Chồng bị bắt oan và chết sau 3 tháng, 40 năm sau được tuyên bồi thường hơn 1,6 tỷ đồng
Chồng bị bắt oan và chết sau 3 tháng, 40 năm sau được tuyên bồi thường hơn 1,6 tỷ đồng
Phạm Hiệp
Thứ tư, ngày 06/04/2022 10:23 AM (GMT+7)
Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vừa mở phiên tòa dân sự, giải quyết yêu cầu đòi bồi thường của gia đình một người đàn ông bị khởi tố oan cách đây gần 40 năm. Đáng chú ý, nạn nhân bị bắt khoảng hơn 80 ngày thì tử vong trước khi được minh oan.
Cụ thể, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vừa mở phiên tòa dân sự, về việc "Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự".
Nguyên đơn trong vụ án là cụ bà Trần Thị Thắm (79 tuổi, Đồng Thịnh, Sông Lô, Vĩnh Phúc), người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Văn Hưng (42 tuổi, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
Bị đơn trong vụ án là Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, người đại diện theo pháp luật là ông Lê Tất Hiếu – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, người đại diện theo ủy quyền là bà Mầu Mai Quyên – Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm và án hình sự.
Được biết, bà Thắm làm đơn yêu cầu bồi thường bởi chồng bà, ông Trần Trung Thám (đã mất năm 1980) bị hàm oan trong vụ án giết người xảy ra năm 1980 trên địa bàn.
Ông Thám bị bắt và chỉ khoảng hơn 80 ngày sau, ông Thám tử vong. Cơ quan tố tụng sau đó xác định, ông Thám không phải là hung thủ giết người.
Trong vụ án giết người này, không chỉ mình ông Thám bị oan mà còn cả anh trai ruột ông Thám – cụ ông Trần Ngọc Chinh (81 tuổi, Đồng Thịnh) và 1 người nữa. Vài ngày trước, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã tuyên, buộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường cho cụ Chinh hơn 1 tỷ đồng. Trước thông tin đó, cụ Chinh cũng đã phản ứng, cho biết sẽ kháng án.
Trở lại phiên xét xử giữa nguyên đơn là cụ bà Trần Thị Thắm và bị đơn là Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi biết được chồng bị oan, gia đình cụ Thắm đã làm đơn kiện, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường cho gia đình số tiền 25 tỷ đồng.
Theo gia đình cụ Thắm, sau 82 ngày chồng bị bắt, gia đình nhận được tin ông chết trong trại giam. Một thời gian sau, gia đình mới được báo tin, ông Thám đã chết tại Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, nguyên nhân do bị kiết lỵ.
Tại phiên tòa do thẩm phán Vũ Văn Mạnh làm chủ tọa, sau khi căn cứ vào các tài liệu, hồ sơ và diễn biến xét xử, Hội đồng xét xử tuyên, buộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phải bồi thường cho gia đình cụ Thắm hơn 1,6 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.