Hầu hết rác thải nilon ở Hà Tĩnh lẫn lộn với rác thải sinh hoạt, chưa được phân loại.
Tiện dụng, giá thành thấp nên người dân thường có thói quen dùng túi nilon, do đó, lượng rác thải nilon ngày một gia tăng. Theo thông tin từ Sở TN&MT Hà Tĩnh, với dân số gần 1,3 triệu người, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn phát sinh bình quân 563 tấn/ngày, trong đó rác thải có chứa nilon chiếm khoảng 7 - 8%, tương đương gần 50 tấn/ngày.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tại xã Cẩm Quan - Cẩm Xuyên và Nhà máy Chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn tại xã Kỳ Tân - huyện Kỳ Anh); 6 lò đốt với công suất thiết kế từ 5 - 20 tấn/ngày đêm đang hoạt động. Tại các nhà máy xử lý chất thải, phần lớn túi nilon được thu gom, phân loại để bán cho các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu. Trung bình, mỗi năm, toàn tỉnh thu gom được khoảng 300 tấn rác thải nilon.
Ô nhiễm do túi nilon gây ra được các nhà khoa học gọi là "ô nhiễm trắng", nếu túi nilon đã qua sử dụng không được xử lý đúng cách, sẽ gây ra hàng loạt hệ lụy khôn lường…
Ông Lê Quang Nam – Trưởng phòng Tổ chức Hành chính – Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh cho hay: Tại TP Hà tĩnh, chất thải nhựa, nilon chưa được phân loại đầu nguồn. Riêng chất thải nhựa, một phần nhỏ được người dân gom để bán, phần lớn còn lại để lẫn trong rác thải sinh hoạt.
Đối với túi nilon, hầu hết lẫn lội cùng rác thải sinh hoạt, sau đó, được công nhân thu gom, vận chuyển vào nhà máy để xử lý. Rác thải sinh hoạt sau khi được đưa về nhà máy xử lý rác (xã Cẩm Quan) sẽ được đưa vào dây chuyền phân loại bằng máy, rác nilon được gom lại bán cho các đơn vị tái chế để sản xuất hạt nhựa.
Tình trạng ô nhiễm tại hồ Bình Sơn, huyện Hương Khê. Ảnh chụp tháng 6/2018.
Theo ông Đặng Hữu Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi nilon, hộp đựng đồ ăn, cốc…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.
Chất thải nhựa đang trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội. Đặc biệt, tình trạng sử dụng túi nilon chưa đúng cách và việc tái chế, tái sử dụng trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Do loại túi này rất tiện dụng và thường được phát miễn phí nên đa số người dân chưa sẵn lòng tham gia chương trình giảm thiểu sử dụng túi nilon mặc dù có hiểu biết về những tác hại của nó. Trong khi đó, các loại túi nilon thân thiện với môi trường thường có giá thành cao gấp nhiều lần túi nilon khó phân hủy.
Rác thải nilon được xử lý bằng cách đốt tại các lò đốt trên địa bàn.
Mặc dù Luật Thuế bảo vệ môi trường đã có quy định việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon nhằm góp phần giảm thiểu tiêu thụ nilon khó phân hủy, tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện quy định này trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc, bất cập do khái niệm về bao bì rất rộng, việc phân biệt giữa các loại túi, bao bì phải tính thuế và loại không phải tính thuế gặp khó khăn.
"Thời gian tới, ngành môi trường sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy, trong đó, không chỉ tập trung ở khu vực đô thị mà cả ở nông thôn. Ngoài ra, vận động các ban quản lý chợ trên địa bàn tỉnh ban hành các quy định về hạn chế tiêu thụ túi nilon khó phân hủy đối với các tiểu thương kinh doanh; vận động các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ các hợp tác xã môi trường trong vận chuyển, xử lý rác thải; tiếp tục đẩy mạnh việc thu gom, tái chế chất thải túi nilon khó phân hủy" - ông Bình nói thêm.
Dương Chiến (Báo Hà Tĩnh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.