Chống hải giám Trung Quốc ở Hoàng Sa

Thứ bảy, ngày 01/09/2012 08:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sự xuất hiện đông dày của tàu cá, tàu hải giám và cả trực thăng của Trung Quốc ở vùng biển Hoàng Sa đã khiến cho việc đánh bắt của ngư dân Việt tại ngư trường này trở nên khó khăn và đầy hiểm nguy.
Bình luận 0

Thế nhưng, ngư dân Việt không ai chịu rời bỏ ngư trường này.

Đánh cá như... ăn cướp

Những ngày đầu tháng 8.2012, tôi đã có một chuyến cưỡi sóng cùng ngư dân ra Hoàng Sa. Tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), những chiếc tàu đánh bắt xa bờ tung bay lá cờ đỏ sao vàng, thẳng tiến về vùng biển thân yêu của Tổ quốc: Hoàng Sa. Cách đất liền 220 hải lý, vùng biển Hoàng Sa đông dày tàu bè, không chỉ tàu ngư dân Đà Nẵng mà của tất cả các tỉnh miền Trung, kể cả Hải Phòng cũng vào đây đánh bắt.

“Phía ngoài vịnh Bắc Bộ, tôm cá đã cạn kiệt do tàu cá Trung Quốc từ đảo Hải Nam tràn xuống khai thác ráo riết. Để không bị lỗ, ngư dân chúng tôi phải vào tận trong này đánh bắt” - một số chủ tàu cá phía Bắc cho hay.

img
Để đưa lộc biển vào đất liền, ngư dân Hoàng Sa phải chịu nhiều vất vả, hiểm nguy.

Không chỉ có ngư dân Việt trên biển Hoàng Sa. Cách Đà Nẵng 130 hải lý trở ra, xuất hiện nhiều tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép, cứ mỗi hải lý có đến 3 - 4 tàu. Ngày đêm, tàu cá Trung Quốc dùng lưới giã cào vơ vét tận thu tất cả các loại hải sản trên biển.

“Ngư dân Trung Quốc bây giờ bặm trợn hơn trước rất nhiều. Nhiều lúc đang đánh cá chung, tự dưng họ kêu mấy chục tàu thuyền đến chạy vòng vòng bên tàu cá của mình, khua chiêng đánh trống, hét hò đủ trò. Không tỏ ra cương quyết sẽ chịu thiệt ngay” - nhiều ngư dân đánh bắt trên biển Hoàng Sa kể. Rất nhiều tàu thuyền của ngư dân các tỉnh phía Bắc đã tính đi sâu xuống phía Nam để kiếm kế sinh nhai vì ngư trường Hoàng Sa ngày càng thu hẹp do sự khai thác theo kiểu “ăn cướp” của ngư dân Trung Quốc.

Đề phòng hải giám, trực thăng

“Không chỉ dùng số đông tàu thuyền để uy hiếp ngư dân mình mà Trung Quốc còn dùng tàu hải giám, máy bay trực thăng để xua đuổi tấn công tàu thuyền cùng ngư dân mình” - ngư dân Trương Văn Hay (Thanh Khê, Đà Nẵng) nói.

Gần đây, nhiều tàu cá của phường Thanh Khê Tây hành nghề lưới cản cách bờ Đà Nẵng chỉ 100 hải lý vậy mà vẫn bị tàu hải giám Trung Quốc dùng vòi lớn xịt nước lên tàu, sau đó trực thăng bay vờn trên đầu uy hiếp xua đuổi.

Anh Hay bức xúc: “Trong vùng biển của mình mà tàu hải giám Trung Quốc hàm hồ đi vào dùng loa hò hét xua đuổi, rồi dùng vòi nước xịt ầm ầm lên tàu, đã vậy còn kêu hai trực thăng bay vèo vèo dọa dẫm. Tui không sợ, nhưng thú thật nếu xảy ra đụng độ ngay thì có thể mình sẽ thiệt thòi”.

Trong chuyến đi của phóng viên NTNN cùng ngư dân ra Hoàng Sa, con tàu hậu cần nghề cá ĐNa - 90444 mà tôi đi cùng đã gặp 4 con tàu hải giám ngay tại vị trí 116,09E - 109,04N. Lúc đó, chúng tôi đi xuôi từ biển Đà Nẵng qua Thừa Thiên - Huế để mua hải sản cho ngư dân thì bất chợt gặp 4 chiếc tàu này, chúng chỉ cách Đà Nẵng 104 hải lý. Lúc đó, một tàu hải giám màu trắng rẽ ngang, tăng tốc rượt theo tàu Đna - 90444. Ngư dân Nguyễn Văn Bình (cựu chiến binh chiến trường Nam-Lào) nói lớn: Bật Icom gọi ngay cho anh em tổ đội đi, gọi báo cả Đồn Biên phòng 248 (Đà Nẵng) nữa...

Chúng ta nhất định phải đầu tư tàu lớn hơn, trang bị hiện đại hơn... để bám ngư trường Hoàng Sa, giữ vững vùng biển thân yêu của Tổ quốc.

Con tàu Đna - 90444 có công suất 1.200CV vốn to nhất nhì miền Trung, nhưng khi tàu hải giám tiến lại gần thì trông nó thật nhỏ bé, chỉ bằng khoảng 1/5. Anh Lê Văn Sang - chủ tàu Đna - 90444, vừa cho tàu chạy vòng vòng vừa chờ tổ đội đến tiếp ứng. Tàu hải giám Trung Quốc thấy nhiều tàu Việt kéo đến hỗ trợ thì không dám đuổi theo nữa, quay ra khơi xa.

Khi tàu hải giám bỏ đi, 3 chiếc tàu của ngư dân Việt tụ lại, anh em ngồi nói chuyện với nhau. Ai nấy đều bức xúc: Trung Quốc ngạo mạn và hung hăng quá. Số lượng tàu cá của họ trên biển đã đông hơn, lớn hơn, hiện đại hơn tàu Việt, đã vậy lại còn có sự hỗ trợ của tàu hải giám cùng trực thăng Trung Quốc. Ngư dân Việt với những con tàu nhỏ bé, trang bị lạc hậu, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trên ngư trường truyền thống và niềm tự hào dân tộc để mà bám biển.

“Nhưng tình trạng này cứ lặp lại hoài thì không ổn. Chúng ta nhất định phải đầu tư tàu lớn hơn, trang bị hiện đại hơn để bám ngư trường Hoàng Sa, giữ vững vùng biển thân yêu của Tổ quốc” - các ngư dân nói với nhau như vậy...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem