Dự thảo Điều lệ trường tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mới đây khiến nhiều nhà giáo băn khoăn vì những tiêu chí khó thực hiện. Một số trường tại TP HCM đang phải tìm cách đối phó khi áp dụng các quy định này.
Tìm cách “lách”
Ông Phạm Thanh Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận 11) - cho rằng trường chỉ áp dụng một phần mô hình của trường tiểu học mới như cách trang trí lớp học, còn tổ chức các hội đồng tự quản rất khó vì sĩ số trung bình mỗi lớp 40 học sinh. Ông Minh cho biết quy định hiệu trưởng tham gia giảng dạy bình quân 2 tiết/tuần là không thực tế bởi đặc thù của tiểu học là có giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng chen vào lúc nào để dạy?
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TP HCM) trong giờ trao đổi bàiẢnh: TẤN THẠNH
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Phú Nhuận cho biết do đây là quy định không thực hiện được trong thực tế nên TP HCM “lách” bằng cách tính những lần sinh hoạt dưới cờ và một số hoạt động khác do hiệu trưởng, hiệu phó thực hiện được quy đổi ra tiết dạy. Còn nếu cứ chiếu theo điều lệ thì hiệu trưởng nào cũng… trật hết.
Ngoài ra, còn nhiều quy định xa thực tế khiến nhiều cơ sở gặp khó khăn. Chẳng hạn, đối với sĩ số học sinh, nếu chiếu theo quy định 35 học sinh/lớp mới được công nhận trường đạt chất lượng tối thiểu thì chắc chắn TP HCM có tới 98% trường học không đạt.
Ông Nguyễn Nghĩa Dũng, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình, nhìn nhận trong điều lệ quy định trình độ tối thiểu của giáo viên là tốt nghiệp trung học sư phạm nhưng thực tế hiện nay tại TP HCM không còn đào tạo hệ này. Tại quận Tân Bình, đã có 95% giáo viên trình độ ĐH, chỉ còn một số giáo viên lớn tuổi trình độ trung học.
Không thể luân phiên làm… chủ tịch
Một số trường cũng đã thay đổi tên gọi lớp trưởng, lớp phó thành chủ tịch, phó chủ tịch… như điều lệ quy định. Theo một số giáo viên, danh xưng dành cho người lớn như chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban… lại áp dụng cho trẻ em độ tuổi tiểu học là không phù hợp và nghe rất “chói tai” dù quy định thì vẫn phải thực hiện.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng những quy định về giáo dục ở bất kỳ bậc học nào cũng phải xuất phát từ đặc điểm phát triển, tâm sinh lý của học sinh ở độ tuổi của bậc học đó. “Tôi không biết những người ban hành quy định này nghĩ gì khi ở độ tuổi 6, 7, các cháu xưng hô với nhau bằng chủ tịch, phó chủ tịch. Lớp trưởng, lớp phó là danh xưng phù hợp với lứa tuổi nhỏ và không tạo sự xa cách, phân biệt trong lớp. Trong cùng một môi trường giáo dục, nếu người lớn tạo cho trẻ tâm thế phân biệt thì sẽ là một tiền lệ xấu. Bộ cũng không hề tính toán đến thực tế hiện nay ở các trường tiểu học tại các đô thị lớn, sĩ số mỗi lớp đều trung bình 40-45 học sinh. Không phải em nào cũng được luân phiên làm… chủ tịch. Như thế sẽ có tâm lý mặc cảm, phân biệt giữa những đứa trẻ này với đứa trẻ khác” - chuyên gia này cho biết.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 3 cho biết các tên gọi này xuất phát từ mô hình trường tiểu học mới VNEN, ở đó chia lớp học thành các hội đồng tự quản. Điều quan trọng là cần có quá trình tổng kết, đánh giá học sinh học theo cách tổ chức lớp học này thì được gì, có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu rèn luyện các kỹ năng chứ không phải mang suy nghĩ của người lớn áp dụng lên. Thống kê các chức vụ trong một lớp học thôi đã thấy rối. Có ít nhất 5 chức danh trong lớp học. Cả lớp có chủ tịch, phó chủ tịch. Mỗi ban có trưởng ban, phó ban, thư ký. Một lớp học chia thành bao nhiêu ban là có bấy nhiêu chức danh này? Nếu sĩ số 40 học sinh, chia 10 học sinh/ban thì mỗi lớp có ít nhất 4 trưởng ban. Việc tổ chức luân phiên tuần này em này làm, tuần sau em khác đã khiến giáo viên kêu trời!
Vẫn giữ tên gọi “lớp trưởng”
Ông Hà Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận 7 - cho biết cũng là cách tổ chức lớp học theo mô hình mới nhưng trường chọn cách giữ nguyên tên gọi là lớp trưởng, lớp phó và hình thức luân phiên các chức vụ này giữa những thành viên trong lớp đã được trường thực hiện gần 10 năm nay, mục đích là để học sinh rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo tập thể, nói chuyện trước đám đông, thuyết trình. Lớp trưởng cũng là người được bầu từ các tổ trưởng, tổ phó, cũng quy định không làm quá 2 nhiệm kỳ.
Đặng Trinh (Người lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.