Chống tham nhũng không “cữ” quan to

Thứ tư, ngày 11/12/2013 15:22 PM (GMT+7)
Cơ quan bài trừ tham nhũng (KPK) chỉ là một đơn vị nhỏ nhưng “dám” đương đầu với những “quan to” tham nhũng, và từ sự dũng cảm đó, họ nhận được sự ủng hộ của người dân.
Bình luận 0
Ngày 3.9.2013, quan chức tham nhũng “nặng ký nhất” Indonesia là Djoko Susilo bị kết án 10 năm và số tài sản 10,4 tỷ USD của ông ta bị kê biên. Đó là một thành quả cho nỗ lực của nhân viên KPK dưới sự chỉ đạo của điều tra trưởng Novel Baswedan 36 tuổi.

“Cương” với cảnh sát

Hơn một năm trước đó, vào tối 5.10.2013, tướng cảnh sát Susilo vừa bị KPK bắt với tội danh nhận hối lộ, nhờ đó ông ta có vô số biệt thự, xe sang, đất đai và rất nhiều tiền. Ông ta đang trải qua 8 giờ hỏi cung tại trụ sở KPK ở thủ đô Jakarta thì bên ngoài ầm ĩ: hàng chục cảnh sát kéo đến đòi bắt Baswedan. Nhưng họ không hề biết KPK được sự ủng hộ nhiệt thành của quần chúng: hàng trăm người phản đối, các luật sư và nhà báo liền kéo đến vây cổng chính KPK, do có một nhân viên KPK bí mật nhắn tin báo. Sau 3 giờ “cương” nhau, nhóm cảnh sát đành phải ra về lúc 12 giờ đêm.

Đó cũng là cuộc giải thoát Baswedan, một “cựu cớm” và nay được giới truyền thông Indonesia đặt cho biệt danh “Siêu cớm”. Từ khi KPK được lập năm 2002, họ trở thành một đơn vị hoàn toàn độc lập với chính phủ Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono (người cho phép gọi, viết tắt tên ông thành SBY), nhiệt huyết và được người dân tin yêu, cũng như là một cái gai khó bứt trong mắt các “quan tham”.

Theo bài điều tra vừa đăng tải ngày 20.11 của Hãng tin Reuters, KPK lập thành tích bắt đúng đối tượng 100%, tức 236 vụ bắt các bộ trưởng, nghị sĩ, tổng giám đốc, quan chức ngân hàng cùng một chánh án và thậm chí một cựu hoa hậu, điều đó cho thấy nạn tham nhũng “có hệ thống” và tràn lan ở Indonesia.

Tranh biếm tướng cảnh sát Djoko Susilo ăn hối lộ (ảnh dưới) và khi hầu tòa
Tướng cảnh sát Djoko Susilo khi hầu tòa

Uy tín của KPK hiện là chất xúc tác tốt nhất cho chính phủ SBY, nhất là trước thềm bầu cử quốc hội và bầu cử tổng thống trong năm 2014. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải thể KPK cũng khiến các đảng sẽ mất nhiều phiếu cử tri. Đại diện tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) nói: “Người bạn duy nhất của KPK là dân chúng”, vì mới đây, lần đầu tiên Indonesia cải thiện được chỉ số tham nhũng, khi TI nâng hạng từ 133 từ năm năm qua lên 111.

“Đặc những kẻ thù”

Nhưng thành tích ấy cũng khiến KPK phải trả giá đắt: Reuters phát hiện đơn vị nhiều việc nhưng ít kinh phí này đối diện sự chống đối của cảnh sát, một số nghị sĩ và cả một số công chức chính phủ. Hiện giới đầu tư nước ngoài đang theo dõi kỹ cuộc đấu đá này. Báo cáo tính cạnh tranh toàn cầu 2011-2012 của Diễn đàn kinh tế thế giới đã nêu “tham nhũng là vấn nạn lớn khi làm ăn ở Indonesia”.

Ngân hàng Thế giới (WB) nói tham nhũng khiến thế giới bị thất thoát 1 ngàn tỷ USD nhưng không ai có thể có số liệu chính xác nhất ở Indonesia, nước đông dân hàng thứ tư thế giới và là một trong những thị trường đang nổi nhất với tỷ lệ kinh tế tăng trưởng 6%. Trung tâm nghiên cứu bài trừ tham nhũng của Đại học Gadjah Mada ở Yogyakarta (Indonesia) nói đất nước họ trong 5 năm qua bị thất thoát 1 tỷ USD vì tham nhũng.

Reuters viết: “KPK đặc kẻ thù vì tính hiệu quả của nó, 1/3 trong 385 vụ bắt giữ của họ từ năm 2002 là các chính khách. Điều cho thấy quyền lực đáng kể của họ, như tiến hành điều tra riêng, truy tố, bí mật nghe lén các cuộc điện thoại mà không cần xin phép và giám sát các vụ án tham nhũng do cảnh sát và Viện Công tố (AGO) phụ trách. Nếu KPK xét thấy cuộc điều tra của AGO quá chậm, họ có thể nắm lấy vụ án đó. Họ có quyền cấm các nghi can xuất cảnh, kê biên tài sản để tìm chứng cứ”.

Nhưng khi mới thành lập, KPK hoạt động khá rụt rè trong khi tham nhũng là “quốc nạn” từ thời TT Suharto. Ban đầu họ chỉ dám tóm các quan cấp trung, lãnh đạo vùng, doanh nhân. Họ chỉ tăng tốc khi TT Yudhoyono nhậm chức năm 2004, hứa sẽ “có liệu pháp sốc” ngăn chặn tham nhũng: họ chuyển qua truy tố các vụ tham nhũng lớn, bỏ tù nhiều chính khách.

Năm 2008, KPK bắt thành viên đầu tiên trong nội bộ SBY: Aulia Pohan, cựu phó thống đốc ngân hàng có con gái làm vợ con trai trưởng của SBY. Pohan cùng 3 tay phó khác bị bắt sau khi cựu thống đốc Burhanuddin Abdullah bị kết án 5 năm tù vì tội “rút ruột công quỹ” 10 triệu USD. Pohan bị 4 năm tù vì dính vào vụ này. Theo cáo trạng, họ dùng số tiền ấy để “đút lót” các nghị sĩ có tầm ảnh hưởng tới Bank Indonesia (ngân hàng trung ương).

“Tắc kè đòi hạ cá sấu”


Vào năm 2009, khi SBY đang muốn tái đắc cử TT, KPK tăng quân số từ 100 lên gần 400 người, cùng hàng ngàn người xin gia nhập đơn vị. Trong đó có Baswedan, người sau 10 năm làm cảnh sát (chuyên điều tra tham nhũng) đã được chọn vào KPK năm 2007. Là cháu của AR Baswedan (một chiến sĩ đòi độc lập, về sau trở thành một nhà ngoại giao), Baswedan nói ông theo nghề “cớm” vì muốn làm việc tốt. Năm 2008, Baswedan bắt thị trưởng Abdillah của thành phố Medan vì tội lạm dụng ngân sách thành phố. Ông này đã bị kết án 5 năm tù.

Baswedan nói nhiều cảnh sát chán “văn hóa hối lộ” của lực lượng nên họ đã bắt chước ông chuyển qua KPK. Năm 2009, KPK bắt đầu điều tra chánh thanh tra cảnh sát Susno Duadji bị nghi nhận hối lộ. Người ủng hộ cảnh báo KPK có thể phải bớt điều tra các quan chức cấp cao cùng những nhân vật quyền thế, sau một cuộc họp giữa cảnh sát với KPK và AGO.

Ở cuộc họp này, SBY đề nghị cảnh sát và KPK tránh “mất đoàn kết” và phải tôn trọng lẫn nhau. Ông cũng nhấn mạnh nỗ lực chống tham nhũng nên tập trung vào phòng chống hơn là thực hiện. Phe ủng hộ KPK nói lời TT có nghĩa buộc KPK phải “lỏng tay” và có vẻ SBY muốn “bao che” cảnh sát, do KPK đang điều tra những tai tiếng tham nhũng liên quan tướng Susno Duadji.

Ông này đã nổi cáu khi biết KPK ghi âm cuộc điện thoại về vụ ông đòi Rajawali Banjaran - Giám đốc Công ty PT Putra - đưa hối lộ 1 triệu USD. Ông bảo ông biết bị nghe lén nên đã cố ý nói chuyện hối lộ để lừa KPK. Ông cũng từng chọc tức KPK: “Tắc kè mà đòi hạ cá sấu à?”, mà không ngờ câu nói ấy sẽ ám mình. Djuadi đang thụ án 3,5 năm tù vì tham nhũng và lạm quyền.

5 tháng sau khi Djuadi bị bắt, cảnh sát bắt hai nhân viên KPK về tội “bảo kê” và nhận hối lộ, nhưng các tội danh này được hủy sau những cuộc xuống đường biểu tình phản đối của người dân. KPK cũng công bố các đoạn băng ghi âm điện thoại, mà sau này tòa án xác nhận đó là âm mưu “chơi đểu” KPK của các quan chức cảnh sát.

Cuối năm 2012, KPK cũng bị gây sức ép, khi chủ nhiệm Antasari Azhar bị bắt vì tội chủ mưu giết một doanh nhân ở Jakarta. Azhar tuyên bố vô tội nhưng đang phải thụ án 18 năm tù và Tòa án tối cao Indonesia bác đơn kháng án của ông. Chandra Hamzah - một trong hai nhân viên KPK bị bắt năm 2009 và nay là luật sư - nói đó là một thời điểm đáng nhớ của KPK, nếu cảnh sát ép chúng tôi được thì chúng tôi đã bị giải thể từ lâu. Họ suýt làm được điều đó”.

SBY còn tin KPK?

Theo TI, hiện KPK vẫn tiếp tục nhắm vào cảnh sát và các nghị sĩ (hai thể chế tiêu cực nhất Indonesia). Trong hai năm qua, họ cũng nhắm vào các chính khách cấp cao ở Đảng Dân chủ (DP) của SBY. Cựu Bộ trưởng Thể thao Andi Mallarangeng - một thời là ngôi sao của chính trường Indonesia - và cựu chủ tịch DP Anas Urbaningrum đã bị xếp là nghi can vụ “rút ruột” công trình xây dựng một sân vận động ở Hambalang.

KPK cáo buộc 2 ông này nhận “lại quả” trong quá trình đấu thầu. Mallarangeng bị bắt hồi tháng 10 vì tội lạm quyền và gây thất thoát 41 triệu USD tiền ngân sách, Urbaningrum chưa bị buộc tội vì còn đang điều tra. Cựu thủ quỹ DP Muhammad Nazaruddin đã bị án 7 năm tù vì nhận hối lộ, liên quan việc xây dựng làng VĐV cho SEA Games 2011. Cựu hoa hậu Indonesia là Angelina Sondakh (một nghị sĩ DP) cũng bị kết án 4,5 năm tù hồi đầu năm nay vì tham nhũng và lạm quyền.

Từ đó, KPK nhắm vào nội bộ SBY. Hồi tháng 8.2013, Rudi Rubiandini - Chủ tịch Cơ quan Điều hành năng lượng SKKMigas - bị bắt vì hối lộ sau khi các nhà điều tra nói họ bắt quả tang ông ta nhận 400.000USD tiền mặt và một chiếc mô tô BMW từ một quan chức công ty dầu khí. Cuộc điều tra hai người này đang được tiến hành.

Theo Reuters, sau vụ này, SBY chỉ nói vài câu khen ngợi KPK trong diễn văn quốc gia hồi tháng 8.2013. Khác với thời ông tuyên bố ủng hộ họ bằng câu: “Họ chỉ phải trả lời trước Thượng đế về sự minh bạch”, sau khi KPK bắt sui gia của ông hồi tháng 7.2009. Nhưng người phát ngôn của SBY nói TT vẫn luôn ủng hộ và tin tưởng KPK.

Bảo Vĩnh (Thế giới hội nhập) (Bảo Vĩnh (Thế giới hội nhập) )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem