Đá 20 phút nghỉ... 10 phút
Đến xã An Hòa (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), hỏi thăm Chơn "thợ mộc", ai cũng biết. Chơn nổi tiếng cả xã vì làm mộc khéo tay, vừa ngoan hiền lại đá banh giỏi, nhất là cái giò trái đi bóng lắt léo hay ghi bàn trong các trận đấu với xã khác.
Ai cũng nói Chơn đá bóng hay, là tiền vệ "cứng cựa" nên chúng tôi rất bất ngờ khi gặp cầu thủ này tại nhà: Cao 1,65 và nặng 52kg. So với nhiều thanh niên khác, Chơn khá nhỏ con, hơi gầy gò. Theo lời kể của ông Nguyễn Thành Giao, cha ruột Chơn, từ lúc sinh ra thể trạng Chơn đã yếu, suy sinh dưỡng triền miên, chỉ "bồi dưỡng" bằng nước cơm pha đường nên lúc học lớp 12 Chơn chưa đầy 45kg.
12 năm liền là học sinh khá, giỏi nhưng Nguyễn Thành Chơn đã phải gác lại giấc mơ lều chõng vì gia cảnh quá nghèo. Suốt 4 năm qua, em là lao động chính phụ giúp cha mẹ nuôi đứa em gái ăn học. Nhà Chơn bây giờ cũng khá hơn xưa…
Từ nhỏ sinh ra đã hay ốm đau nhưng Chơn có cái máy mắn là sinh ra trong cái xóm rất mê đá bóng. Ông Nguyễn Ngọc Cường - bác ruột của Chơn là chân sút có hạng chuyên đá giải nông dân của xã thấy đứa cháu hay đau ốm quặt quẹo bèn rủ rê chơi bóng.
Thế là Chơn tham gia đội nhi đồng, rồi thiếu niên của xã. Sức yếu, Chơn cứ đá 10 phút lại ra ngoài nghỉ 10 phút rồi vô đá tiếp 10 phút. Ấy vậy mà cứ 3 đường chuyền cho Chơn ở khu vực 16m50 thế nào cũng có một đường thành bàn. Nhờ hăng say tập luyện, lại không rượu, thuốc lá, cà phê nên hiện giờ Chơn có thể đá liền một mạch… 20 phút mới phải nghỉ. Nắm được đặc điểm này, HLV thường xếp Chơn đá từ giữa hiệp 1 để có thời gian nghỉ sau đó Chơn vẫn đá tốt ở nữa đầu hiệp 2.
Ông Trần Văn Hận - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Tây Ninh nói: "Nhìn cầu thủ của tôi coi ốm yếu vậy chứ đá bóng tốt lắm. Mấy giải nông dân gần đây lúc nào tôi cũng thấy Chơn ghi bàn. Hy vọng lần này em sẽ ghi bàn giúp đội nhà chiến thắng".
Cầu thủ "đảm đang"
Thấy chúng tôi săm soi cánh cửa tủ dán đầy giấy khen của Chơn, cái gần nhất là "học sinh tiên tiến" lớp 12 năm 2006, ông Giao giải thích: "Mấy năm trước nhà nghèo quá, thằng Chơn phải nghỉ học vợ chồng tui tiếc lắm. Nay dán giấy khen của Chơn lên để nhắc nhở đứa em gái của nó phải ráng chăm học. Năm nay cháu học lớp 10 rồi, cũng mừng là cháu học cũng tốt". Theo lời ông Giao, năm Chơn học 12, ông Giao không thấy con làm hồ sơ dự thi đại học nhưng cũng không dám hỏi vì nếu lỡ con thi đậu cũng không có tiền mà học. Thi tốt nghiệp THPT xong, ông thấy Chơn cầm theo bộ đồ nghề mộc cũ rồi nói "con đi theo phụ cha".
Đồ nhựa, đồ inox tuy kiểu dáng có đẹp nhưng lại không bền. Vài ba năm trở lại đây, nhà khá giả kêu ve chai tới bán tống mấy thứ này đi để quay về với đồ gỗ. Cha con nhà ông Giao nhờ bám nghề nên lại có đất dụng võ.
Cậu bé Chơn trong vòng 4 năm theo cha cưa, bào, đục đẽo giờ đã là thợ mộc lành nghề. Nhờ khéo tay, uy tín nên hai cha con ông Giao được nhiều người thuê mướn. Làm không xuể, ông Giao phải thuê thêm thợ bên ngoài về cùng làm với mình. Ngoài giờ làm mộc, Chơn lại ra sân bóng. Về tới nhà, Chơn lại ra mảnh vườn chăm sóc cây cối. Thậm chí, mỗi khi em gái tới kỳ thi là Chơn giành luôn phần quét dọn nhà cửa, công việc nhà với em gái với lý do "em phải học để thi". Bà con lối xóm có người gọi Chơn là "Chơn cò", nhưng cũng nhiều người gọi bằng cái tên mới là "cầu thủ đảm đang".
Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.