Chợ Việt xưa nay: Chợ và văn hóa chợ của người xưa

Chủ nhật, ngày 27/03/2022 08:00 AM (GMT+7)
Chợ ra đời từ rất sớm trong lịch sử loài người. Chợ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn khi con người cần trao đổi những thứ họ làm ra và mua về những thứ họ không có.
Bình luận 0


Dần dần với sự ra đời của tiền tệ đã trở thành vật trung gian trong hoạt động mua bán, mọi sản phẩm đều được định giá bằng tiền, người ta dùng tiền để mua những thứ mình muốn và bán những thứ mình có để lấy tiền.

Nơi diễn ra các hoạt động trao đổi mua bán đó gọi là Chợ. 

Chợ hình thành tự nhiên trong hoạt động dân sinh, ở đâu có dân, ở đó có chợ. Vì vậy chợ thường nằm ở những nơi đông đúc dân cư, thuận tiện giao thông như ngã ba đường, ngã ba sông, đầu làng, ven lộ, ven các kênh rạch…

Chợ Việt xưa nay: Chợ và văn hóa chợ của người xưa - Ảnh 1.

Chợ Kỳ Lừa (Lạng Sơn)

Trải qua thời gian hoạt động mua bán ngày càng phát triển tạo nên nhiều hình thái chợ khác nhau như:

- Chợ buôn bán theo loại hình sản phẩm: chợ nông sản, chợ hải sản, chợ gia súc, chợ hoa, chợ rau, chợ trái cây, chợ quần áo…

- Hoặc theo cách thức hoạt động: chợ phiên (chỉ họp vào một số ngày nhất định trong tháng hoặc trong năm), chợ bán buôn, chợ bán lẻ, chợ đầu mối, chợ cóc, chợ tạm, chợ nổi…

Chợ Việt xưa nay: Chợ và văn hóa chợ của người xưa - Ảnh 2.

Chợ trâu bò ở Thanh Hóa

Chợ Việt xưa nay: Chợ và văn hóa chợ của người xưa - Ảnh 3.

Chợ bán chó ở ngoại thành Hà Nội

Chợ Việt xưa nay: Chợ và văn hóa chợ của người xưa - Ảnh 4.

Một chợ rau ở Hà Nội

Chợ Việt xưa nay: Chợ và văn hóa chợ của người xưa - Ảnh 5.

Một góc chợ chuyên bán hoa ở Hải Phòng

Chợ Việt xưa nay: Chợ và văn hóa chợ của người xưa - Ảnh 6.

Chợ bán tre nứa bên bờ sông Hồng

Dưới góc độ văn hóa, chợ là nơi gặp gỡ, giao tiếp của mọi đối tượng dân cư, vì vậy chợ không chỉ đơn thuần là nơi trao đổi về kinh tế mà còn là trung tâm giao lưu văn hóa của một công đồng người. Đặc biệt tại các vùng thôn quê chợ làng còn là nơi tụ họp, gặp gỡ của những người thân quen. Họ đến chợ không chỉ để mua và bán mà còn để thăm hỏi sức khỏe, làm ăn, trao đổi thông tin, giao lưu tình cảm… Mỗi vùng miền hình thức tổ chức chợ có thể khác nhau, nhưng đều mang hơi thở cuộc sống và dấu ấn đặc sắc riêng.

Chợ Việt xưa nay: Chợ và văn hóa chợ của người xưa - Ảnh 7.

Một góc chợ làng ở Nam bộ

Ngay từ thời xa xưa chợ đã được tổ chức quy củ theo những quy định của pháp luật nhà nước. Thời Lê sơ luật pháp đã có những định chế chặt chẽ cho cả người trông coi quản lý chợ, người buôn bán ở chợ và người đến chợ mua hàng hóa. Quốc triều hình luật, bô luật chính thống của nhà Lê quy định rõ: những người coi chợ mà sách nhiễu tiền lều chợ thì bị đánh 50 roi, biếm 1 tư (tức hạ 1 bậc phẩm cách). Nếu thu thuế chợ vượt quá quy định thì biếm 2 tư, mất chức coi chợ, ngoài ra còn bị phạt tiền để bồi thường cho hộ kinh doanh. Ngược lại thương nhân buôn bán trong chợ nếu làm ăn gian dối sử dụng cân, thước, thăng, đấu không đúng tiêu chuẩn của nhà nước để tư lợi sẽ bị xử tội đồ, tức bị bắt giam làm việc khổ sai. Người đến chợ mua hàng hóa cũng phải tuân thủ các quy định của nhà nước và thị trường. Năm 1484 vua Lê Thánh Tông nhận thấy quan lại các địa phương thường cậy thế ức hiếp mua rẻ hoặc cưỡng đoạt hàng hóa của dân, vì vậy đã ban hành Sắc chỉ rằng: Các nhà cường hào từ nay sắm sửa mua bán ở chợ dân gian, hàng hóa lớn nhỏ đều phải tuân theo thời giá, không được ỷ thế cậy oai mua hiếp hoặc cướp đoạt của dân sẽ bị trị tội. Thậm chí sau đó nhà vua còn ban Chiếu yêu cầu các cung nhân, nô tỳ tại các phủ thân vương, công chúa, quan đại thần không được mượn tiếng công mưu lợi riêng ức hiếp mua rẻ hàng hóa bán trong chợ hoặc ỷ thế lấy bừa không trả tiền.

Đến triều Nguyễn, Luật Gia Long cũng quy định: người bán hàng trong chợ không được thông đồng để ép giá kiếm lời, nếu vi phạm sẽ phạt đánh 80 gậy. Phàm những kẻ gian trá làm sai lệch thước đo do nhà nước ban hành để tư lợi bị đánh 60 gậy. Quan lại ban hành đấu hộc cân thước không đúng quy cách phạt đánh 80 gậy, thợ làm các đồ ấy cũng bị xử tội. Quan lại ở thương khố tự ý ban hành các loại cân thước không đúng quy chuẩn phạt đánh 100 gậy, hàng hóa chênh lệch bị kê biên tính vào tang vật ăn trộm.

Thời vua Minh Mệnh, nhà vua còn ra lệnh cấm đội Thượng Thiện, tức đội quân chuyên chăm lo việc nấu ăn cho nhà vua và nhà bếp ở các nha môn không được lấy thanh thế triều đình để bắt ép mua rẻ hàng hóa của dân. Khi đi chợ phải đeo tín bài khắc hai chữ “Thượng thiện”, hễ ai làm càn phi pháp thì bắt trị tội không tha. Năm 1826 tức Minh Mệnh năm thứ 7, phát hiện An Khánh công Quang, Hoàng tử thứ 12 con vua Gia Long cho tôi tớ trong phủ đi chợ ép mua rẻ hàng của dân, vua cho phạt bổng 1 năm. Nhân đó vua Dụ Bộ Hình rằng: Nơi Kinh kỳ pháp lệnh rất nghiêm, thế mà từ trước đến nay nhiều bọn cậy thế áp bức bình dân, uy hiếp mua bán. Trước đã sai Kinh doãn bắt trị tội, nếu không nêu rõ lệnh cấm thì sao tỏ rõ pháp luật cho dân tin. Từ nay phàm nhà bếp ở sở Thượng thiện và các nha môn, cùng những kẻ côn đồ vô lại mà dám chèn ép để mua rẻ hàng hoá ở chợ thì bất luận tang vật nhiều hay ít đều tâu rõ, đem chém ngay tại chỗ cho mọi người biết. Ghi làm lệnh.

Ngày nay với sự phát triển của đời sống, chợ truyền thống đang dần bị thu hẹp tại các đô thị lớn, thay vào đó là các trung tâm thương mại hay siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Đây thực tế cũng là một loại hình chợ nhưng được tổ chức và quản lý theo mô hình hiện đại. Dù vậy ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam chợ vẫn là một nét đặc trưng trong đời sống xã hội của người Việt. Chợ không chỉ là nơi giao thương, trao đổi mua bán hàng hóa mà còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa, nơi kết nối cộng đồng, gắn liền với đời sống sinh hoạt của mọi người dân.

Chợ Việt xưa nay: Chợ và văn hóa chợ của người xưa - Ảnh 8.

Chợ Bưởi (Hà Nội)

Chợ Việt xưa nay: Chợ và văn hóa chợ của người xưa - Ảnh 9.

Chợ Cầu Giấy (Hà Nội)

Chợ Việt xưa nay: Chợ và văn hóa chợ của người xưa - Ảnh 10.

Chợ ở Hưng Yên

Chợ Việt xưa nay: Chợ và văn hóa chợ của người xưa - Ảnh 11.

Chợ Lạch Tray (Hải Phòng)

Chợ Việt xưa nay: Chợ và văn hóa chợ của người xưa - Ảnh 12.

Chợ Bà Điểm (Hóc Môn-Sài Gòn)

Chợ Việt xưa nay: Chợ và văn hóa chợ của người xưa - Ảnh 13.

Một khu chợ ở Sóc Trăng

Chợ Việt xưa nay: Chợ và văn hóa chợ của người xưa - Ảnh 14.

Chợ Nam Định


Nguyễn Thu Hoài (Trung tâm lưu trữ Quốc Gia)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem