“Về quê, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau nhưng sẽ ấm lòng, bớt vất vả cho bà con”

Dũ Tuấn Thứ ba, ngày 05/10/2021 18:52 PM (GMT+7)
Không dùng ngôn từ hoa mỹ sáo rỗng, Bình Định đã có ngay hành động thiết thực khi quyết định đón hàng nghìn người dân ở phía Nam về quê, trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành.
Bình luận 0

Khi những người con tha phương cầu thực lâm cảnh khốn khó, không còn khả năng bám trụ nơi đất khách, quê hương vẫn dang tay, đón họ với trọn vẹn ân tình.

Lúc ngặt nghèo, mới hiểu tấm chân tình

Đêm 20/7, chuyến bay Bamboo Airways đầu tiên chở 196 người dân khó khăn của tỉnh Bình Định đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM hạ cánh an toàn xuống sân bay Phù Cát, xen lẫn niềm vui và nhiều cung bậc nghẹn ngào của cảm xúc.

Những vị khách đặc biệt trên chuyến bay này, chủ yếu là người già, người neo đơn, ốm đau bệnh tật, sản phụ, người thân của nạn nhân tử vong vì Covid-19... không còn khả năng bám trụ ở TP.HCM.

'Về quê, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau' nhưng sẽ ấm lòng, bớt vất vả cho bà con - Ảnh 1.

Những người con Bình Định xa quê mưu sinh được tỉnh này đón về quê, rời khỏi vùng dịch TP.HCM. Ảnh: GN.

Nhiều năm liền mưu sinh ở mảnh đất phồn thịnh trong Nam, vợ chồng chị Lê Thị Định (huyện miền núi An Lão, Bình Định) chưa bao giờ lâm cảnh túng quẫn, kiệt quệ như lúc đại dịch Covid-19 xảy ra.

Chị Định làm công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), còn chồng làm việc tận tỉnh Long An nhưng bị mắc kẹt do dịch bệnh, không thể gặp nhau.

Tại TP.HCM trong thời gian giãn cách, tâm lý người dân xa quê, sống nương nhờ vào những căn phòng trọ chật hẹp rất lo lắng, bởi tình hình dịch phức tạp, số F0 mỗi ngày lên đến hàng ngàn ca.

"Dịch bệnh không có việc làm, khó khăn vây quanh, nghĩ cảnh xa quê tôi chỉ biết ôm con khóc mà không biết xoay sở thế nào. Được đón về quê tận tình, tôi rơm rớm nước mắt biết ơn vì sự quan tâm của Hội đồng hương và lãnh đạo tỉnh Bình Định", chị Định xúc động nói.

'Về quê, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau' nhưng sẽ ấm lòng, bớt vất vả cho bà con - Ảnh 2.

Không dùng ngôn từ hoa mỹ sáo rỗng, Bình Định đã có ngay hành động thiết thực khi quyết định đưa hàng nghìn người dân “Nam tiến” mưu sinh về quê. Ảnh: DT.

Về đến quê hương chỉ hơn 1 giờ đồng hồ bay, nhiều phụ nữ lớn tuổi bán vé số mưu sinh ở các con hẻm tại TP.HCM, vẫn chưa tin mình vừa thoát khỏi vòng xoáy chật vật nơi xứ người.

"Thất nghiệp, ở phòng trọ không có tiền nhưng may mắn được các nhà hảo tâm, mạnh thường quân giúp đỡ gói mì, bao gạo, mớ rau nên cuộc sống tạm ổn. Cầm tấm vé máy bay để về quê, tôi càng xúc động hơn", bà Dương Thị Xuân (quê huyện Hoài Ân) chia sẻ.

Trên tay bế con nhỏ vừa xuống sân bay Phù Cát, chị Hồ Thị Huyền không giấu được niềm vui khi được đặt chân đến quê nhà.

"Được về quê nhà tôi rất mừng, lúc ngặt nghèo mới hiểu tấm chân tình. Nếu không có chuyến bay nghĩa tình này thì không biết khi nào mẹ con tôi mới được về quê. Tôi xin gửi lời cảm ơn đầy trân quý, nghĩa tình của quê hương với những phận người xa quê, quá lớn lao", chị Huyền tâm sự.

'Về quê, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau' nhưng sẽ ấm lòng, bớt vất vả cho bà con - Ảnh 3.

Dòng người vội vã, đong đầy cảm xúc khi được thoát khỏi khó khăn ở nơi đất khách. Ảnh: DT.

Trong khi đó, rời vùng quê miền núi An Lão vào TP.HCM để mưu sinh nhưng chỉ được chừng 4 tháng thì xảy ra dịch bệnh, anh Đỗ Minh Niệm rơi vào cảnh khó khăn, đi không được mà ở cũng không xong.

Ban đầu, anh Niệm làm phụ việc cho quán ăn nhưng hàng quán đóng cửa, lâm cảnh thất nghiệp, muốn về quê nhà nhưng lại không có đủ tiền.

"May mắn, tôi được một người bạn cho ở nhờ tại tiệm cắt tóc nhưng tiệm buộc đóng cửa vì không đủ chi phí, không thể cưu mang tôi được nữa. Giữa lúc khốn khó lại được về quê bằng máy bay, đó là hạnh phúc vô bờ bến", anh Niệm nhớ lại.

Cán bộ 'nhàn', dân biết bấu víu vào ai?

Bình Định là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước, đưa ra quyết định 'táo bạo' nhưng đầy tính nhân văn, thuê máy bay đưa người dân khó khăn rời khỏi TP.HCM về quê tránh dịch.

Ngoài ra, hàng chục chiếc xe Phương Trang nghĩa tình nối đuôi nhau, có cả CSGT Công an tỉnh Bình Định "hộ tống" vào tận TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu… đưa người dân về quê.

Dường như lúc này, mọi mối quan hệ đều không còn khoảng cách, chỉ còn lại tình người cùng nhau vượt qua khó khăn dịch bệnh.

'Về quê, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau' nhưng sẽ ấm lòng, bớt vất vả cho bà con - Ảnh 4.

Những chuyến xe nối đuôi nhau đưa người dân về khu cách ly của quân đội. Ảnh: GN.

Những chuyến xe xuất phát từ Bình Định vào đêm muộn để kịp đến TP.HCM lúc sáng sớm, các cán bộ chiến sĩ CSGT không có giấc ngủ bữa cơm trọn vẹn, họ chỉ tranh thủ chợp mắt trên xe, thay nhau ngồi vào vị trí vô lăng, tất tả vượt qua nhiều cung đường, "gom" người đang ở rải rác các địa phương.

Gạt đi những nỗi lo, họ hăng say lao vào công việc không ngại dịch bệnh, với mong muốn đưa người dân về quê an toàn và nhanh nhất có thể.

Xe chở người dân Bình Định di chuyển trên quốc lộ 1 hàng chục chiếc nối dài đến 5km, không thể liên lạc bằng bộ đàm mà phải dùng điện thoại, với đầy rẫy rủi ro rình rập trên đường... nhưng không ngăn nổi quyết tâm đưa người 'yếu thế' về quê.

'Về quê, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau' nhưng sẽ ấm lòng, bớt vất vả cho bà con - Ảnh 5.

Đêm muộn, lực lượng CSGT rời Bình Định vào TP.HCM để dẫn đoàn đón người dân về quê. Ảnh: HP.

'Về quê, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau' nhưng sẽ ấm lòng, bớt vất vả cho bà con - Ảnh 6.

Đoàn xe đưa người dân Bình Định ở phía Nam về quê gây xúc động 'mạnh' trên những chặng đường đi qua, dài cả 5km. Ảnh: HP.

Trực tiếp tham gia hộ tống đoàn xe đưa người dân rời khỏi TP.HCM với vai trò trưởng đoàn, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định - Thượng tá Ngô Đức Hoài cho biết, đây là chuyến công tác rất đặc biệt mà chắc chắn sẽ không bao giờ quên trong cuộc đời, bởi chưa bao giờ cảm xúc nghĩa tình đồng hương dâng cao đến thế. 

"Nhìn những người yếu thế có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật vào tận trong Nam mưu sinh, phụ nữ mang thai yên tâm về quê trên chuyến xe, chúng tôi có nhiều cảm xúc rất khó tả. Hạnh phúc của những phận đời, phận người được hồi hương trong lúc dịch bệnh là động lực để CSGT, ngành y tế, hội đồng hương, tài xế… quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, may mắn tất cả bà con đều bình an và về quê an toàn", ông Đức Hoài nói.

'Về quê, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau' nhưng sẽ ấm lòng, bớt vất vả cho bà con - Ảnh 7.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đích thân kiểm tra các khu cách ly trước giờ đón người dân về quê. Ảnh: DT.

Theo UBND tỉnh Bình Định, từ tháng 7 đến nay, tỉnh này đã tổ chức 10 chuyến bay, 4 đợt xe (86 chiếc) miễn phí để đón 4.095 người dân đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh thành phía Nam, về quê tránh dịch.

Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh Bình Định là "không ngăn sông cấm chợ", với những người dân thực sự khó khăn, không còn cách về quê, chính quyền tỉnh này sẽ đón về và đưa đi cách ly theo quy định.

'Về quê, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau' nhưng sẽ ấm lòng, bớt vất vả cho bà con - Ảnh 8.

Đoàn xe Phương Trang hàng chục chiếc nối đuôi nhau đưa người dân Bình Định về quê hương. Ảnh: HP.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng từng có nhiều chỉ đạo quyết liệt với thông điệp chống dịch mạnh mẽ: "Kiên định, nghiêm khắc" nhưng đầy tính nhân văn lo cho dân "không bỏ ai ở lại phía sau".

Thông điệp này không phải là những ngôn từ hoa mỹ sáo rỗng mà là hành động thiết thực, thực hiện rất "nhanh chóng, ân cần, chu đáo" trong lúc dịch dã nguy nan và được người dân khen ngợi. Tất cả đều mang đầy ân tình, nặng nghĩa đồng bào, đậm cách sống tử tế của người Bình Định.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho rằng, nhiều người dân khó khăn bị mắc kẹt tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, không việc làm, gặp vô vàn khó khăn, lãnh đạo tỉnh quyết định đón họ về quê.

"Đây là trách nhiệm, tình cảm đối với bà con quê hương, đồng thời cũng là cách chia sẻ khó khăn với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM. Về quê, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau nhưng được về nhà sẽ ấm lòng, giảm bớt khó khăn, vất vả cho bà con", ông Phi Long nói. 

'Về quê, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau' nhưng sẽ ấm lòng, bớt vất vả cho bà con - Ảnh 9.

Dù đang vất vả chống dịch, lãnh đạo Bình Định vẫn quyết định đón người dân khó khăn về quê bởi trách nhiệm, tình cảm và trên cả là nghĩa đồng bào. Ảnh: GN.

Cùng với việc đón người dân về quê, ngay thời điểm này, tỉnh Bình Định đang gấp rút khiển khai 3 nhiệm vụ trọng tâm cuối năm "phát triển kinh tế xã hội, phòng chống dịch và phòng chống bão lũ".

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định khẳng định, khó khăn vất vả sẽ tạo ra môi trường khốc liệt nhưng đây là quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, càng khó bản chất cán bộ càng bộc lộ rõ. Đánh giá được đội ngũ cán bộ, những lúc "nước sôi lửa bỏng", những lúc nhân dân cần.

"Cán bộ nhàn thì dân khổ, cán bộ vất vả thì dân được nhờ, đặc biệt trong phòng chống dịch, nếu muốn nhàn thì cấm hết, 1 hoặc 2 ca thì phong tỏa Chỉ thị 16 nhưng làm như vậy, người dân biết bấu víu vào ai", ông Phi Long nói và yêu cầu: "Là cán bộ phải làm gương, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, tôn trọng và vì cuộc sống tốt đẹp của nhân dân".

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem