Nhật ký giãn cách: Chưa bao giờ, phố thị Quy Nhơn buồn đến thế!

Dũ Tuấn Thứ sáu, ngày 17/09/2021 13:00 PM (GMT+7)
Quy Nhơn với tôi không phải là vùng đất tôi được sinh ra. Đây chỉ là nơi tôi chọn để tá túc tìm kiếm cơ hội mưu sinh, nhưng tôi gọi Quy Nhơn là quê hương, bởi vùng đất này cưu mang, bao bọc tôi như chính tình thương ruột rà vậy.
Bình luận 0

Nợ Quy Nhơn, nợ cả tấm chân tình

Quy Nhơn vào lúc 0h ngày 16/9, đêm đầu tiên ở phường Ngô Mây thực hiện phong tỏa để truy vết F0.

Khu phố bị giăng dây, đường sá vắng lặng khủng khiếp, không gian ảm đạm, cơn gió đầu thu thổi xốc vào tán cây bàng trước cửa xào xạc. Đêm khuya tĩnh mịch khiến tiếng gió nghe rõ mồn một, tôi dường như quên mất mình đang sống ở nơi đông đúc phố thị Quy Nhơn, cảm giác buồn đến nao lòng.

Chỉ mới đây thôi, nơi tôi sống vẫn nhộn nhịp, ngày 12/9 ở phường Hải Cảng xuất hiện ca Covid-19 trong cộng đồng, nhiều phường khác cũng có người nhiễm bệnh, Quy Nhơn bắt đầu "không khỏe". 

Nghe tiếng còi xe công vụ chạy hối hả ngoài đường làm nhiệm vụ, đưa người đi cách ly, truy vết, cả khu phố nhốn nháo, thở dài lo lắng, buồn rầu và đong đầy thương cảm mỗi khi có ca F0, gia đình có người cách ly.

Nhật ký giãn cách: Chưa bao giờ, phố thị Quy Nhơn buồn đến thế! - Ảnh 1.

Hình ảnh con đường Trần Hưng Đạo - tuyến phố lớn ở Quy Nhơn vắng lặng được chụp đêm 15/9. (Ảnh: Dũng Nhân)

Cuộc đời "hỷ, nộ, ái, ố" vốn dĩ quá vô thường, không ai biết trước mọi thứ sẽ biến đổi thế nào, ngày mai rồi sẽ ra sao khi có thể chính mình bỗng dưng trở thành F0. Lúc dịch dã nguy nan khiến con người ta vỡ lở ra nhiều cung bậc thăng trầm của cảm xúc.

Quy Nhơn chưa bao giờ buồn đến thế, người dân gốc Quy Nhơn hay chỉ là khách tá túc chọn vùng đất này làm chỗ trọ mưu sinh, đều có thể cảm nhận được nỗi buồn miên man này.

Tôi đang ở Quy Nhơn nhưng sao vẫn nhớ Quy Nhơn! Nhớ nôn nao phố thị của những ngày đã cũ, đại lộ Nguyễn Tất Thành tất bật xe cộ, bánh xèo tôm nhảy, bánh hỏi lòng heo Diên Hồng, "thiên đường" Ngọc Hân béo ngậy mùi ốc, đường ven biển Xuân Diệu rì rào sóng vỗ, khu phố ăn nhậu Nguyễn Thị Định lòe loẹt ánh đèn, rôm rả thứ âm thanh cảm giác mạnh… tất cả những nơi sầm uất, náo nhiệt về đêm, giờ đang chìm trong im lặng.

Nhật ký giãn cách: Chưa bao giờ, phố thị Quy Nhơn buồn đến thế! - Ảnh 2.

Khu phố ăn nhậu Nguyễn Thị Định sầm uất ở Quy Nhơn, giờ đây vắng vẻ. Trong ảnh là quán ăn từng đón hàng trăm khách đến đây mỗi ngày ở thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. (Ảnh: Dũ Tuấn)

Con phố buồn bã, dòng người lặng lẽ và đầy nỗi lo, thi thoảng chỉ còn lại vài ba cửa hàng nhu yếu phẩm và các quán xá, phục vụ tự mang về. Tòa nhà lớn đóng kín cửa; quảng trường trung tâm im lìm; ngã ba, ngã tư, ngã năm... chỉ còn lại khoảng trống cô đơn, lạc lõng và thưa người qua lại.

Ngoài đường, người lạ hay người thân quen lâu năm đều lầm lũi, hạn chế tiếp xúc gần, chỉ dám chào nhau bằng cử chỉ từ ánh mắt, còn đôi môi và cả khuôn mặt buồn bã, đã ẩn đằng sau lớp khẩu trang dày đặc, kín mít.

Cuộc sống hối hả nơi phố thị đang dần dịch chuyển sang trạng thái tĩnh, nhịp sống chậm lại. Các cụ già tạm quên cảm giác dạo biển thể dục cùng bạn đời buổi sáng sớm; anh trung niên nhớ đến phát "điên" cái vị cay cay nồng nồng của rượu bia, cái bắt tay vỗ vai, tỉ tê hàn huyên chuyện đời với bạn hữu… dù ở rất gần, nhưng không thể tụ tập.

Tất cả, ai cũng từ bỏ thú vui cá nhân và nguyện cầu điều may mắn nhất lúc này là bình yên sẽ đến người thân, bạn bè, chòm xóm… và cho cả phố thị Quy Nhơn.

Nhật ký giãn cách: Chưa bao giờ, phố thị Quy Nhơn buồn đến thế! - Ảnh 3.

Phố thị Quy Nhơn buồn bã, nhiều khu vực phong tỏa bắt đầu xuất hiện để chống dịch. (Ảnh: Dũng Nhân)

Quy Nhơn với tôi không phải là vùng đất tôi được sinh ra. Đây chỉ là nơi tôi chọn để tá túc tìm kiếm cơ hội mưu sinh, nhưng tôi gọi Quy Nhơn là quê hương, bởi vùng đất này cưu mang, bao bọc tôi như chính tình thương ruột rà vậy.

Tôi nợ Quy Nhơn, nợ cả tấm chân tình, thương Quy Nhơn, thương cả con hẻm nhỏ, lụp xụp hàng quán, vang vọng đầy tiếng rao mưu sinh của người xa xứ.

Ở đây, tôi có đồng hương, đồng nghiệp, bạn bè và cả những con người trọng ân tình, họ luôn sẵn sàng dang tay níu lấy, trong lúc bản thân hoạn nạn, cơ hàn nhất.  

Trân quý và yêu mảnh đất này, Quy Nhơn luôn mở lòng bao bọc nhiều phận đời xa quê tá túc, người Quy Nhơn lương thiện, chất phát, thật thà nhưng rất trọng ân tình và điều khác lạ, nơi đây đầy rẫy chuyện tử tế.

Sự tử tế của người Quy Nhơn

Trong phút giây dịch dã nguy nan nhất, tình người ở Quy Nhơn và cả Bình Định lại trỗi dậy chưa từng có, mặc kệ xa lạ giữa dân bản xứ hay người đất khách, họ gắn bó, chia sẻ và yêu thương nhau, cùng vượt qua dịch bệnh.

Tôi từng chứng kiến cảnh bịn rịn, chia tay và cả giọt nước mắt của nhiều đoàn y, bác sĩ ở Bệnh viên Da liễu Trung ương Quy Hòa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định liên tục vào TP. HCM, Bình Dương… chi viện chống dịch.

Lúc quê hương đang có dịch, bản thân họ phải xa gia đình, lao vào vùng dịch ở nơi khác, bỏ lại đằng sau tất cả nỗi lo. Những "chiến sĩ áo trắng" vẫn quyết tâm lên đường, đây không chỉ là nhiệm vụ mà trên cả là nghĩa đồng bào.

Nhật ký giãn cách: Chưa bao giờ, phố thị Quy Nhơn buồn đến thế! - Ảnh 4.

Bức ảnh ý nghĩa được Bí thư Thành đoàn Quy Nhơn Dương Hiệp Hưng đăng tải trên trang cá nhân với thông điệp "Chúng ta sẽ chiến thắng, như chúng ta đã từng chiến thắng các cuộc chiến ác liệt trước đấy". Ảnh: HH.

Có những đêm gió trở mạnh, trời bất chợt nổi cơn dông, sấm chớp ầm ầm, màu vàng vọt sáng vang cả khoảng trời, mưa nặng hạt kéo dài khiến chốt kiểm dịch ở Quy Nhơn bị tốc mái, ngập ngụa nước mưa, bùn đất nhão nhẹt, mọi người í ới gọi tên nhau rồi chìm dần trong bóng tối vì mất điện.

Thế nhưng, lực lượng tuyến đầu tại chốt, vẫn gắng vượt qua cơn mưa lạnh buốt giữa đêm, họ dùng đèn pin thay ánh sáng của điện, truyền cho nhau hơi ấm để công việc không bị gián đoạn.

Cô Sen (52 tuổi), dáng người nhỏ bé, gầy gò, vốn là nhân viên y tế lâu năm công tác ở Trung tâm Y tế miền núi Vân Canh. Ròng rã 21 năm trời, chồng cô bị bệnh u não nên việc đi lại rất khó khăn, không thể nấu ăn, giặt giũ. Con trai duy nhất làm ăn ở xa nên việc chăm nom, cùng chồng chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, đều do mình cô tự lo liệu, gánh vác.

Nhưng khi vùng dịch cần lực lượng y tế chi viện, cô Sen gật đầu đi ngay, gạt nước mắt và nỗi lo, gửi chồng sang bên nhà họ hàng, chẳng ngần ngại lao đến vùng dịch.

Chồng cô cũng đồng ý việc này, khi tôi thắc mắc: "Sao cô không lo cho gia đình trước mà phải hy sinh?", cô chỉ nói ngắn gọn: "Sứ mệnh ngành y, không thể chần chừ". 

Những hy sinh thầm lặng vô vàn của cô Sen hay lực lượng tuyến đầu chống dịch như: ngành y tế, công an, quân đội, đoàn viên thanh niên… không bao giờ đong đếm hết.

Nhật ký giãn cách: Chưa bao giờ, phố thị Quy Nhơn buồn đến thế! - Ảnh 5.

Đêm muộn, lực lượng tuyến đầu chống dịch cần mẫn lấy mẫu test Covid-19 cho cháu nhỏ ở Quy Nhơn. Ảnh: HH.

Bữa cơm muộn thiếu trước hụt sau, lặng lẽ chia nhau từng mẩu bánh mì nhỏ, niềm vui, nỗi buồn, tá túc ở các điểm test nhanh, trạm y tế, ăn uống tạm bợ, chỉ để lo cho dân.

Nhân viên y tế trong lúc chống dịch đã mắc Covid-19 khi tiếp xúc với bệnh nhân, vẫn gắng làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng.

Tôi nhớ như in các khuôn mặt in hằn dấu vết khẩu trang vì đeo quá lâu, làn da cháy nắng bỏng rát, mồ hôi ướt đẫm vai áo, có người đuối sức, mệt mỏi vì bộ quần áo bảo hộ nóng bức, phải mặc ròng rã cả ngày trời.

Thức trắng ở chốt kiểm dịch, đêm muộn chẳng ngại xông pha đến tận vùng phong tỏa, giúp dân truy vết F0... Những dấn thân, hy sinh ấy, chỉ có chính họ mới cảm nhận đủ đầy và cảm thông nhau, trong tất cả tình huống vất vả đã trải qua.

Nhật ký giãn cách: Chưa bao giờ, phố thị Quy Nhơn buồn đến thế! - Ảnh 6.

Quy Nhơn thưa thớt người ra đường, buồn đến nao lòng những ngày giãn cách. (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Còn ở điểm phong tỏa, người Quy Nhơn sống chan hòa như nhịp sống vốn có, không hề có chuyện chống đối, cằn nhằn to tiếng trong lúc lấy mẫu test nhanh Covid-19, chia sẻ nhau từng lon gạo, bó rau muống, thậm chí cốc trà, ly nước... giản dị, đơn sơ nhưng ấm áp vô cùng.

Các nơi trọ chứa những người mưu sinh xa quê, chủ trọ giàu lòng nhân ái chủ động giảm tiền nhà, mạnh thường quân từ khắp nơi cũng gom góp, chi viện nhu yếu phẩm cho người dân khó khăn, nở rộ các "shipper 0 đồng" đi chợ miễn phí, bếp ăn tình nguyện, thanh niên ra đồng gặt lúa giúp nông dân…

Để kể hết những chuyện tử tế trong mùa dịch tại vùng đất này rất khó, bởi nếu kể thì chắn chắn sẽ thiếu sót. Tất cả đều mang đầy ân tình, nặng nghĩa đồng bào, đậm cách sống tử tế của người Quy Nhơn, người Bình Định.

Khi mọi sân si, ganh ghét, đố kị, hơn thua trong cuộc sống thường nhật ở phố thị Quy Nhơn đang dần nhường chỗ cho những việc tử tế, đồng lòng chống dịch thì sẽ sớm thôi, nơi đây không còn cảnh giăng dây, cách ly hay phong tỏa ở các khu phố.

Người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Định từng nhiều lần cam kết, chống dịch với thông điệp: "Kiên định, nghiêm khắc" nhưng đầy tính nhân văn lo cho dân "không bỏ ai ở lại phía sau"... 

Tôi tin tỉnh này sẽ nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. 

Quy Nhơn ơi, bình yên nhé!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem