cho biết, những cơ sở được dùng để do thám có “kích thước nhỏ và một lượng rất ít nhân viên”. Nguồn tin miêu tả chi tiết, đôi khi ăng ten thu trộm tín hiệu được dấu trong những chi tiết sai của kiến trúc, hoặc trong nhà kho của tòa nhà.

Các trang mạng hàng đầu thế giới Google và Yahoo cũng đã lên tiếng bày tỏ sự tức giận sau khi tài liệu mà Edward Snowden rò rỉ cho thấy NSA đã đột nhập kho dữ liệu của hãng này.

Nguồn tin từ cựu tình báo Úc cho biết, Đại sứ quán Úc ở Jakarta đóng một vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin tình báo về mối đe dọa khủng bố và những người buôn lậu, tuy nhiên, thực chất trọng tâm chính là tình báo chính trị, ngoại giao và kinh tế.

Nguồn tin này cũng cho biết Lãnh sự quán Úc tại Denpasar, Bali, cũng đã được sử dụng cho các tín hiệu thu thập tình báo.

Trong tháng 6.2013, chính phủ Đông Timor đã công khai phàn nàn về gián điệp Úc, bao gồm cả việc chặn thông tin liên lạc và nghe lén văn phòng chính phủ trong cuộc đàm phán về tương lai của trữ lượng dầu khí của nước này.

Tài liệu mật của NSA bị Snowden tiết lộ và được đăng trên tạp chí Der Spiegel của Đức cho thấy một chương trình do thám tại các đại sứ quán và lãnh sự quán của Mỹ cũng như các cơ quan ngoại giao của nhóm “Năm cặp mắt” đối tác tình báo trong đó có Úc, Anh và Canada. Được gọi dưới mật mã STATEROOM, chương trình này gồm hoạt động nghe lén điện thoại và đọc dữ liệu lưu chuyển bằng internet. Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã từ chối bình luận về vụ việc được tiết lộ này và cho rằng: “Chính phủ Úc không bình luận về vấn đề tình báo”.

Tiết lộ mới nhất này, có thể sẽ gây ra những phản ứng từ các nước châu Á đối với hoạt động tình báo của Mỹ. Bê bối nghe lén của tình báo Mỹ đang nối dài danh sách khi báo Panorama của Italia ngày 30.10 cho biết NSA đã từng nghe lén điện thoại của Giáo hoàng và nhiều cuộc điện thoại từ Tòa thánh Vatican.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Indonesia đã cho triệu Đại biện lâm thời Mỹ tại Jakarta - ông Kristen Bauer để tìm lời giải thích về cáo buộc nghe lén nhằm vào nước này.

Trước đó nữa, Đức, Pháp, Tây Ban Nha cũng đã cho triệu Đại sứ Mỹ tại các nước này để phản đối Chính phủ Mỹ tiến hành các hoạt động theo dõi, nghe lén bất hợp pháp trên lãnh thổ của mình.
Hạ Anh (theo SMH, BBC) (Hạ Anh (theo SMH, BBC))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem