Chợ phiên đồ gốm độc lạ ở Sài Gòn

Minh Thi Chủ nhật, ngày 13/10/2019 06:00 AM (GMT+7)
Khởi đầu từ đam mê của một nhóm chàng trai, cô gái trẻ. Họ tự sưu tầm những món đồ gốm độc và lạ cho thú chơi của riêng mình. Rồi thú chơi đó ngày một lớn dần lên, không cưỡng lại nổi, họ mở phiên chợ để chia sẻ niềm vui ấy với những bạn trẻ khác.
Bình luận 0

Chợ phiên có địa chỉ tại lầu 2, 14E Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận, TP.HCM chỉ mở vào cuối tuần, bởi các bạn trẻ còn đi làm ngày thường, rảnh lại đi săn tìm hàng mới.

Đánh thức giấc mơ về gốm

Tầng dưới của ngôi nhà hai tầng là quán cà phê mang phong cách vintage bài trí khá đẹp mắt. Căn phòng trưng bày đồ gốm nằm trên lầu hai, gồm 2 gian và cả ở sân thượng xanh mát.

Từng chiếc cốc, chén, bình, lọ hoa, đồ trang trí, dĩa, tô… với những hoa văn và màu sắc khá độc đáo, mỗi thứ chỉ có một cặp hoặc độc bản, lâu lâu mới tìm thấy một bộ gồm 4-5 chiếc tách và 1 ấm trà, hay bộ chén dĩa đầy đủ. Một số đồ gốm có ghi “made in Japan”, cũng có những thứ đã qua sử dụng nhưng nhìn chung còn mới 90%. 

Vậy có sao đâu. Mỗi món đồ gốm gợi lên cho người ta cảm giác khó tả khi tuổi thơ vụt hiện về, khi đâu đó gợi lên mùa thu vàng nắng đổ, hay những chiếc lá tinh tế, phong cảnh núi non hữu tình. Thậm chí, cả một thiên nhiên hùng vĩ bỗng thu lại nhỏ bé trong chiếc dĩa mơ màng hẳn người ta chỉ để nhìn ngắm chứ không nỡ dọn lên trên bàn ăn. Có những chiếc cốc men bóng loáng, sánh vai bên những chiếc cốc sần sùi, thô mộc và rất dân dã nhưng vẫn toát lên một phong cách thiết kế tối giản và cá tính. Rồi màu sắc, nơi rực rỡ, nơi trầm tối nhưng đầy vẻ thanh thoát, sang trọng. Đặc biệt, các thiết kế mang tính thẩm mỹ cao.

Khách cũng đủ loại. Những đôi mắt ngắm nhìn đầy cảm xúc, những bàn tay đặt lên rồi hạ xuống, những tiếng xuýt xoa… Đến đây có những cặp vợ chồng trẻ đang sắm sửa đồ dùng cho căn hộ mới, hay chuẩn bị mở quán cà phê, trang hoàng cho tiệm mình có nét riêng. Có cả các bà, các chị nội trợ, rồi những chàng trai, cô gái dân văn phòng rất sành điệu.

img

Quang cảnh phiên chợ gốm tại Quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: Đ.C.

Phiên chợ gốm khiến người ta mê mải lạc vào một thế giới của hoài niệm, của một hình bóng quá khứ, những ước mơ tái hiện, đi không nỡ, dứt không đành…

Khởi nghiệp từ đam mê

Bùi Đình Chương, một trong ba thành viên sáng lập nên cái chợ gốm nho nhỏ mà thú vị này, chia sẻ: “Ban đầu tôi đi theo nhóm bạn đến Châu Đốc mua gốm. Chợ Gò là chợ biên giới thuộc Campuchia, có bán tất cả đủ loại gốm. Sau đó nghĩ ra việc mở ra chợ phiên nho nhỏ để chơi; vừa để vui, vừa để thỏa mãn đam mê. Đến nay, phiên chợ được 3 tháng. Tôi cùng Vũ, Vy (hai vợ chồng) và Nhã gom đồ gốm lại theo ý thích và thẩm mỹ của mình. Xuất xứ chủ yếu là hàng nhập từ Nhật. Vì mỗi người một công việc - dịch phim, du lịch, nhân sự… nên chỉ rảnh rỗi cuối tuần, mới mở ra chợ phiên này. Bán được hàng, chúng tôi lại mua tiếp, vốn liếng tự huy động tùy theo sức mình. Đến nay, trừ hết chi phí ra, chúng tôi vẫn còn lời chút ít. Nay lại muốn mở địa điểm chợ phiên rộng hơn nữa”.

Chỉ với món tiền từ 30 ngàn đến vài trăm, có khi trên triệu đồng, khách hàng có thể chọn được những món hàng ưng ý, vừa bền đẹp lại mang nét độc đáo, lại không mỏng mảnh hay cầu kỳ như hàng Tàu.

Chương cho biết anh thích gốm Nhật vì mẫu mã đẹp, tối giản; chất liệu và màu men tao nhã. Ngoài yếu tố ứng dụng, nhiều người mua đồ gốm về để chưng trong nhà, nhìn vào thấy sảng khoái, thích thú là đã vui. Vì là hàng sưu tầm, không phải hàng đặt, nên mỗi thứ số lượng rất hạn chế, cũng chính vì thế mà khách rất thích.

“Khách hàng ở đây đa số là giới trẻ, thường là dân mỹ thuật, thiết kế. Trung bình khoảng vài trăm người đến đây cuối tuần. Khi đã sưu tầm gốm, vì đam mê mà đi tuyển chọn từng món một, nên không đặt nặng chuyện bán được hay không, có khi bán một món yêu thích thì rất tiếc”, anh nói.

Theo Đình Chương, còn có phiên chợ khác - The Box Market - ở vòng xoay Cách Mạng Tháng Tám - 3 Tháng 2, tuy nhiên bán nhiều mặt hàng không riêng gì đồ gốm.

“Khởi nghiệp bằng đam mê mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm thú vị. Tôi từng học Đại học Bách khoa, khoa Công nghệ, nhưng sau đó chuyển sang nghề nhiếp ảnh vì thấy phù hợp với sở thích hơn. Khi làm việc với tâm trạng chán nản, bạn rất khó có thể thành công. Khi chuyển việc, tôi cảm thấy mọi thứ hanh thông, thuận lợi. Sau 10 năm chụp hình, tôi bắt đầu nghe theo những gì mình muốn làm để có nguồn năng lượng chực chờ bùng nổ, mỗi ngày thức dậy đầy hứng khởi. Và đó là gốm sứ và phiên chợ này”, Chương chia sẻ cách khởi nghiệp của mình.

Chả trách chủ nhân ghi lại mấy dòng cảm xúc trên trang cá nhân: “Chiều nhạt nắng tại Chợ phiên... Mọi người lại tới tới lui lui, ngắm ngắm nghía nghía, lâu lâu khe khẽ hát theo một câu trong bài acoustic đang du dương trong không gian rất art.

Lựa thoả thích xong xuống dưới nhà lại có thể thong thả nghỉ chân, nhâm nhi chút cafe hay thức uống mát lạnh trong không gian lại cũng rất art.

Ồ! Nơi này thật chill!”.

(Theo Thế Giới Tiếp Thị)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem