Chủ tịch Hà Nội có quyền gì trong quản lý, sử dụng tài sản công ?

Hoàng Thành Thứ năm, ngày 05/07/2018 17:21 PM (GMT+7)
Chiều 5.7, với tỷ lệ 95,1% số đại biểu tán thành, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của TP.
Bình luận 0

Cụ thể, Nghị quyết này quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định trong việc quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của TP như: mua sắm, thuê, giao, thu hồi, bán, thanh lý... Đối tượng áp dụng gồm các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật về hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp - tổ chức - cá nhân có liên quan tới quản lý và sử dụng tài sản công.

img

Sáng 5.7, Kỳ họp thứ 6, HĐND TP Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 chính thức khai mạc tại trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội. Ảnh: Thành An

Nghị quyết quy định nếu mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án đầu tư sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan. 

Đối với việc mua sắm tài sản công là nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp và tài sản gắn liền với dất, xe ô tô thì Chủ tịch UBND TP có quyền quyết định nhưng phải nằm trong định mức do Chính phủ hoặc UBND TP ban hành theo thẩm quyền và trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước hàng năm được giao.

Riêng đối với việc mua sắm các tài sản công thuộc Danh mục mua sắm tập trung (cấp quốc gia hoặc cấp TP), các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện theo quy định của Trung ương và TP về mua sắm tập trung.

Về thẩm quyền quy định thuê tài sản công, Chủ tịch UBND TP quyết định việc thuê nhà, đất sử dụng làm trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước và trụ sở làm việc cùng công trình sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP quản lý, trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính.

Trong trường hợp thu hồi tài sản công, Chủ tịch UBND TP có quyền ra quyết định thu hồi, bán cũng như điều chuyển tài sản là nhà, đất là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp và các tài sản khác gắn liền với đất, xe ô tô và các tài sản khác của các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP trong trường hợp phải thu hồi. 

img

Đại biểu HĐND TP.Hà Nội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết tại kỳ họp thứ 6.

Riêng đối với nhà, đất là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp và các tài sản khác gắn liền với đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TP có giá trị từ 200 tỷ đồng trở lên/1 đơn vị tài sản, Thường trực HĐND TP sẽ có văn bản thống nhất về chủ trương để Chủ tịch UBND TP quyết định bán đấu giá và báo cáo HĐND TP tại kỳ họp gần nhất.

Đối với thẩm quyền thanh lý tài sản công, Giám đốc Sở Tài chính  quyết định thanh lý tài sản gồm: Trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp hoặc các tài sản gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước nhằm thực hiện dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng hoặc các trường hợp khác theo quy định. Bên cạnh đó Sở cũng có quyền thanh lý ô tô của các cơ quan trực thuộc TP.

Ngoài ra, trong Nghị quyết cũng có quy định đáng chú ý về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công trình một số lĩnh vực như kết cấu hạ tầng giao thông và thủy lợi. 

Cụ thể, Chủ tịch UBND TP có quyền quyết định bán đấu giá hoặc sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT. Đối với tài sản có giá trị từ 200 tỷ đồng trở lên sẽ được báo cáo HĐND tài kỳ họp gần nhất.

Bên cạnh đó Chủ tịch UBND TP cũng có quyền phê duyệt đề án cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác; quyết định điều chuyển, thanh lý... thuộc TP quản lý hoặc tài sản kết cấu hạ tầng thuộc quyền quản lý của từ 2 quận , huyện, thị xã trở lên, trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính.

Hà Nội: Siết chặt quản lý tài sản công

Cuối năm 2017, UBND TP.Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu tăng cường quản lý, sử dụng nhà, đất và trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 2.11.2016 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 16.3.2017 của UBNDTP Hà Nội về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công và các văn bản chỉ đạo có liên quan khác của Chính phủ và thành phố.

Các đơn vị, báo cáo kết quả thực hiện về phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại các Quyết định của UBND TP về: Phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa (nếu có); phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp....

Đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt phương án xử lý nhà, đất theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, ngoài báo cáo theo các nội dung và mẫu biểu quy định tại Điểm c, Khoản 1 ở trên, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm đánh giá hiệu quả kinh tế và xã hội thu được từ việc bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; từ đó, phân tích những ưu điểm, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong việc thực hiện bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và đề xuất kiến nghị các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế để UBND TP.Hà Nội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo thực hiện.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở liên quan triển khai công việc cụ thể đến các đơn vị; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, phân tích, báo cáo UBND TP.Hà Nội về kết quả thực hiện phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem