Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ sáu, ngày 07/06/2013 08:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chuyển đổi cơ cấu, giống; điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất; nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề…
Bình luận 0

Đó là một trong những nhiệm vụ được nêu ra trong Nghị quyết (số 24) Hội nghị T.Ư 7, khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành

img
Biến đổi khí hậu đang tác động đến nhiều địa phương của Việt Nam.

Nghị quyết 24 đánh giá, thời gian qua, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng; thiên tai ngày càng bất thường; tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững...

Về các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, Nghị quyết 24 nêu rõ: Đến năm 2020, về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Về bảo vệ môi trường, Nghị quyết đặt mục tiêu: Không để phát sinh và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 70% lượng nước thải ra môi trường lưu vực các sông được xử lý; tiêu huỷ, xử lý trên 85% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế; tái sử dụng hoặc tái chế trên 65% rác thải sinh hoạt.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Nghị quyết hướng tới việc xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ...

Về các giải pháp cụ thể, Nghị quyết nêu bật 5 nhóm cần thực hiện, trong đó nêu bật việc tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường…

Ba là, tăng cường quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Bốn là, đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Năm là, coi trọng hợp tác, hội nhập quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó cần đẩy mạnh hợp tác với các nước có liên quan, các tổ chức và các diễn đàn quốc tế để bảo vệ các nguồn nước xuyên biên giới, tiếp cận công nghệ mới và huy động nguồn lực cho giảm phát thải khí nhà kính...

Cùng dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ký ban hành Nghị quyết về công tác dân vận trong tình hình mới. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem