Chống bạo lực gia đình: Phạt tiền là sự thất bại!

Diệu Linh Thứ năm, ngày 26/11/2015 07:42 AM (GMT+7)
“Bữa sáng cùng nam giới bàn luận về bạo lực đối với phụ nữ” là hoạt động của Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhân Ngày Phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái 25.11.
Bình luận 0

“Sự hổ thẹn quốc gia”

Người tới chia sẻ mô hình phòng ngừa và ứng phó đối với bạo lực gia đình (BLGĐ) là ông Grant Stevens - Tổng tư lệnh Cảnh sát Nam Úc, Đại sứ chiến dịch Ruy băng Trắng của Úc. Chiến dịch Ruy băng Trắng của Úc là một phong trào nhằm gắn kết nam giới đứng lên chống lại BLGĐ tại quốc gia này và đã có hiệu quả rõ rệt. “Chúng tôi xác định, nam giới là người gây bạo lực nhưng cũng là lực lượng có thể đưa ra các biện pháp phòng chống BLGĐ hiệu quả” – ông G.Stevens cho biết.

img

 Bà Shoko Ishikawa- Trưởng đại diện UN Women Việt Nam phát biểu tại buổi chia sẻ. Ảnh: D.L

Theo ông G.Stevens, tại Úc, mỗi tuần có từ 1-2 người phụ nữ bị giết bởi chồng hoặc bạn tình. Riêng năm 2014 đã có 63 phụ nữ và trẻ em gái chết vì bạo lực gia đình. “Chúng tôi coi đó là sự hổ thẹn quốc gia. Do đó cần phải có những giải pháp cấp thiết để hạn chế tối đa các vụ BLGĐ” – ông G.Stevens nhấn mạnh.

Theo ông G.Stevens, sau cái chết của 1 phụ nữ bị BLGĐ năm 2010, cảnh sát Nam Úc đã phải xem xét lại các chính sách và quy trình thực hành ứng phó với BLGĐ, nhìn nhận và ứng phó với BLGĐ như một tội phạm nghiêm trọng. Lực lượng cảnh sát Nam Úc đã có một chương trình tổng lực để ứng phó với BLGĐ như: Xây dựng hồ sơ các ca BLGĐ, có bộ phận cảnh sát chuyên nghiệp chuyên xử lý và điều tra các vụ BLGĐ (khoảng 50% là nữ); có công tố viên chuyên sâu về BLGĐ; dịch vụ bảo vệ đa ngành.

Đặc biệt, lực lượng sĩ quan, cảnh sát khu vực, các điều tra viên chuyên sâu về bạo lực gia đình phải trải qua những lớp tập huấn về các kỹ năng ứng phó, hỗ trợ nạn nhân, xử lý người gây bạo lực… Khóa huấn luyện 52 tuần gồm gần 2.000 tiết, trong đó có ít nhất 57 tiết liên quan trực tiếp đến các kiến thức kỹ năng về BLGĐ. “Chúng tôi xác định cảnh sát là lực lượng ứng phó đầu tiên khi có vụ việc BLGĐ xảy ra. Do đó, họ phải có đầy đủ kiến thức, kỹ năng ứng phó với BLGĐ” – ông G.Stevens cho biết. Tại Nam Úc, cảnh sát được phép ban hành lệnh can thiệp khi có thông tin về hành vi bạo lực, nguy cơ xảy ra bạo lực nhằm đảm bảo an toàn cho người bị bạo lực hoặc có thể bị bạo lực. Hành vi không chấp hành lệnh can thiệp bị coi là tội phạm hình sự.

“Giơ cao đánh khẽ”

Cùng đến “ăn sáng”, PGS-TS Hoàng Bá Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, dân số, môi trường và các vấn đề xã hội (Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn Hà Nội) nhận định, mặc dù quy định luật pháp đầy đủ nhưng can thiệp phòng chống BLGĐ ở Việt Nam còn quá yếu ớt. Theo ông Thịnh, tại nhiều địa phương, công an xã vẫn coi đó là việc gia đình. Nạn nhân có đi trình báo chính quyền mà mức độ bạo lực mới chỉ dừng ở đánh chửi, chưa thấy có đổ máu thương tích thì chỉ xuê xoa cho qua.

Thậm chí đánh sứt đầu mẻ trán vẫn đợi giám định 11% mới xử lý hình sự. “Cho nên mới có nhiều vụ chết người do BLGĐ mà trước đó nạn nhân đã nhiều lần trình báo, nhiều lần kêu cứu nhưng không được giúp đỡ hoặc giúp đỡ không triệt để. Nạn nhân chán nản, buông xuôi còn người gây bạo lực không sợ, tiếp tục gây bạo lực dã man hơn”.

TS Thịnh cho rằng, việc phạt tiền người gây bạo lực là biện pháp thất bại nhất trong xử lý người gây BLGĐ. TS Thịnh đã đi khảo sát ở nhiều địa phương, hầu hết các vụ phạt tiền vì BLGĐ đều không thu được tiền, còn kẻ gây bạo lực sau 24 giờ “nghỉ ngơi” trong phòng giam cũng buộc phải thả về. Sau đó người vợ lại bị đánh nặng hơn vì lỗi “xỉ nhục chồng”. “70% các vụ BLGĐ là ở nông thôn, vùng sâu, người nghèo. Họ không có tiền nộp hoặc tiền lại do người vợ chật vật kiếm được mang đi nộp (chồng chỉ nhậu, rong chơi, không làm ra tiền). Xử phạt mà người ta không thực hiện thì luật sẽ bị nhờn, chẳng khác nào cái roi bị bẻ gãy” –TS Thịnh phân tích.

Báo cáo tổng kết của Bộ Văn hóa - Du lịch và Thể thao, từ năm 2009 đến tháng 6.2015, cả nước đã có hơn 258.200 vụ BLGĐ. Tuy nhiên, số vụ BLGĐ được xử lý là gần 35.400 vụ (đạt 13,7%).

Bà Cao Thị Hồng Vân – nguyên Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPN Việt Nam) cũng chia sẻ, tại Việt Nam khi can thiệp một vụ BLGĐ, nhiều cán bộ thường có tâm lý tìm nguyên nhân để luận tội cho bạo lực. Ví như do người gây bạo lực uống rượu, do người bị bạo lực không khéo léo, nói nhiều, không chiều chồng…

Điều đó gây tổn thương cho người bị bạo lực, còn kẻ gây bạo lực lại trốn tội. Ngoài ra, ở Việt Nam, can thiệp BLGĐ cũng chú trọng “hòa giải” đi trước, chỉ đến một mức nghiêm trọng mới xử lý hình sự. “Bên Úc họ xác định ngay, gây BLGĐ là một tội, cần phải được cảnh sát xử lý ngay lập tức theo đúng quy trình, thủ tục. Có bạo lực là gọi công an luôn. Hệ thống của họ rất đồng bộ để xử lý nhanh, can thiệp hiệu quả. Người bị bạo lực cũng được bảo vệ mà người gây bạo lực cũng được xử lý nghiêm” – bà Vân cho biết. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem