Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tặng mũ rơm cho học sinh đoạt giải quốc tế

Thứ ba, ngày 01/12/2015 08:12 AM (GMT+7)
Chiều ngày 30/11, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt Trần Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân, đã có buổi gặp gỡ ấm cúng với đoàn học sinh đoạt giải Olympic quốc tế và học sinh đạt kết quả xuất sắc nhất kì thi THPT quốc gia năm 2015.
Bình luận 0

Chúng em muốn đi du học

Có thể nói, du học là mong muốn của tất cả những học sinh có mặt trong buổi gặp gỡ này.

Nguyễn Thế Hoàn, cậu học sinh từng đoạt 2 HCV Olympic Toán quốc tế, nay đã trở thành sinh viên lớp cử nhân tài năng, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội cho biết mong ước của mình là đi du học. Tuy nhiên, cậu chỉ nhận ra tầm quan trọng của Tiếng Anh sau khi trở về từ các kỳ thi quốc tế.

img

 

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt Trần Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân giao lưu với các học sinh có thành tích xuất sắc.

Hoàn mong muốn ngoài kiến thức khoa học, khi học ở trường và vào đội tuyển, từ những năm lớp 11, 12, các em sẽ được học Tiếng Anh nhiều hơn, để khi thi quốc tế xong là có thể du học ngay. “Hiện nay 90% các bạn thi quốc tế xong phải ở lại trong nước thêm từ 1 – 2 năm để học ngoại ngữ trước khi đi du học. Như vậy là lãng phí thời gian”.

Hoàng cũng mong muốn có những chính sách giúp đỡ, hỗ trợ các học sinh đoạt giải quốc tế trong việc tìm ra con đường thích hợp nhất cho bản thân. Sau này khi trở về nước có điều kiện học tập, làm việc tốt hơn.

“Nhiều bạn học sinh quốc tế hỏi chúng em nếu du học thì sau đó có trở về nước không. Nói chắc chắn là sẽ về là nói dối. Không phải là chúng em không yêu nước, không muốn cống hiến, mà thời điểm hiện tại, em được nghe nhiều anh chị đi trước nói là về nước ít được tạo điều kiện, nhà trường không ủng hộ cho những gì họ đã học được khi du học”.

Nguyễn Minh Hoàng, HCB Olympic Toán quốc tế cũng bày tỏ mong muốn du học, “Nhưng trở về hay không là điều khó nói” – Hoàng chia sẻ. “Em hay nhận được câu hỏi này. Mình là người Việt Nam, có người thân bạn bè ở đâu, nên rất khó khi dứt áo ra đi. Dù có quyết định như thế nào thì con tim em vẫn hướng về đất nước”.

Phạm Thái Hà, HCB Olympic Hoá học quốc tế, hiện là sinh viên trường ĐH Y Hà Nội, cũng mong mỏi Nhà nước có thêm chính sách đào tạo và việc làm sau khi tốt nghiệp cho những học sinh từng đoạt giải quốc tế.

Chiếc mũ rơm và ước mơ được gửi gắm

img

Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân tặng mũ rơm cho các học sinh có thành tích xuất sắc.

Trước những tâm sự của những học sinh có thể nói là giỏi nhất nước năm 2015, ông Nguyễn Thiện Nhân đã có những chia sẻ và lời khuyên chân tình. Ông Nhân cho biết chỉ lo các em không đủ ngoại ngữ, còn chính sách học bổng du học cho học sinh đoạt giải quốc tế đã có từ nhiều năm nay. “Tôi được biết 90% học sinh du học bằng học bổng của Chính phủ đã trở về Việt Nam làm việc.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu các bạn nhận được lời mời ở lại làm giảng viên của các trường đại học nước ngoài thì đó là cơ hội tốt, không nên bỏ. Các bạn chỉ cần báo cáo, xin ý kiến ở bên này.

Với kinh nghiệm của bản thân, tôi tin rằng ai cũng có tình cảm với quê hướng đất nước, dù đi đâu, đi đến bao lâu, thì cuối cùng ai cũng muốn trở về. Còn về vào lúc nào thì căn cứ vào tình hình thực tiễn”.

Ông Nhân đề nghị Bộ GD-ĐT sớm hình thành câu lạc bộ những học sinh đã từng đoạt giải Olympic quốc tế và khu vực, là nơi để các lứa học sinh có thể giao lưu, tìm hiểu thông tin và kinh nghiệm đi thi cũng như du học.

Ông Nhân cũng đề nghị Bộ GD-ĐT sớm có văn bản gửi các trường chuyên trong cả nước, coi bồi dưỡng Tiếng Anh cho học sinh chuyên là nhiệm vụ bắt buộc, đặt mục tiêu khi học xong lớp 12 học sinh chuyên có đủ vốn ngoại ngữ để đi du học.

“Tôi thấy tiếc vì học sinh giỏi như thế này mà Tiếng Anh còn yếu. Tiếng Anh dùng để giao tiếp chỉ cần khoảng 2.500 từ. Có 3.000 từ là đọc báo giỏi. Còn có 5.000 từ là có thể đi phiên dịch. Chia ra mỗi ngày chỉ cần học từ 2 – 3 từ, thì sau 3 năm học cấp 3, các em có thể nói chuyện bình thường”.

Ông Nhân cũng kẻ lại câu chuyện vất vả vì học ngoại ngữ của mình trước đây. Đã từng học 8 năm ở Đức, cũng học bằng Tiếng Anh, nhưng tới lúc sang Mỹ học, ông Nhân cho biết mình vẫn không hiểu gì. “40 tuổi còn đi học Tiếng Anh thì khổ lắm. Tôi đã phải học lại Tiếng Anh 2 tháng ở Hawaii. Còn nhớ, buổi tối 5 học viên Việt Nam cùng đặt máy ghi âm ghi lại bản tin thời tiết, rồi tự nghe. Lúc đầu hoàn toàn không hiểu, nghe đi nghe lại mãi rồi cũng được. Hôm sau thầy giáo giao bài phải nghe bản tin thời sự, 5 người lại đặt 5 máy ghi âm ở chiếc tivi, ghi rồi lại ngồi nghe…”.

“Có ngoại ngữ và không có ngoại ngữ giống như đi giày và đi chân đất. Trí tuệ ta đã có, nhưng phải đi giày mới chạy nhanh được” – ông Nhân so sánh.

“Các em nên “thanh toán” ngoại ngữ trước tuổi 20, nếu không sẽ thiệt thòi” – ông Nhân khuyên nhủ.

Ông Nhân cũng cho rằng những học sinh tài năng này không cần thiết phải suy nghĩ rằng học lĩnh vực gì thì sau này sẽ làm nghề đó. “ Trên nền tảng chung về phương pháp, ý chí, thì về lý thuyết các em có thể học gì cũng được, sau này làm ngành nghề nào thì cân nhắc nhu cầu, sở trường, không bắt buộc phải làm đúng lĩnh vực mà mình đã từng đi thi quốc tế.

“Các em tốt nghiệp phổ thông sau tôi đúng 45 năm. Các em đã có khởi đầu thuận lợi hơn chúng tôi trước đây, khỏe hơn, đẹp hơn, tươi vui, trí tuệ, có điều kiện hơn, tôi chắc chắn rằng các em sẽ thành công hơn”.

Ông Nhân đã tặng cho những học sinh tài năng này một chiếc mũ rơm, mà ngưười vinh dự thay mặt các bạn nhận là Nguyễn Thế Hoàn. “Lớp chúng tôi ngày trước đội mũ rơm đi học. Ngày nào cũng đội mũ rơm, học ở lớp xây nửa chìm nửa nổi để tránh bom, mang theo lọ penixilin đựng mực…” – ông Nhân gửi gắm – “Tôi tặng chiếc mũ này để các em giúp chúng tôi đem ước mơ của những năm 70, đem ý chí và khả năng của mình xây dựng đất nước phát triển”.

Năm 2015, Việt Nam cử 7 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế các môn Vật lý, Hoá học, sinh học, Toán học, Tin học với 28 học sinh tham gia 37 lượt thi, tất cả các em đều đoạt giải và cử 1 đoàn học sinh tham gia Hội thi nghiên cứu khoa học - kỹ thuật quốc tế.

Cả 8 học sinh Việt Nam dự thi Olympic Chật lý Châu Á đều đoạt giải, gồm 2 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ và 2 bằng khen. Cả 6 học sinh tham dự Olympic Tin học Châu Á đều đoạt huy chương, gồm 3 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ. Đây là kết quả cao nhất trong 3 lần tham dự Olympic Tin học Châu Á của đoàn Việt Nam từ năm 2013 đến nay.

Các đội tuyển tham dự Olympic quốc tế tiếp tục đạt thành tích xuất sắc với 23 học sinh tham gia dự thi, tất cả đều đoạt giải, gôồ 7 HCV, 11HCB, 4 HCĐ và 1 bằng khen. Đây là năm có tỉ lệ học sinh đoạt HCV Olympic quốc tế cao nhất từ trước đến nay. Đặc bệit, đội tuyển môn Vật lý đạt thành tích cao nhất tại các kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế và khu vực từ trước đến nay, đội tuyển Tin học đạt thành tích cao nhất trong 15 năm qua. đội tuyển Toán học tiếp tục giành vị trí cao, xếp thứ 5 trên 104 đoàn dự thi, đứng sau Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên.  

Ngân Anh (Vietnamnet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem