Chủ tịch 8x Đỗ Trần Anh tạo ra mạng xã hội nhà nông đầu tiên
Chủ tịch 8x Đỗ Trần Anh và hành trình tạo ra mạng xã hội nhà nông đầu tiên của Việt Nam
Ong Lý
Thứ hai, ngày 07/06/2021 07:20 AM (GMT+7)
Khi thấy nông dân Na Uy ngồi trong phòng máy lạnh vừa ăn vừa quan sát, điều khiển trang trại, anh Đỗ Trần Anh ấp ủ dự định phải làm gì đó cho nông nghiệp nước nhà. Mạng xã hội nông dân có tên Fman từ đó ra đời...
Với mong muốn tạo ra các ứng dụng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, anh Đỗ Trần Anh (SN 1980, Chủ tịch HĐQT Farmtech Vietnam) đã xây dựng hệ thống Mạng giám sát môi trường nông ngư nghiệp Aevisor (Giải 3 Nhân tài đất Việt năm 2016) từ đó hình thành hệ sinh thái FMAN – Bạn nhà nông Việt Nam.
FMAN từng đạt giải nhất cuộc thi IoT Startup 2017 do Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức với tính năng Mạng xã hội nhà nông tích hợp IoT đầu tiên tại Việt Nam.
Với dự án FMAN, anh cũng là người chiến thắng trong tập 13 mùa thứ nhất của chương trình SharkTank Việt Nam năm 2018 với cam kết đầu tư từ Shark Hưng và Shark Vương.
Dưới đây là cuộc trò chuyện của PV Dân Việt với ông chủ Farmtech Vietnam về hành trình và những nỗ lực đã tạo ra các sản phẩm IoT cho nông nghiệp nước nhà.
Nông dân Na Uy ngồi phòng máy lạnh vừa ăn vừa điều khiển trang trại
Thưa anh, công nghệ mới “Internet of things” (IoT) trong nông nghiệp với nhiều nước trên thế giới không phải là “một lựa chọn” mà nó là “một điều cần thiết”. Tuy nhiên, ở Việt Nam công nghệ IoT nông nghiệp còn khá mới mẻ, vậy vì sao anh lựa chọn mảng này để khởi nghiệp?
- Tôi từng có thời gian làm việc ở Na Uy, và trở về Việt Nam làm cho nhà máy của Na Uy chuyên về lĩnh vực nông nghiệp (từ 2012 – 2015). Tôi thấy ở các nước châu Âu, họ sản xuất và ứng dụng được các sản phẩm công nghệ cao phục vụ nông nghiệp rất hay, hiệu quả.
Các thiết bị của họ giúp đơn giản hóa mọi vấn đề. Nông dân ngồi phòng máy lạnh vừa ăn uống vừa quan sát trên màn hình và mọi thứ ở trang trại tất cả đều tự động chạy. Họ xây dựng được một nền Công nghiệp Nông nghiệp cụ thể là Công nghiệp nuôi cá hồi và họ bán quy trình máy móc nuôi trồng đi khắp thế giới.
Tôi từng dành cả một năm lang thang từ Cà Mau đến Móng Cái (Quảng Ninh) để khảo sát thực trạng của nông dân. Vì muốn startup phải xem thị trường mình ở đâu, có khả năng bùng nổ hay không. Tôi nhận thấy, nông dân nuôi trồng thủy sản của nước ta vẫn quá vất vả, họ theo dõi môi trường nuôi trồng theo kiểu thủ công, cảm tính.
Người nuôi trồng thủy sản chưa quan tâm tới các chỉ số như độ đục của nước, các thành phần hữu cơ, tức các thành phần hòa tan của thức ăn công nghiệp trong nước; chưa quan tâm thường xuyên tới các chỉ số môi trường ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra sản phẩm và năng suất. Việc tham khảo ý kiến chuyên gia nông nghiệp hầu như chỉ thực hiện khi cá, tôm bị bệnh hay sự đã rồi.
Trong khi đó, nếu nhập khẩu sản phẩm công nghệ của châu Âu thì giá thành rất cao cho một hệ thống đơn giản (đã từng có doanh nghiệp đầu tư 300 triệu đồng cho việc đo oxy hòa tan và nhiệt độ nước), người nông dân mình khó với tới. Theo tôi, sản nhập khẩu châu Âu giá thành cao vì họ không tận dụng hạ tầng công nghệ ở công ty họ, mà bắt người tiêu dùng phải mua các thiết bị đi kèm. Nếu như mình làm được việc tập trung hạ tầng công nghệ về một chỗ thì giá thành sản phẩm sẽ không đắt như thế.
Tôi đã ấp ủ ý tưởng từ những điều trông thấy nay, tôi và những người đồng chí hướng hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình, thành lập Farmtech Vietnam tại thành phố Nha Trang. Farmtech Vietnam khởi nghiệp năm 2015, với mục đích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp.
Anh có thể chia sẻ rõ hơn về cách thức hoạt động của các sản phẩm này?
- Sản phẩm mà Farmtech VietNam mang đến đó là hệ sinh thái (Eco System) ứng dụng CNTT trong nông nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, hỗ trợ nhà nông, trang trại theo mô hình nông nghiệp bền vững. Hệ sinh thái này sẽ kết nối người dân với các chuyên gia, từ các thiết bị IoT được lắp đặt tại trang trại, các chuyên gia sẽ nhận được các thông số, từ đó phân tích và đưa ra lời khuyên thích hợp cho người nông dân trên cùng một ứng dụng.
Hiện tại FMAN có các phân hệ: Quản lý trang trại, quản lý truy xuất, quản lý bán hàng. Trong tương lai sẽ tích hợp thêm nhiều chức năng hơn.
FMAN hoạt động theo mô hình SaaS (phần mềm kiểu dịch vụ) nên nông dân có thể trải nghiệm, có dùng thì mới thanh toán chi phí, theo giờ, theo tháng, theo năm. Các doanh nghiệp nông nghiệp đều có thể dùng thử tại địa chỉ: fman.tech.
Ngoài Fman, Farmtech Vietnam có thêm những dự án khác liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao không thưa anh?
- Chúng tôi đang thực hiện dự án kết nối nông sản tại Khánh Hòa qua website. Đây là dự án từ nguồn kinh phí của UBND Tỉnh Khánh Hòa cụ thể là Trung tâm Khuyến Nông Khánh Hòa. Dự kiến vào tháng 7 tới đây sẽ ra mắt website này và chúng tôi sẽ là đơn vị cùng vận hành và khai thác. Vì không dễ dàng để có thể làm thương mại điện tử cho nông nghiệp nếu chưa có các kinh nghiệm thực tiễn.
Hiện tại, website có những phần như giới thiệu sản phẩm nhà nông, cung cấp phần mềm quản lý trang trại, phần mềm truy xuất nguồn gốc cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm bán hàng...
Hiện tại trang web có khoảng 3.000 bài viết về kỹ thuật canh tác để bà con có thể tham khảo. Chúng tôi cũng đang liên hệ các tác giả để có thể cung cấp hơn 1.000 đầu sách nông nghiệp cho nông dân Khánh Hòa.
Farmtech Vietnam tiến hành cập nhật hầu hết các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Nông nghiệp Khánh Hòa, tiến tới tích hợp với FMAN để có thể quản lý số lượng trang trại, sản lượng theo thời gian thực giúp Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Khánh Hòa trong quản trị thông tin và khai phá thông tin có ích cho nông dân.
Sau khi trang ổn định, đây sẽ là kênh giúp phân phối các sản phẩm nông nghiệp của Khánh Hòa, chúng tôi hỗ trợ dịch thuât cho sản phẩm Khánh Hòa ra nhiều thứ tiếng để có thể bán hàng trên các kênh quốc tế.
Sắp tới chúng tôi sẽ nghiên cứu sâu hơn về xử lý hình ảnh bằng ứng dụng AI. Công nghệ này giúp người dân có thể quan sát cây trồng biết bệnh gì, con tôm nặng bao nhiêu gram, nước có ô nhiễm không…
Hiện tại ý định này đang ở giai đoạn nghiên cứu bởi bộ dữ liệu trong nông nghiệp ở nước ta chưa được chuẩn hóa nên rất khó khăn.
Mất 5 năm để nông dân và doanh nghiệp biết đến
Sau 5 năm nỗ lực đưa các ứng dụng thông minh vào nông nghiệp tại Khánh Hòa, anh nhận thấy nhận thức của người dân thay đổi thế nào?
- Cách đây khoảng 5 năm lượng người dùng thực sự dùng các ứng dụng rất hiếm. Chúng tôi rất vất vả để đi tìm khách hàng. Tuy nhiên, khoảng 4-5 tháng trở lại đây, khi Nhà nước đẩy mạnh hơn nữa việc số hóa, chuỗi số, kinh tế tuần hoàn thì đã có nhiều nông dân, doanh nghiệp chủ động tìm đến chúng tôi.
Ngày xưa phân khúc khách hàng của chúng tôi khá nhỏ lẻ, chúng tôi phải đi tìm nông, thuyết phục họ. Hiện tại phân khúc khách hàng phần lớn là các doanh nghiệp có vùng trồng lớn, quy mô hơn. Doanh nghiệp lớn họ thấy được tầm quan trọng của chuyển đổi số nên họ tự tìm đến vì thế, giá trị hợp đồng khi triển khai cho doanh nghiệp lớn lớn hơn, không phải chuẩn bị nhân lực nhiều như khi triển khai cho nông dân.
Thật sự, khởi nghiệp với ngành này rất khó khăn. Chúng tôi phải nỗ lực tới 5 năm để nông dân và doanh nghiệp biết đến. Ở Việt Nam, chỉ có khoảng dưới 10 doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm như chúng tôi. Hơn nữa, hiện tại các Startup ứng dụng CNTT cũng đang gặp rất nhiều khó khăn như về vốn, về kêu gọi đầu tư, rồi sản phẩm nông nghiệp lại chủ yếu là kêu gọi giải cứu thì khó lại càng khó.
Từ giữa tháng 5 năm ngoái, chúng tôi thực hiện được vài dự án lớn. Ví dụ: Phần mềm quản lý trang trại Tôm theo tiêu chuẩn châu Âu với giá trị giai đoạn 1 là 30.000 USD cho một trang trại và thiết bị cho 1 ao nuôi. Đây là dự án chúng tôi thực hiện với một Tập đoàn của Đức đang nhập khẩu tôm thành phẩm.
Farmtech Vietnam đang thực hiện cùng các đối tác đẩy mạnh chuyển đổi số theo từng cây trồng vật nuôi cụ thể như tôm hùm, vải, sầu riêng Khánh Sơn…
Như vậy, có thể thấy, nhận thức của người dân về tầm quan trọng số hóa trong nông nghiệp cũng đang có những chuyển biến tích cực hơn.
Anh có lời khuyên nào với các startup, đặc biệt là startup về ứng dụng công nghệ nông nghiệp 4.0?
- Khi startup, quan trọng nhất là các cộng sự phải đoàn kết, hòa hợp với nhau. Nếu không quản lý được một đội, không kết nối được mọi người thì startup không thể thành công. Thứ 2, khi startup làm việc với nhà đầu tư cần phải giữ lời hứa để có nguồn vốn phát triển. Thứ 3, đặc biệt quan trọng là cần phải tập trung vào một sản phẩm cố định.
Dù ngành nông nghiệp là chủ lực của Việt Nam nhưng hiện ngành này đang được đầu tư nhỏ lẻ và tỷ lệ ứng dụng công nghệ khá thấp. Nông dân không có nhu cầu sử dụng những sản phẩm công nghệ phức tạp hơn. Yếu tố về nhận thức người dùng, trình độ công nghệ cản bước các startup IoT trong ngành này. Hơn nữa việc ứng dụng IoT trong nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn như chi phí R&D lớn và chưa có một bộ tiêu chuẩn cho các sản phẩm như các nước Na Uy, Pháp ...khiến startup khó scale up. Tuy nhiên, muốn scale up được thì cần quay lại bài toán giáo dục thị trường”
Đỗ Trần Anh
Khi bắt đầu khởi nghiệp, tôi vẫn làm một số dự án khác liên quan đến công nghệ và dùng chính thương hiệu của Farmtech Việt Nam để hoạt động. Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng, nếu dùng nhân lực cho những việc khác mà không tập trung chuyên môn cho một dòng sản phẩm cố định để bùng nổ thì startup sẽ thất bại.
Sau đó dần dần tôi tập trung toàn lực cho sản phẩm Mạng giám sát nông nghiệp, ngư nghiệp AEVISOR và từ từ hình thành FMAN. Bởi khi các nhà đầu tư khi bỏ tiền ra, vấn đề không chỉ là ý tưởng mà họ cầm nắm được sản phẩm mẫu hoặc sản phẩm phải hoàn thiện được 80-90% thì khi kêu gọi, họ mới bỏ tiền cho bạn.
Ngoài ra, khi startup, phải giữ lại được phần trăm nhiều nhất cho mình. Bởi sau 3 năm nếu công ty lên sàn chứng khoán, hãy giữ lại tỷ lệ sở hữu nhiều nhất. Nếu cứ thiếu tiền lại bán bớt 10% rồi 10% nữa, đến lúc bán hết 70% rồi, chỉ còn lại 30% thì bạn sẽ nghĩ làm làm gì nữa, làm chỉ nuôi mấy ông nhà đầu tư. Và bạn sẽ nản!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.