Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Lịch sử là môn học đặc thù cần theo hướng lựa chọn bắt buộc

PVCT Thứ tư, ngày 11/05/2022 19:24 PM (GMT+7)
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, qua tổ chức tọa đàm, sơ bộ ý kiến của các chuyên gia thấy rằng môn Lịch sử nên xem xét là một môn học đặc thù, môn học đặc biệt quan trọng và theo hướng là môn lựa chọn bắt buộc.
Bình luận 0

Chiều 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo tóm tắt do ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày cho biết, dư luận xã hội còn băn khoăn, có ý kiến trái chiều về việc đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông, có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Lịch sử là môn học đặc thù cần theo hướng lựa chọn bắt buộc - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Ảnh QH

Báo cáo nêu rõ, thực tế, có một số nước phát triển, nền văn hóa tương đồng với Việt Nam (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã đưa trở lại hoặc vẫn duy trì môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông.

"Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn Lịch sử ở bậc THPT là môn học tự chọn.

Đồng thời, cần đổi mới cách dạy và học như thế nào để nâng cao chất lượng chứ không nên để môn lịch sử là môn học tự chọn", ông Đỗ Văn Chiến cho biết.

Liên quan đến vấn đề về môn Lịch sử, nêu ý kiến vào sáng cùng ngày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay, sau khi được Quốc hội giao, Ủy ban đã nghiên cứu và tổ chức tọa đàm với chuyên gia, đại diện một số cơ quan về vấn môn Lịch sử.

Theo đó, sơ bộ ý kiến của các chuyên gia thấy rằng, về tính cần thiết môn học Lịch sử nên xem xét là một môn học đặc thù, môn học đặc biệt quan trọng và theo hướng là môn lựa chọn bắt buộc. Đồng thời, về mặt kỹ thuật có thể giải quyết được, không có vấn đề gì khó khăn chỗ này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục cũng thông tin thêm, Ủy ban sẽ hỏi thêm ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội và dự kiến ngày 22/5, Ủy ban sẽ có phiên họp toàn thể thảo luận vấn đề này.

Báo cáo thêm về nội dung này tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, sau khi có ý kiến về giá sách giáo khoa, môn tự chọn, môn tổ hợp... Bộ đã tiếp thu để chỉnh lại cụ thể cũng như báo cáo với Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem