Chủ tịch nước: “Nếu để xảy ra xung đột vũ trang thì tất cả cùng thua”

Theo TTXVN (lược ghi) Thứ bảy, ngày 03/09/2016 07:00 AM (GMT+7)
Ngày 30.8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài phát biểu tại Đối thoại Singapore thứ 38 do Viện Yusof Ishak - Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức. Chủ tịch nước Trần Đại Quang là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam tham dự và phát biểu tại Đối thoại Singapore.
Bình luận 0

Bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mang chủ đề “Đoàn kết, chung sức hành động, cùng phát triển bền vững”. Đây là bài phát biểu thứ 38 của lãnh đạo cấp cao các nước tại Viện nghiên cứu ISEAS. Bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang thu hút sự quan tâm của khoảng 550 đại biểu, trong đó nhiều lãnh đạo, quan chức Chính phủ Singapore.

img

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự và phát biểu tại Diễn đàn Singapore. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Mở đầu bài phát biểu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao sự quan tâm sâu sắc của giới học giả, các nhà nghiên cứu tại Đối thoại Singapore đối với quan hệ Việt Nam-Singapore. Điều này cũng cho thấy các nhà lãnh đạo Singapore, cũng như các học giả, nhà nghiên cứu mong muốn cùng chia sẻ, chung sức hành động vì một Đông Nam Á ổn định, hợp tác và phát triển; một Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng trong một thế giới đang chuyển mình với nhiều cơ hội và thách thức, hướng tới những điều tốt đẹp.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng bên cạnh thời cơ và thuận lợi, thế giới cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức gay gắt; trong đó, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, khủng bố quốc tế tiếp tục gia tăng với quy mô, tần suất, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn...

Đánh giá về tình hình khu vực, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là một trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa-chiến lược, kinh tế, chính trị ngày càng quan trọng trên thế giới.

Biển Đông nằm trong lòng khu vực Đông Nam Á, đem lại nhiều lợi ích quan trọng không chỉ cho các quốc gia trong khu vực mà còn là tuyến giao thông hàng hải, hàng không huyết mạch của thế giới... Tuy nhiên, những diễn biến đáng quan ngại gần đây trong khu vực và trên Biển Đông đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực, nhất là tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, có nguy cơ làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác khu vực. Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh ước vọng về hòa bình, an ninh và phát triển bền vững đối với khu vực càng cháy bỏng hơn bao giờ hết. Để cơ hội không trở thành sự nuối tiếc, triển vọng chỉ là sự thất vọng, Chủ tịch nước cho rằng con đường duy nhất để biến ước vọng trở thành hiện thực là tất cả các quốc gia phải đoàn kết, chung tay hành động, tăng cường hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi. Như cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói: “Bạn không thể chỉ đưa ra những lời hứa hẹn mà bạn phải thực hiện những điều bạn nói”.

Chủ tịch nước nhấn mạnh ASEAN cho đến nay đã rất thành công trong việc thu hút sự can dự chiến lược của các nước lớn vì lợi ích chung là hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực và trên thế giới. Một cấu trúc khu vực đa cực, đa tầng nấc với vai trò trung tâm của ASEAN là phù hợp và đáp ứng lợi ích của tất cả các bên.

Điểm lại thực tế của Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ trong thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam đã phải chịu nhiều hy sinh, mất mát, đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Với sự hợp tác và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, với ý chí và tinh thần tự lực, tự cường, nhân dân Việt Nam đã vươn lên từ áp bức, đứng lên từ đổ nát và đi lên từ nghèo nàn, lạc hậu. Lịch sử cho thấy đoàn kết, trong đó có đoàn kết quốc tế, là “truyền thống quý báu và bài học lớn” của dân tộc Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm đó ảnh hưởng sâu sắc đến đường lối, chính sách đối ngoại và hành động của Việt Nam.

Qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế có bước phát triển nhưng chưa vững chắc, nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao; cơ cấu nguồn nhân lực mất cân đối, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ tiếp tục là những yếu tố cản trở sự phát triển...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam chủ trương tiếp tục phát huy cao độ tinh thần yêu nước, huy động mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân, đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc Đổi mới để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình thông qua các tiến trình chính trị, ngoại giao, pháp lý, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, yêu cầu các bên liên quan nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán thực chất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Chủ tịch nước cũng lưu ý những thách thức, đòi hỏi này không phải là cuộc chơi được mất, mà là cơ hội chia sẻ, hợp tác, phát triển.

Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu ví dụ thành công của Singapore trong nỗ lực nắm bắt cơ hội phát triển. Singapore, đất nước khởi nguồn của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiểu rất rõ giá trị của việc chung sức, đồng lòng nắm bắt cơ hội này... Sự phát triển rất đáng khâm phục của Singapore qua 51 năm từ ngày lập nước đến nay là bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

Viện Yusof Ishak - Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) là một tổ chức độc lập, được thành lập theo một đạo luật của Quốc hội năm 1968. Những mục tiêu chính của Viện là trở thành trung tâm nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, an ninh và chính trị-xã hội và những diễn biến ở khu vực Đông Nam Á; khuyến khích nghiên cứu và thảo luận trong giới học giả, tăng cường nhận thức chung về khu vực và thúc đẩy tìm kiếm những giải pháp khả thi cho các vấn đề khác nhau của khu vực. Bắt đầu từ năm 1980, Viện Yusof Ishak - ISEAS tổ chức các chương trình Đối thoại Singapore, với sự tham dự và phát biểu đối thoại của các học giả, nhà lãnh đạo các nước. Nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới đã từng tham dự và phát biểu tại Đối thoại Singapore về các vấn đề khu vực và quốc tế, như Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan, Tổng thống Cộng hòa Nam Phi Nelson Mandela, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem