Chủ tịch Quốc hội: Đã cứu hộ, cứu nạn thì thấy là phải cứu

Ngọc Lương Thứ ba, ngày 21/03/2017 17:10 PM (GMT+7)
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi sự cố, tai nạn xảy ra, rất khó phân biệt cái nào là khẩn cấp phải làm ngay, cái nào là thông thường để ký hợp đồng rồi mới cứu hộ.
Bình luận 0

Chiều 21.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC. Đa số ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với việc ban hành Nghị định trên.

img

Thời gian qua lực lượng chức năng đã thực hiện nhiều vụ cứu nạn, cứu hộ khẩn cấp. Ảnh Zing.vn

Phát biểu góp ý, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị Ban soạn thảo giải thích thêm quy định cứu hộ thông thường và cứu hộ khẩn cấp. Theo quy định cứu hộ khẩn cấp là làm ngay lập tức không thông qua giao kết hợp đồng, còn cứu hộ thông thường phải thực hiện qua giao kết, hợp đồng, thỏa thuận.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong khi dự thảo Nghị định giải thích sự cố tai nạn được là việc xảy ra ngoài ý muốn, sự hư hỏng trở ngại, trục trặc xảy ra bất ngờ gây thiệt hại người và tài sản. "Giải thích sự cố, tai nạn như vậy nhưng lại bắt thỏa thuận rồi mới cứu hộ, cứu nạn là sao? Giải thích như vậy là không được" - Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Theo Chủ tịch Quốc hội khi sự cố, tai nạn xảy ra, rất khó phân biệt cái nào là khẩn cấp phải làm ngay, cái nào là thông thường để ký hợp đồng rồi mới cứu hộ. "Nếu không giải thích rõ, không phân biệt được thì không nên đưa vào dự thảo. Đã là cứu hộ, cứu nạn rồi thì thấy là phải cứu chứ không nên chia ra cứu hộ khẩn cấp và cứu hộ thông thường" - Chủ tịch Quốc hội góp ý.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận: Cách đặt vấn đề cứu hộ thông thường nghĩa là cho phép làm dịch vụ, tuy nhiên Ban soạn thảo viết chưa khéo. Theo ông Bình, viết cứu hộ thông thường là để tránh từ dịch vụ, mặc dù vậy dịch vụ loại này rất cần.

"Chẳng hạn nửa đêm nhà tôi ngập nước, các nhà khác không bị, phải gọi cứu hộ đến thì phải trả tiền chứ không phải việc của PCCC. Đây là nhận thức mới trong cứu nạn, cứu hộ nhưng cần cách viết phù hợp" - ông Bình nêu ví dụ.

Về vấn đề này, Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự thảo Nghị định) cho rằng: Theo quy định của dự thảo Nghị định, hoạt động cứu hộ thông thường được thực hiện theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thông qua giao kết hợp đồng hoặc thỏa thuận, có thu tiền, đây là hoạt động dịch vụ trên cơ sở giao dịch dân sự.

"Việc giao lực lượng PCCC thực hiện nhiệm vụ này chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân. Mặt khác, việc sử dụng lực lượng, phương tiện trang thiết bị do Nhà nước trang bị để thực hiện hoạt động dịch vụ không phù hợp với quy định tại Điều 16, Điều 28 Luật quản lý sử dụng tài sản nhà nước và Nghị định 106/2009/NĐ-CP ngày 16.11.2009 quy định việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị vũ trang nhân dân" - Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh nói.

Ngày15.10.2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Từ khi ban hành Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC đã thực hiện cứu nạn, cứu hộ tại 1.558 sự cố, tai nạn, trong đó 465 vụ cháy, nổ (chiếm 29,85%), 646 vụ dưới nước (chiếm 41,46%), 113 vụ tai nạn giao thông (chiếm 7,25%), 47 vụ sập đổ công trình (chiếm 3,02%), 79 vụ trên cao, trong hang hầm, giếng sâu (chiếm 5,07%), 208 sự cố, tai nạn khác (chiếm 13,35%); tổ chức hướng dẫn thoát nạn hàng chục nghìn người; cứu được 1.410 người; tìm kiếm được 580 thi thể nạn nhân bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem