Những loại cây trên, thân gỗ cứng, rễ cọc, lá dày hấp thụ rất tốt cái nóng mùa hè. Mùa mưa bão, nào có bao giờ thấy cây sấu, cây nhội, cây me gãy đổ. Trồng cây đúng chỗ cũng là khoa học.
Đô thị của ta ngày nay hình như không có việc quy hoạch cây ven đường nên thấy trồng rất tùy tiện, dân muốn trồng thế nào thì trồng. Cho nên mới thấy đường đô thị mà trồng cây trứng cá rụng lá rụng quả thường xuyên, rất bẩn. Còn lại là các giống dâu da xoan xen lẫn với phượng vĩ, hoặc muồng, lim xanh chẳng ra cái thể thống gì, cây cao cây thấp lôm nhôm.
Nhật Tân nổi tiếng về cây đào thì ai cũng biết. Nhưng mới đây người ta đem đào ra trồng ven đường để khoe thì ít người biết. Đào là giống cây cảnh phải chăm sóc tưới bón xén tỉa. Chăm đào như chăm con trẻ mới mong đào cho mùa hoa đẹp. Cái sáng kiến đem đào ra trồng bên đường nặng về ý chí mà chẳng hiểu gì về loài cây. Cây đào bên đường héo hắt thiếu sinh khí vì nó không chịu nổi sự phơi ra nắng gió và nhất là không có sự chăm sóc. Hỏi nó còn là đào nữa không.
Cây thì thế, còn người thì sao?
Có vẻ chọn người dùng cho công việc xã hội người ta cũng chọn cây thuần chủng. Nên trong cơ quan bây giờ có chuyện cha cất nhắc con, con đàn cháu đống theo chân cha bước vào quan trường dễ như chọn sấu chọn me trồng ven đường.
Tưởng như cách làm đó rất khoa học, nhưng người không phải cây. Cái cây lựa chọn là giống dai khỏe làm bóng mát cho người đời, còn cách chọn người theo dòng giống lại là việc kéo dài cái rễ để hút thêm chất màu vốn đã đẫm ở gốc cây cha. Đó chỉ là nối cái rễ cho cây cha đang mục ruỗng chứ đâu phải là chọn cây trồng đúng chỗ. Sợ lắm thay.
Đỗ Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.