Chủ tịch Masan lý giải nguyên nhân khiến người nuôi lợn lỗ nặng

Quốc Hải Thứ hai, ngày 24/04/2017 18:30 PM (GMT+7)
"Vấn đề lớn nhất đối với người chăn nuôi tại Việt Nam hiện nay là hiệu suất chăn nuôi vẫn quá thấp"- ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan đã chia sẻ như trên tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017 của Tập đoàn Masan diễn ra hôm nay 24.4.
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan nói về câu chuyện ngành chăn nuôi heo Việt Nam (Ảnh: Quốc Hải)

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017 của Tập đoàn Masan diễn ra hôm nay 24.4, các chuyên gia đã mổ xẻ những vấn đề liên quan đến giá thịt lợn giảm sâu thời gian gần đây khiến người nông dân Việt Nam khốn đốn.

Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan cho biết, vấn đề lớn nhất đối với người chăn nuôi tại Việt Nam hiện nay là hiệu suất chăn nuôi vẫn quá thấp. Theo ghi nhận của Tập đoàn, hiện một lợn nái của người chăn nuôi hiện nay chỉ sinh sản vào khoảng 19 con/năm, thấp hơn trung bình thế giới rất nhiều khi họ nuôi lợn đẻ bình quân tới 30 con/năm và Đan Mạch có thể nuôi lợn đẻ đạt hiệu suất tới 40 con/năm.

“Nếu chăn nuôi lợn không có hiệu suất thì có thể người nông dân sẽ chỉ thành công trong một giai đoạn thuận lợi nào đó, nhưng rồi sẽ gặp khó khăn, rủi ro khi gặp ơhair chu kỳ giảm giá”, ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, nếu người nông dân học theo “kỹ thuật” nuôi lợn của Masan thì chắc chắn sẽ đạt hiệu quả tốt hơn vì đây là quy trình được chuyển giao từ Pháp, có thể nâng hiệu suất chăn nuôi lợn nái đẻ đạt từ 19 con/năm lên 21 con/năm. Với hiệu suất này thì chắc chắn người nông dân sẽ bớt khó khăn hơn.

img

Giá thịt heo trên thị trường Việt Nam theo khảo sát của Masan (Ảnh: Quốc Hải)

Trong khi đó, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Ủy ban Tăng trưởng bền vững của Tập đoàn Masan lý giải, có nhiều nguyên nhân khiến giá thịt lợn giảm sâu, trong đó tâm lý người tiêu dùng cũng rất quan trọng. Thực tế, hiện thịt có thương hiệu chỉ chiếm dưới 1% tổng mức tiêu thụ hàng ngày, trong khi đó mức giá mà người tiêu dùng phải bỏ ra lại rất cao để tiêu dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa rõ chất lượng. Đây là một điều bất công rất lớn với người tiêu dùng khiến họ ngày càng muốn tìm đến những sản phẩm sạch, an toàn.

“Tuy nhiên, tôi vẫn lưu ý là sạch và an toàn chưa chắc đã gắn liền với nhau. Sạch có thể là cảm nhận của chúng ta còn an toàn nó thuộc về tiêu chuẩn. Tôi nghĩ muốn sạch thì tiêu chuẩn đầu tiên chúng ta đạt được phải là an toàn. Muốn là tốt những điều này thì chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa việc truy xuất nguồn gốc; đồng thời cũng phải có cam kết về trách nhiệm của doanh nghiệp thì khi đó người tiêu dùng sẽ tin tưởng hơn với sản phẩm”, ông Trai nói.

Tại đại hội, ông Trai cũng tự nhận trách nhiệm liên quan đến việc xây dựng trang trại lợn ở Nghệ An khi chưa được phép khiến doanh nghiệp này bị phạt 400 triệu đồng. “Tôi xin nhận trách nhiệm về mình khi đã quá nóng vội với dự án”, ông Trai nhận trách nhiệm trước cổ đông.

Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt hành chính 400 triệu đồng với Công ty TNHH Masan Nutri - Farm Nghệ An, thuộc Tập đoàn Masan do xây dựng trại nuôi lợn vi phạm quy định bảo vệ môi trường. Đây là dự án được khởi công ngày 5.11.2016 với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, trên diện tích hơn 223ha tại xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp.

Dù vẫn chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng dự án đã thi công rầm rộ nên đã vi phạm Luật bảo vệ môi trường năm 2014.

Một cổ đông dự đại hội đặt thẳng vấn đề với Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang: “Có thông tin rằng Masan đứng đằng sau vụ nước mắm truyền thống và công nghiệp, ông có thể giải thích rõ thông tin này có hay không?”. Trả lời vấn đề này, một lần nữa ông Quang khẳng định: Masan không hề đứng sau vụ này, đây chỉ là tin đồn vô căn cứ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem