Chủ thuê bao di động tấp nập đi cập nhật thông tin, nhà mạng nói "SIM không chính chủ không bị khóa"

Khải Phạm Thứ sáu, ngày 17/03/2023 07:19 AM (GMT+7)
Lo sợ bị chặn, nhiều người dân đã đi cập nhật thông tin để chuẩn hóa với dữ liệu dân cư. Tuy nhiên, thuê bao không chính chủ vẫn sử dụng bình thường nếu SIM đáp ứng điều kiện trùng với cơ sở dữ liệu dân cư.
Bình luận 0

Hiểu đúng về chuẩn hóa thông tin thuê bao di động

"SIM tôi dùng hiện nay là của mẹ đẻ đăng ký từ lâu và tôi cũng chưa chuyển sang chính chủ tên mình. Đọc thông tin thấy nếu không đúng thông tin sẽ bị chặn 1 chiều từ ngày 31/3/2023 tới đây nên tôi đã phải ngay lập tức cập nhật thông tin cho đúng", chị Thảo Nguyễn chia sẻ với Dân Việt.

Đó là một trong rất nhiều trường hợp người dân hiểu sai về quy định chuẩn hóa thông tin theo yêu cầu.

Chủ thuê bao di động tấp nập đi cập nhật thông tin, nhà mạng nói "SIM không chính chủ không bị khóa" - Ảnh 1.

SIM không chính chủ nhưng trùng khớp dữ liệu dân cư quốc gia sẽ không bị khóa. Ảnh Khải Phạm.

Theo đó, Cục Viễn thông - Bộ TT&TT yêu cầu các thuê bao di động phải chuẩn hóa thông tin trước ngày 31/3/2023 nếu không sẽ bị khóa 1 chiều. 

Sau ngày 31/3, những cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao, các nhà mạng sẽ tạm dừng 1 chiều trong vòng 15 ngày. Sau 15 ngày tiếp theo vẫn chưa chuẩn hóa thông tin, thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông cả hai chiều. Sau 30 ngày - kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều, cá nhân, tổ chức không thực hiện chuẩn hóa, nhà mạng sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông đối với những thuê bao này.

Chính vì sợ bị chặn 1 chiều nên nhiều người dân đã tấp nập đi ra các cửa hàng, điểm giao dịch của nhà mạng để cập nhật thông tin.

Trả lời Dân Việt, đại diện Vinaphone cho biết: "Hiện nay, những thuê bao đáp ứng được 3 trường thông tin gồm: Số giấy tờ, họ tên, ngày sinh trùng với dữ liệu tại CSDLQG về dân cư là những thuê bao đã được chuẩn hóa, không cần phải bổ sung, điều chỉnh. Các thuê bao có thông tin chưa trùng khớp sẽ nhận được thông báo từ VinaPhone và cần thực hiện chuẩn hóa lại thông tin trước 31/3/2023 để tránh bị gián đoạn liên lạc (khóa thuê bao 1 chiều)".

Có những trường hợp, SIM điện thoại dùng từ nhiều năm, đã đăng ký chính chủ, đến khi đăng nhập vô app của nhà mạng thì lại hiển thị tên của một người khác. Khi tiến hành thay đổi thông tin trên ứng dụng của nhà mạng thì hệ thống báo phải ra quầy. Nhân viên tại quầy báo phải tìm được người đăng ký chính chủ trước đó để nhờ họ chuyển nhượng SIM. Vậy trường hợp này nhà mạng xử lý thế nào?

"Theo quy định của Pháp luật thì khi thay đổi toàn bộ thông tin thuê bao thì phải có thủ tục chuyển quyền sử dụng giữa chủ cũ và chủ mới. Tuy nhiên hiện các nhà mạng cũng luôn tạo điều kiện cho khách hàng đăng ký lại thông qua các biện pháp chứng mình/cam kết đang sử dụng số điện thoại đó. Các trường hợp này sẽ được hướng dẫn cụ thể tại các ĐGD của VinaPhone hoặc qua Tổng đài 18001091", đại diện Vinaphone nói.

Việc dùng SIM không chính chủ nhưng trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia sẽ không bị khóa, nhưng người dùng nên đăng ký chính chủ để đảm bảo quyền lợi khi xảy ra tranh chấp hoặc mất SIM có thể làm lại.

"Để đảm bảo quyền lợi và lợi ích cá nhân, tránh những rủi ro về pháp lý như các sự cố lừa đảo, tranh chấp thuê bao có thể phát sinh, khách hàng cần đăng ký thuê bao chính chủ sớm nhất. Trên thực tế, cũng đã có những trường hợp dùng SIM không chính chủ, khi bị mất SIM, không thể báo khóa thuê bao cũng như khôi phục, thậm chí còn bị người khác sử dụng với mục đích xấu, đến lúc này rất bất lợi cho người dùng. Ngoài ra, việc dùng số thuê bao không chính chủ có thể ảnh hưởng đến quá trình sử dụng các dịch vụ hành chính công, nhất là các dịch vụ yêu cầu thông tin của số điện thoại khai báo phải chính xác và có các thông báo/xác nhận qua số điện thoại di động", đại diện nhà mạng Vinaphone khẳng định.

Những trường hợp SIM không chính chủ, nhưng trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia sẽ không bị khóa mà người dân được khuyên nên chuyển đổi chính chủ để yên tâm sử dụng. Do đó, chủ thuê bao có thể tạm thời chưa cần cập nhật vội để giảm tải cho các điểm giao dịch.

Cập nhật trực tuyến, tránh ra cửa hàng mất thời gian

Theo số liệu tính đến ngày 30/11/2022, riêng nhà mạng VinaPhone có 1,1 triệu thuê bao chưa trùng khớp với CSDLQG về dân cư. Tuy nhiên, đây không phải con số cuối cùng, vì nhà mạng cùng công an vẫn tiếp tục xác minh lại sự sai lệch giữa 2 trường thông tin. Nguyên nhân do lịch sử dữ liệu thông tin thuê bao đăng ký từ trước và các nguyên nhân nhập liệu, bóc tách thông tin trên giấy tờ có sai sót, lỗi.

Với số lượng thuê bao trên, từ trước ngày 15/3, Vinaphone cũng đã bắt đầu thông báo, hướng dẫn cho những khách hàng nằm trong diện phải chuẩn hóa thông tin thuê bao. Hiện nay, VinaPhone cũng đang nỗ lực để đẩy nhanh công tác này 24/7. Nhà mạng cũng mong rằng, đến ngày 31/3 tới đây sẽ không có khách hàng nào bị gián đoạn liên lạc do chưa chuẩn hóa kịp thời thông tin thuê bao theo quy định của Cơ quan QLNN.

Nhiều người dân sử dụng điện thoại thông minh nhưng do không thông thạo các ứng dụng hay phương thức cập nhật thông tin qua tổng đại, phần mềm nên vẫn phải ra các điểm giao dịch. Chính vì thế, tại một số điểm giao dịch xảy ra tình trạng ùn ứ trong những ngày qua khi người dân chuẩn hóa thông tin.

Chủ thuê bao di động tấp nập đi cập nhật thông tin, nhà mạng nói "SIM không chính chủ không bị khóa" - Ảnh 2.

Người dân đến các điểm giao dịch để cập nhật thông tin thuê bao. Ảnh Khải Phạm.

Theo ghi nhận, dù VinaPhone đang bố trí đủ nhân sự và hệ thống đáp ứng được yêu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao của khách hàng. Tuy nhiên, việc quá tải cục bộ có thể xảy ra tại một số nơi, nhất là vào thời điểm gần ngày bị khóa thuê bao (30/3/2023). Vì vậy, VinaPhone cũng đã có các phương án dự phòng bố trí, bổ sung nhân sự tại các điểm giao dịch để hỗ trợ khách hàng một cách tốt nhất. 

Phía nhà mạng cũng khuyên khách hàng chủ động cập nhật trên các kênh số hóa (Ứng dụng MyVNT, website my.vnpt.com.vn) ngay sau khi nhận được tin nhắn thông báo chính thức từ VinaPhone.

Được biết, hiện nay người dân có thể cập nhật thông tin qua các ứng dụng hay website của các nhà mạng để tránh mất thời gian đi lại cũng như chờ đợi. 

Bạn đọc có thể tham khảo thêm thông tin hướng dẫn cách cập nhật thông tin thuê bao chi tiết các nhà mạng tại đây: Chuẩn hóa thông tin thuê bao các nhà mạng bằng cách nào?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem