Chợ phiên ở các xã trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai được tổ chức luôn phiên, cứ 5 ngày đến một tuần tổ chức họp một lần. Chợ phiên rất đa dạng và phong phú hàng hóa chủ yếu là những sản phẩm do bà con đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Kháng, La Ha… tự làm ra, rồi họ mang xuống chợ.
Chợ phiên ngày Tết luôn nhộn nhịp, tấp nập kẻ bán người mua.
Từ lâu, chợ phiên đã trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều cộng đồng dân cư, của nhiều dân tộc. Đến đây, mọi người không chỉ mua sắm, trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện và tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.
Rất nhiều nông sản đường bà con mang xuống chợ bán.
Vào ngày chợ họp, bà con mang rất nhiều loại nông sản ra chợ bày bán. Khác với những khu chợ tập trung ở thành thị hay miền xuôi, chợ phiên Quỳnh Nhai chủ yếu bày bán các loại nông sản đặc trưng của miền núi, từ bó rau, cây cỏ, củ sắn, bó măng hay con lợn, con gà đến những sản phẩm thổ cẩm đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao... Đây đều là những loại nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe nên được rất nhiều người ưa chuộng.
Chợ phiên chỉ họp duy nhất trong buổi sáng.
Đã thành thông lệ cứ đến ngày họp chợ người dân ở các xã trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai lại rủ nhau xuống chợ, người thì đi mua sắm, người thì mang những thứ gia đình mình làm ra đi để bán kiếm thêm thu nhập. Khác với các khu chợ khác họp cả ngày thì chợ phiên chỉ diễn ra trong thời gian nhất định trong ngày, thường từ sáng sớm đến khoảng 9 giờ là chợ tan.
Những sản phẩm bày bán tại chợ đều do bà con tự làm ra.
Đến với các chợ phiên những ngày đầu xuân Canh Tý, du khách được thoải mái hòa mình vào những gian hàng bày bán la liệt các loại đặc sản núi rừng cảu vùng cao, do chính bàn tay người dân nơi đây tự làm ra. Đó đều là những món hàng rất đỗi quen thuộc của người dân tộc vùng cao, ở đó có cả những cây thuốc quý tìm kiếm được trong rừng sâu hoặc nuôi, trồng ở nhà, chăm sóc cả năm trời mới đem bán. Tuy đồng tiền thu về không là bao nhưng họ cảm thấy trong lòng rất vui.
Người các sản phẩm rau, củ, quả... còn có các món ăn.
Đi chợ phiên những đầu xuân, mỗi người sẽ cảm nhận được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc vẫn được duy trì qua chiếc khăn, cái áo hoặc đồ đan lát thủ công. Khu vực diễn ra chợ phiên thường rất nhộn nhịp, bên cạnh việc tranh thủ mua sắm thì nhiều người ra chợ để chơi xuân, ngắm nhìn, gặp gỡ lại bạn bè, người quen sau thời gian dài không liên lạc.
Chợ phiên rất đa dạng sản phẩm.
Ngày diễn ra chợ phiên thường tư rất sớm khi chưa rõ mặt người, nhiều người bán hàng đã đến chợ bày hàng hóa mời chào khách. Còn những người đi chợ cũng đến từ rất sớm để tìm mua những sản phẩm ngon nhất, sạch nhất. Chợ phiên ở vùng cao đơn giản, người bán đặt các loại hàng hóa lên tấm bạt hoặc bày ra ngay trên nên đất ven đường, người mua dễ dàng lựa chọn.
Măng khô.
Có thể nói qua những phiên chợ đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất, tự cung, tự cấp, thay vào đó là bà con đồng bào dân tộc quen với việc lấy hàng hóa do mình làm ra đi trao đổi, mua bán buôn bán để tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Măng ngọt.
Đến với chợ phiên vùng cao ở Quỳnh Nhai những ngày đầu xuân, giữa cái ồn ào náo nhiệt mà ta bắt gặp thường ngày còn là những khoảng lặng rất đỗi bình yên đặc trưng nơi bản làng miền núi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.