Chủ tịch tỉnh nên đối thoại khi “bị chê trên Facebook”

Ngọc Lương (ghi) Thứ ba, ngày 24/11/2015 12:04 PM (GMT+7)
"Cái tôi quan tâm không phải là chuyện phạt mấy triệu mà là việc xử phạt đó đúng hay sai, hành vi đó có đáng để cơ quan chức năng xử phạt không?" - ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 24.11.
Bình luận 0

Ông đánh giá thế nào khi cơ quan chức năng tỉnh An Giang rút quyết định xử phạt đối với những người bị cho là đã nói xấu Chủ tịch tỉnh An Giang trên Facebook?

- Chuyện cơ quan chức năng thay đổi quyết định như vậy là chuyện tốt. Họ thấy cái xử lý trước đây nặng, giờ hạ xuống cho nhẹ hơn. Nhưng cái tôi quan tâm không phải phạt mấy triệu mà là việc xử phạt đó đúng hay sai, hành vi đó có đáng cho cơ quan chức năng xử phạt không. Tại sao dư luận phản ứng là vì có thể đây tạo thành tiền lệ.

Theo tôi, lấy luật hiện hành, lấy tiêu chuẩn ứng xử của Việt Nam ra quy chiếu, thì về phía người dân đăng bình luận chê Chủ tịch tỉnh trên Facebook không đáng bị xử lý hay bị phạt. Còn về phía cơ quan nhà nước và cá nhân người lãnh đạo cũng sẽ phải xem lại. Anh không nên đổ lỗi cho cấp dưới vì cấp dưới là cấp trực tiếp của anh, làm sao họ dám ra quyết định mà không hỏi ý kiến anh được.

img

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)

Nếu trong vụ việc này, không phải ông Chủ tịch tỉnh bị nói xấu trên Facebook mà là giữa hai người dân bình thường với nhau thì liệu cơ quan chức năng có xử phạt không thưa ông?

- Nếu hai công dân bình thường cũng chưa chắc phản ứng của vụ việc đã nhẹ nhàng hơn. Có khi con, cháu của người bị nói xấu còn chặn đường hành hung người đã nói xấu. Còn việc ông Chủ tịch bị nói xấu trên Facebook, cơ quan chức năng ra phán quyết xử phạt hành chính thì công dân vẫn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định đó ra tòa.

Còn với văn hóa Việt Nam, trên mạng hiện nay có nhiều thành phần sử dụng mạng với nhiều động cơ, mục đích khác. Có trường hợp dùng mạng để nói xấu lãnh đạo với lời lẽ rất bẩn thỉu, không có văn hóa, quy chụp vô căn cứ. Mình phải coi việc đó không chấp nhận được, là hành vi vu khống, bôi nhọ…

Theo ông, vụ xử phạt về hành vi nói xấu Chủ tịch tỉnh trên Facebook có đúng pháp luật không? Luật pháp Việt Nam hiện đã đầy đủ quy định để xử lý những trường hợp như trên?

- Khi nói luật pháp thì phải có quy trình xem xét. Quyết định xử phạt là một quyết định hành chính. Theo Luật tố tụng hành chính, người bị phạt có quyền khiếu nại để phía xử phạt điều chỉnh hợp lý. Nếu không nhất trí với nhau, người bị khiếu nại không điều chỉnh, cho là mình đúng thì công dân có quyền khởi kiện ra tòa. Nếu nhà nước làm sai thì tòa sẽ hủy quyết định đó. Trong một số chế tài có cả xin lỗi, trong một số trường hợp thì nhà nước sẽ xin lỗi dân. Còn nếu anh tung thông tin lên mạng mà không lường được tác hại như thế nào đến người khác, phản ứng của cơ quan nhà nước là dùng luật để xử.

Về vụ việc này, nếu tôi là lãnh đạo bị nói xấu tôi chọn cách đối thoại. Ví dụ, ông Chủ tịch tỉnh có thể hỏi tại sao cô cho tôi là người kênh kiệu để có giải thích qua lại… Nếu không trực tiếp được có thể thông qua cấp dưới. Không gian mạng cũng cần có những ứng xử văn hóa, phải biết hậu quả của không gian mạng khác và tạo ra tác động dây chuyền ghê gớm, chứ không phải lúc nào cũng thanh minh, giải quyết được vấn đề. Thậm chí lan ra cả quốc tế, báo chí nước ngoài họ cũng vào bình luận. Những trường hợp này hết sức nhạy cảm.

Xin cảm ơn ông!

“Nếu anh muốn viết nhật ký cá nhân như thế nào đó là quyền của anh nhưng anh nói về tôi mà đưa lên mạng xã hội để cả nước đọc được, đó là đụng đến quyền của tôi. Anh hành xử như thế nào là quyền của anh nhưng đừng đụng đến quyền của người khác. Khi đã đụng đến quyền của người khác thì anh chọn giải pháp mềm, nếu chọn giải pháp cứng thì luật pháp sẽ phân xử”.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem