Khảo sát riêng của Dân Việt: Ai đang "ăn" nhiều nhất vào giá lợn?

Nguyên Vỹ - Thuận Hải Thứ hai, ngày 24/04/2017 07:30 AM (GMT+7)
Báo NTNN/Dân Việt ra ngày 22.4 thông tin: Suốt 1 năm qua, giá thịt lợn hơi sụt giảm tới mức thê thảm, khiến bà con nông dân khốn đốn, tuy nhiên có một điều khó hiểu là giá bán thịt lợn ngoài chợ dân sinh, siêu thị vẫn không hề giảm... Vậy ai đang chi phối và kiếm lời từ sự bất hợp lý này?.
Bình luận 0

Chênh lệch vào tay ai?

Tại Đồng Nai, giá lợn hơi đang dao động ở mức 25.000 – 28.000 đồng/kg. Tại một số tỉnh miền Bắc, có nơi người dân chỉ bán lợn được với giá 22.000 – 25.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi con lợn bán ra người nuôi bị lỗ 1,8 – 2 triệu đồng. Càng nuôi nhiều, người dân càng lỗ lớn. Điều nghịch lý là giá thịt lợn ở các chợ và các siêu thị vẫn ở mức cao, từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, trong khi đáng ra giá thịt lợn miếng phải giảm theo giá lợn hơi.

img

Giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn đang ở mức cao
(ảnh chụp tại chợ Nghĩa Tân, Hà Nội).   Ảnh: V.T 

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Đỗ Đức Trinh - hộ chăn nuôi ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho rằng đang tồn tại sự bất hợp lý trong giá bán xuất chuồng và tiêu thụ thịt lợn. Ngay cả người dân địa phương khi ra chợ Dốc Mơ mua thịt vẫn phải trả cho người bán 70.000 – 80.000 đồng/kg.

Ông Trinh đặt vấn đề, các công ty thường yêu cầu thu mua lợn chất lượng là loại đạt tỷ lệ 75% thịt nạc. Giả sử đánh đồng lợn của nông hộ chỉ đáp ứng được 60% thịt nạc trên 1 con (100kg); với giá tính 27.000 đồng/kg, như vậy người mua chỉ tốn khoảng 1,62 triệu đồng là được sử dụng 60% thịt nạc này.

“Nhưng khi chúng tôi thắc mắc, còn bị người thu mua hỏi ngược lại rằng ông có biết đưa một con lợn từ Đồng Nai đi Nha Trang, Vũng Tàu, TP.HCM.., phải gánh thêm bao nhiêu chi phí không? Vậy những khoản chênh lệch đang vào tay ai?” - ông Trinh đặt câu hỏi.

Theo ông Nguyễn Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, năm ngoái giá lợn hơi tăng cao, lời nhiều nên người nuôi đua nhau tăng đàn. Giờ thị trường tiêu thụ khó khăn, hàng bị dồn ứ nên dẫn tới giá giảm. Đáng nói là khâu lưu thông từ trước đến nay luôn bị “bàn tay” của cánh thương lái điều tiết nên khi giá xuống, chỉ có người nuôi và người tiêu dùng chịu thiệt, chứ không phải do phí vận chuyển, bởi Luật Thú y đã quy định tiêu thụ phạm vi trong tỉnh không thực hiện kiểm dịch nữa.

“Giá thành chăn nuôi được cấu thành từ các khoản như thức ăn, con giống... Khâu lưu thông hiện chủ yếu do thương lái “điều khiển” nên thương lái là đối tượng hưởng phần lợi nhuận này” - ông Quang khẳng định.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Tiển - Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn  (TP.HCM) cho rằng cần có sự ràng buộc trách nhiệm của thương lái trong chuỗi cung ứng thịt lợn. “Thương lái nổi tiếng với 3 không: Không gian hàng, không giấy phép kinh doanh, không đóng thuế. Và cũng không ai nắm rõ họ, trong khi lực lượng này bỏ vào thị trường một lượng tiền lớn để tổ chức lưu thông thịt lợn” - ông Tiển nói.

Nhiều khoảng trống chưa minh bạch

Mặc dù vậy, ông Đỗ Đức Trinh cho rằng lực lượng trung chuyển, thương lái chưa chắc đã hưởng hết phần lời, họ chỉ là một mắt xích trong khâu phân phối và cũng phải chi phí cho rất nhiều mắt xích khác. “Chính sách là một chuyện, nhưng trong thực tế vận chuyển con lợn từ chuồng nuôi ra đến nơi tiêu thụ, họ có phải tốn chi phí “bôi trơn”, “mãi lộ”... hay không? Vấn đề “bôi trơn” vẫn là hạn chế lớn của môi trường kinh doanh nước ta hiện nay, không riêng gì ngành chăn nuôi mà cả nhiều ngành khác nữa” - ông Trinh nói.

Thắc mắc vì sao giá lợn hơi giảm mà thịt lợn bán ở chợ không giảm, chị Nguyễn Thị Dung - tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, giá mua lợn hơi tại chuồng hiện là 2,5 triệu đồng/con (lợn 100kg). Sau khi giết mổ, thịt móc hàm (bỏ hết nội tạng ra bán riêng) còn khoảng 75kg. Nếu xẻ ra thì thịt mông, vai, ba chỉ, chân giò bán được 80.000 đồng/kg, thăn 90.000 đồng/kg, sườn 100.000 đồng/kg, xương cục 55.000 đồng/kg, xương đầu 40.000 đồng/kg...

Nếu cào bằng giá 80.000 đồng/kg, tính ra, một con lợn ngoài chợ bán được khoảng 6 triệu đồng/kg. Trừ đi giá mua tại chuồng, khâu tư thương lãi khoảng 3,5 triệu đồng. Song, số tiền lãi đó chia cho nhiều khâu trung gian, dù mua lợn tại trang trại ở ngoại thành Hà Nội, chỉ với quãng đường 20-30km cũng phải qua ít nhất 3 khâu trung gian. “Những khâu trung gian đầu không chịu giảm giá thì tiểu thương ở chợ cũng không thể giảm được” - chị Dung nói.

Ông Trần Văn Lành - chủ trại heo ở thị xã Long Khánh (Đồng Nai) cho rằng, khoản lời từ chính lực lượng thu gom lợn để bán cho lò mổ và từ lò mổ bán sỉ cũng phải được minh bạch. Hiện nay nhiều tư thương tự lập lò mổ, tự bỏ chi phí ra thu gom lợn hơi, chịu trách nhiệm chất lượng con lợn nên họ có quyền quyết định giá bán. Nếu lò mổ vẫn bán cho người bán sỉ giá cao thì đương nhiên, người dùng vẫn phải mua giá cao.

Theo dự kiến, chiều nay 24.4, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường sẽ họp bàn với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm để bàn biện pháp giảm giá thức ăn, tăng cường khả năng mổ, tích trữ thịt lợn cấp đông nhằm cứu giá lợn hơi trong nước. Trước đó, Bộ NNPTNT cũng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ trình một số giải pháp để "giải cứu đàn lợn".

“Một thực tế là giá thành mỗi con lợn có tăng hay giảm bao nhiêu thì lực lượng này vẫn có lời. Tiền vẫn vào túi người thu gom và giết mổ lợn, chỉ có người nuôi và người dùng thì không được chia sẻ” - ông Lành nói.

Ông Huỳnh Tấn Chữ, thành viên Tổ GAHP Phú Mỹ, xã Xuân Lộc (huyện Long Khánh) bổ sung thêm: “Ở khâu đại lý bán cám cũng góp phần vào khoản chênh lệch này. Người dân không thể biết tỷ lệ chiết khấu là bao nhiêu khi công ty giao cám chăn nuôi cho đại lý. Người nuôi không phải ai cũng tiếp cận được nguồn cám giá sỉ tại công ty. Công ty thì lại cần đại lý làm đầu nậu phân phối cám, nhưng không quản lý giá bán từ đại lý đến người nuôi”.

Vì thế, ông Chữ nhấn mạnh phải tổ chức lại khâu tiêu thụ để đảm bảo lợi ích, công sức người nuôi đã bỏ ra. Nếu không hài hòa được lợi ích giữa các bên, người nuôi và người tiêu dùng vẫn tiếp tục chịu thiệt.

Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm trong khâu tiêu thụ, để giảm bớt các khâu trung gian, kiểm soát việc giết mổ, vệ sinh nơi bán… Từ đó, đơn vị nào vi phạm thì rút giấy phép kinh doanh. "Các nước chỉ tiêu tốn 2,2kg thức ăn cho mỗi kg tăng trọng nhưng ở Việt Nam thì tốn tới 2,8 - 3kg, làm sao kéo xuống 2,4kg thức ăn/kg thịt thì giá thành chăn nuôi sẽ giảm xuống. Về lâu dài, cần tổ chức lại chuỗi sản xuất, nâng cao năng suất để tăng hiệu quả" - ông Công kiến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem