Choáng váng với những khoản thu phí dày đặc của người nghèo Sơn La

Nhóm PVĐT Thứ hai, ngày 28/05/2018 06:15 AM (GMT+7)
Đến với bản A Má 1, A Má 2 (xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), PV Dân Việt nhận được những bức xúc của người dân vì gần chục năm nay, hộ nào cũng phải oằn mình đóng các khoản quỹ bản, quỹ xã khiến cuộc sống của bà con thêm khó khăn.
Bình luận 0

Hộ nghèo, hộ giàu đóng phí như nhau

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, hàng năm người dân ở đây phải đóng góp tới 7 – 8 khoản thu quỹ, phí. Các khoản quỹ này chỉ trừ những đối tượng là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ đang được chế độ trợ cấp của Nhà nước; người tàn tật không có khả năng lao động, học sinh, sinh viên đang học, người già cô đơn không nơi nương tựa; còn lại, trách nhiệm đóng góp quỹ không phân biệt hộ giàu hay nghèo.

img

Trong các khoản thu trên, khoản thu cao nhất là quỹ xây dựng nộp cho xã với mức 200.000 đồng/hộ

Trò chuyện với chúng tôi, chị L.T.K, bản A Má 1, xã Lóng Sập chia sẻ: “Tôi nhớ không nhầm thì khi vợ chồng tôi bắt đầu tách hộ ra ở riêng từ năm 2005 đến nay thì năm nào cũng bị thu. Tháng 11.2017 vừa rồi, chúng tôi vừa nộp 476.000 đồng cho cán bộ bản. Có những năm mất mùa, không có tiền để nộp thì ngày nào họ cũng đọc tên mình lên loa của bản, xấu hổ với các hộ khác lắm cán bộ à”.

img

Cũng theo chị K, hộ nào mà hoàn cảnh quá không có tiền nộp thì đến lúc nhận được tiền hỗ trợ hộ nghèo hoặc tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là Trưởng bản trừ luôn vào đó.

Đi vay tiền để đóng quỹ xã, bản

Nằm cách nhà chị K mấy bước chân là nhà anh H.V.L (hộ nghèo), anh L buồn rầu, nói: “Đồng chí Trưởng bản nói đó là ngân sách của Nhà nước nên ai cũng phải nộp. Nếu nộp chậm 1 – 2 ngày, họ đọc tên lên loa ngại lắm. Gia đình chỉ có tý nương ngô và ruộng để kiếm miếng cơm cho vợ và con. Khi nào mà ngô mất giá, đến cuối tháng phải nộp quỹ thì tôi chỉ còn cách đi vay mượn hoặc ký nợ tại các quán tạp hóa. Năm nào cũng vậy, vợ chồng tôi phải tìm đủ mọi cách để kiếm đủ một triệu đồng, 500.000 nộp tiền cho con đi học, 500.000 còn lại đem đi nộp quỹ xã, bản”.

img

Theo điều tra của Dân Việt, việc thu các quỹ trên được xã Lóng Sập giao cho tất cả các bản trong xã

Nhiều hộ dân khác ở bản A Má 2, hàng năm chưa đóng góp đủ thì năm sau nợ được cộng dồn sang, điển hình như hộ anh Lường Văn Quỳnh. Cầm trên tay tờ giấy biên nhận, anh Quỳnh cho biết: “Năm nào họ cũng thu như vậy, dân bản chúng tôi không biết chữ nên không biết họ thu để làm gì cả. Chỉ nghe mọi người bảo là thu làm quỹ. Năm 2016, chưa có tiền nên tôi chưa nộp quỹ được. Đến tháng 11.2017 vừa qua, gia đình tôi nhận được tờ giấy biên nhập phải nộp tất cả là 900.000 đồng”.

img

img

Nhìn vào sổ chi tiêu này có thể thấy nhiều hộ dân chưa có tiền để nộp. Một số hộ khác năm trước còn nợ thì năm nay phải gánh lại khoản nợ năm trước và được cộng dồn vào năm sau

Trao đổi với Dân Việt, ông Lường Văn Khoa – Trưởng bản A Má 2, cho biết: “Các khoản thu mà người dân phải nộp bao gồm ngân sách của xã và quỹ bản. Tất cả các khoản thu trên chúng tôi đều nộp lên xã, còn lại 150.000 nghìn còn lại giữ làm quỹ bản để tiếp khách. Chúng tôi thu theo sự chỉ đạo của xã, năm nào cũng thu đều đều như vậy”.

Chưa nói đến việc các khoản thu trên có hợp lý hay không, nhất là quỹ xây dựng năm nào cũng phải thu 200.000 đồng/hộ. Năm 2018, số tiền quỹ xây dựng phải nộp tiếp tục tăng lên là 240.000 đồng/hộ. Là xã biên giới, xã nghèo như Lóng Sập, người dân sinh sống trên địa bàn các bản đa phần là đồng bào người dân tộc thiểu số như Thái, Khơ Mú, Mông… đời sống đang rất khó khăn thì các khoản thu kẻ trên quả là một gánh nặng với người dân ?

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem