Chủ tịch Cần Thơ Trần Việt Trường nói về các chính sách đặc thù sắp được Quốc hội thông qua

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 04/01/2022 14:22 PM (GMT+7)
Trong kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV (4-11/1), Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo “Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ”. Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ về vấn đề này.
Bình luận 0

Ông có thể cho biết những điểm cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ?

- TP.Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngoài ra, thành phố đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường hàng không.

Chủ tịch Cần Thơ Trần Việt Trường nói về các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố sắp được Quốc hội thông qua - Ảnh 1.

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây

Tuy nhiên, thời gian qua, TP.Cần Thơ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp, phát triển của ngành dịch vụ chưa tạo được sự đột phá, chưa trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành của vùng. 

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị còn yếu kém, thiếu bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, hiện đại, chất lượng chưa cao. Theo đó, TP.Cần Thơ chưa thực sự trở thành đô thị hạt nhân liên kết và kết nối vùng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các hạn chế nêu trên là cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố chưa đủ mạnh để tạo ra động lực mới cho phát triển, nhất là trong thu hút đầu tư.

Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đề ra mục tiêu "Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL…".

Để cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý cho TP.Cần Thơ trình Quốc hội xem xét, ban hành nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển TP.Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ gồm những nội dung chính gì, thưa ông?

- Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, sẽ thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ về: Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; Quản lý đất đai; Quản lý quy hoạch; Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; Ưu đãi, hỗ trợ nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ; Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.

Chủ tịch Cần Thơ Trần Việt Trường nói về các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố sắp được Quốc hội thông qua - Ảnh 2.

Chủ tịch Cần Thơ Trần Việt Trường thăm các doanh nghiệp trên địa bàn TP.Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây

Các cơ chế, chính sách này là giải pháp tăng thẩm quyền, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương trong việc chủ động và phản ứng nhanh, thích ứng kịp thời với những yêu cầu cấp bách về nguồn lực đất đai, từ đó tạo môi trường thông thoáng cho địa phương để thu hút các dự án đầu tư.

Các cơ chế, chính sách còn giúp tạo nguồn lực cho TP.Cần Thơ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhất là phát triển nhanh kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền.

Riêng về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP.Cần Thơ, dự kiến hình thành giai đoạn 1 với tổng diện tích khoảng 450 ha, dự kiến thu hút khoảng 150 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, sơ chế, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản, với tổng vốn đăng ký dự kiến trên 1,5 tỷ USD.

Nơi đây sẽ có ưu đãi đặc thù, vượt trội. Tổng số lao động dự kiến sẽ thu hút vào Trung tâm là trên 30.000 lao động, dự kiến hàng năm khi đi vào hoạt động đủ công suất sẽ tạo doanh thu trên 3 tỷ USD, trong đó doanh thu từ hoạt động xuất khẩu nông sản khoảng trên 1,5 tỷ USD, ước thực hiện các nghĩa vụ thuế nộp ngân sách Nhà nước hằng năm đạt 1.500 tỷ đồng.

Ông có thể dự báo tác động của việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố?

- Nếu có các cơ chế, chính sách phát triển đặc thù như trên, sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thành phố và có ý nghĩa lan tỏa đối với cả vùng ĐBSCL nói chung, bởi vì Cần Thơ là đầu mối, là "thủ phủ" của cả vùng.

TP.Cần Thơ sẽ tạo ra được các động lực mới, các bước đột phá thực sự để phát triển nhanh và bền vững hơn. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng GRDP đạt mức trên 7%, vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%/năm, phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao, GRDP/người đạt trên 10.000 USD vào năm 2030.

Ngoài ra, tỷ lệ đô thị hóa đạt 80%, 100% số hộ được cung cấp đầy đủ nước sạch, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 100%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85 - 90%, về cơ bản không còn hộ nghèo và hầu hết chất thải rắn được thu gom và xử lý.

Sau khi các cơ chế, chính sách đặc thù nói trên được Quốc hội xem xét ban hành, về phía TP.Cần Thơ sẽ triển khai thực hiện các công việc ra sao?

- Chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố ngay sau khi được Quốc hội thông qua nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức từ thành phố đến cơ sở về tầm quan trọng của những cơ chế, chính sách này. Từ đó, người dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tham gia thực hiện phát triển thành phố đúng định hướng đề ra.

Thành phố sẽ cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù này bằng những chương trình, kế hoạch, đề án, dự án cụ thể. Trên cơ sở đó, giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp có liên quan triển khai thực hiện một cách cụ thể nhất để đảm bảo phát huy tối đa lợi ích của các cơ chế, chính sách đặc thù này, phát huy hiệu quả cao nhất, để đẩy mạnh phát triển TP.Cần Thơ.

Đặc biệt là đảm bảo cơ chế liên kết, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù giữa ngành chức năng của TP.Cần Thơ với Trung ương. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kịp thời đề xuất, kiến nghị với Trung ương những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu xây dựng và phát triển TP.Cần Thơ đến năm 2030 là "thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc".

Tầm nhìn đến năm 2045, TP.Cần Thơ "là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem