Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Ba bài học dành cho doanh nghiệp công nghệ muốn thành công khi ra thế giới

Khải Phạm Thứ sáu, ngày 24/02/2023 07:25 AM (GMT+7)
FPT là doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tiên ra đi ra thế giới với những sản phẩm của mình. Để có thành công như hiện nay, FPT đã phải trải qua không ít khó khăn, thất bại và đúc kết những bài học xương máu.
Bình luận 0

Ngày 23/2/2023, Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức chính thức khai mạc. Trong khuôn khổ Hội nghị lần này, để thúc đẩy những doanh nghiệp số Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, người đứng đầu của FPT đã có những chia sẻ, bài học kinh nghiệm của người tiên phong.

FPT - Doanh nghiệp công nghệ số tiên phong ra thế giới

Tại Hội nghị, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT cho rằng, hơn 23 năm trước, FPT có một ước mơ đi ra biển lớn để ghi tên Việt Nam vào bản đồ số thế giới.

Ngay trong tháng 1/2000, FPT đã mở 2 chi nhánh ở Bangalore, lúc đó là thủ phủ phần mềm của Ấn Độ và Silicon Valley ở California, Mỹ -thủ phủ của công nghệ khởi nghiệp lúc bấy giờ.

"Đây là câu chuyện một chú chim nhỏ của Việt Nam mang tên FPT, trong vòng 2 năm đầu tiên chúng tôi không ký được bất cứ hợp đồng nào và tiền ngân sách dành cho việc đi ra thế giới đã hết. Lúc đó, FPT chỉ có 4 kỹ sư phần mềm trong 7.000 kỹ sư của Việt Nam. Rất nhiều người trong FPT lúc đấy hoảng sợ và định buông bỏ", ông Bình kể lại.

Động lúc duy nhất đối với những thành viên của FPT khi đó chỉ còn là "Niềm tin", người Ấn Độ làm được thì Việt Nam cũng phải làm được. Đồng thời, FPT cũng nhận được lời động viên từ những chuyên gia phần mềm Ấn Độ và họ tin Việt Nam sẽ làm được, đó là động lực lớn giúp FPT thực hiện ước mở toàn cầu hóa.

Chủ tịch FPT: Ba bài học dành cho doanh nghiệp công nghệ muốn thành công khi ra thế giới - Ảnh 1.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT đúc rút ba bài học dành cho doanh nghiệp công nghệ muốn thành công khi ra thế giới.

"Khó khăn lúc đấy từ việc không bán được hàng, cả người của FPT và người Mỹ bản địa đều không bán được. Chính vì thế, đích thân tôi sẽ bán bằng hình thức khác, đó là 1 tháng tôi dành 1 nửa thời gian ở nước ngoài và gặp vài chục công ty trong thời gian đó. Lúc đó tôi có ý nghĩ cứ làm loạn may ra thì được, nhưng bế tắc khi kể cả như thế cũng không được", ông Bình nói về khó khăn.

Nói về hợp đồng đầu tiên ở nước ngoài, Chủ tịch FPT cho biết đó là sự đánh đổi bằng việc mua phần cứng.

"Tôi nói với công ty IBE, nếu ông mua 1 USD phần mềm của tôi thì tôi sẽ mua 1.000 USD phần cứng của ông. Đó là lần đầu tiên FPT có 1 hợp đồng, tuy rất nhỏ nhưng nó đã động viên tôi, IBE mà mua được thì cớ gì các công ty khác không mua được", ông Trương Gia Bình tự hào chia sẻ.

Ngoài Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản cũng là một thị trường mà FPT muốn vươn tới, nhưng việc làm việc với các công ty ở rất khó và họ từ chối khéo.

"Công ty Nhật Bản nói, chúng tôi muốn làm việc được với các ông thì phải học tiếng Anh. Sau này khi học được chúng tôi sẽ làm việc với các anh. Đó là câu từ chối khéo nhưng thẳng thừng là không hợp tác của Nhật Bản", Chủ tịch FPT nhớ lại.

Đó chưa phải là dấu chấm hết với các công ty như FPT muốn thâm nhập thị trường Nhật Bản. Người đứng đầu FPT nảy ra ý tưởng học tiếng Nhật để có thể giao tiếp và bán hàng được ở đây. Việc học tiếng Nhật chính là bước mở cho FPT tiến đến thị trường này. Cũng chính vì thị trường Nhật mà FPT xin Chính phủ cho thành lập trường Đại học FPT là trường đầu tiên có kỹ sư phần mềm nói tiếng Nhật và trở thành trung tâm đào tạo tiếng Nhật lớn nhất thế giới ngoài Nhật Bản.

Tuy nhiên, để thành công ở đây phải làm những việc mới mẻ như việc 10 năm trước FPT chuyển sang những công nghệ như AI, BigData... Khi nói về những việc lớn như vậy được các công ty Nhật Bản mời làm con chip ô tô... Do đó, ô tô chạy trên toàn thế giới là có lệnh phần mềm của FPT.

"Ngoài việc làm phần mềm chip ô tô, FPT dần dần thiết kế vỏ xe, nội thất xe, làm hệ thống bảng điện tử và nắm chuẩn mực ô tô. Đặc biệt, gần đây FPT phát hiện ra ô tô là ngành AI mới vô cùng to lớn. Trên ô tô có hệ thống truyền thông, có chuẩn để giải quyết các bài toàn với tốc độ cực kỳ nhanh của ô tô tự lái và mở ra cơ hội không giới hạn", ông Trương Gia Bình nhận định.

Giờ đây, người ta không hỏi người Việt Nam và chỉ hỏi có làm được việc này không và giá đúng bằng người Ấn Độ. Đó là sự ghi nhận những cố gắng của FPT ở thị trường thế giới khi mang những sản phẩm công nghệ số của Việt Nam ra biển lớn.

Công nghệ số hiện nay là thị trường không giới hạn: "Con chim nhỏ bay ra rất sợ hãi vì gió, nhưng có ngày nó sẽ rất cao", ông Bình chia sẻ.

Kết luận bài tham luận, ông Trương Gia Bình chia sẻ 3 bài học dành cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam muốn ra thế giới gồm:

Thứ nhất, người lãnh đạo cao nhất của công ty phải ra nước ngoài, dành thời gian để tìm hiểu mới mong có hợp đồng. "Bây giờ Chủ tịch/Tổng giám đốc không chỉ phải ra chợ mà khách hàng lớn ở đâu, nhà chúng tôi ở đấy, hàng ngày nói chuyện với khách hàng".

Thứ hai, muốn thành công phải nói ngôn ngữ bản địa: "Trên thế giới, những khu vực nói tiếng Anh tốt thì sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt".

Thứ ba, thay vì nói về IT hay nói về chuyển đổi số, ô tô, Blockchain... thì sẽ tăng trưởng.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài thì Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phải đi ra trước

Kết thúc tham luận, chia sẻ kinh nghiệm, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT đã có 2 kiến nghị dành cho những người đứng đầu.

Thứ nhất, Chủ tịch FPT mong muốn Chính phủ đầu tư ChipLap: "Tương lai lớn nhất trong những năm tới của Việt Nam sẽ là thiết kế chip".

Thứ hai, ngành công nghiệp phần mềm đang phát triển rất mạnh nếu "Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đích thân dẫn quân tiến ra thế giới".

Chủ tịch FPT: Ba bài học dành cho doanh nghiệp công nghệ muốn thành công khi ra thế giới - Ảnh 2.

Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. Ảnh Khải Phạm.

Đáp lại tham luận của Chủ tịch FPT, Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” cũng là buổi mà Bộ TT&TT dẫn quân ra nước ngoài.

"Lần đầu tiên đi ra thế giới, thì phải là người lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp số đó đi ra trước. Đi mở thị trường, 10 cái mới được 1 nên người đứng đầu Tập đoàn, doanh nghiệp luôn phải tiên phong.

Thực tế, những doanh nghiệp đã thành danh của nước ngoài thì lại ngược lại khi họ đưa nhân viên đi trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam học cách đấy sẽ thất bại vì chúng ta không có tên. Cũng như việc một doanh nghiệp nước ngoài nói tiếng Anh thì doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải đi ngược lại nói tiếng bản địa.

Nói tóm lại, chúng ta phải đi con đường riêng của mình và ngược lại với những doanh nghiệp nước ngoài đã thành công", Bộ Trưởng khẳng định.

Chung quan điểm với Chủ tịch FPT, Bộ trưởng cho rằng muốn doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài thì người đi đầu sẽ phải "cầm quân".

"Câu chuyện doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài thì Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phải đi ra trước, chả có cách nào khác. Từ năm nay, mỗi tháng Bộ TT&TT sẽ tổ chức 1 sự kiện trong hoặc ngoài nước để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đi ra thế giới", Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem