Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong: "Người đứng đầu ngành mà không đi họp thường xuyên thì lấy gì chỉ đạo, triển khai chính sách... cho cấp dưới". Ảnh: Hồ Văn
Người bị phê bình là Trưởng Ban quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao. Tại cuộc họp, ông Phong nói: “Không bao giờ thấy ông Trưởng Ban quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao xuất hiện, chỉ thấy cấp phó đi họp. Chuyện này xảy ra từ khi tôi làm chủ tịch đến giờ; vậy thì lấy gì mà chỉ đạo, lấy gì nói về chính sách cho nông dân.
Cá dĩa, một trong loại cá cảnh đang được TP.HCM tập trung xây dựng thương hiệu.
Trước đó, Sở NN&PTNT cho biết, nông nghiệp đô thị TP.HCM phát triển theo hướng rất thuận lợi, hiệu quả. Hiện nay có thể xây dựng thương hiệu cá cảnh đẹp, có nhiều vườn mai hiệu quả rất tốt và đang phát triển đúng hướng…
Theo báo cáo của Sở, nông nghiệp thành phố tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, đã đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ về giống và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học để tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị cao, đặc biệt đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất hoa lan; phát triển giống cây, giống con chất lượng cao, cá cảnh, hoa - cây kiểng, bò thịt, nâng cao chất lượng đàn bò sữa… Qua đó, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 05 tháng ước đạt 4.737 tỷ đồng, tăng 6,1% (cùng kỳ tăng 6,3%).
Chủ tịch UBND TP cũng bày tỏ lo lắng khi thu ngân sách tăng tưởng chậm, chưa phản ánh thực chất. "Vừa qua, góp ý nâng cao năng lực tăng trưởng và cạnh tranh, nhìn lại bấy lâu nay khi mình tiếp cận được EU là rất khó khăn, không đơn giản vì nhiều quy định ngặt nghèo", ông Nguyễn Thành Phong cho biết.
“Nói nâng cao năng lực cạnh tranh, cụ thể là gì, là sản phẩm chứ gì, anh đã gia nhập thị trường thế giới chưa? Tôi chỉ đạo phải làm thương hiệu cho từng sản phẩm của thành phố, vậy mà báo cáo lên với tôi là 'thương hiệu sản phẩm'. Thương hiệu sản phẩm là cái gì? Thương hiệu sản phẩm gì? Cây gì? Con gì? Mặt hàng gì? Làm thương hiệu mà không phân biệt được thì sao làm?", ông Phong phê bình.
Theo ông Phong, thành phố có cơ quan, bộ phận tham mưu hết, cần phải chủ động mọi cơ hội, kinh tế tăng tưởng không bền vững thì khó đạt chỉ tiêu đề ra.
Đại diện Cục hải quan TP cho biết, kẹt xe tại cảng Cát Lái là điểm nóng, 6/tuần đều kẹt cứng. Ảnh: Hồ Văn
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Hải quan thành phố cho biết, việc kẹt xe tại cảng Cát Lái vẫn là điểm nóng. “6 ngày/tuần cảng Cát Lái kẹt cứng xe containe vào ra, trong khi các cảng khác thì không có hàng. Cần thương thảo để chia sẻ cho các cảng khác tăng thu, vì nếu không họ ra Cái Mép ngày càng nhiều. Suy cho cùng, họ làm thủ tục ở Cái Mép nhưng vẫn chở hàng về TP.HCM", vị này nói.
Vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, việc tàu ra cảng Cái Mép ngày càng nhiều là phù hợp với kế hoạch phối hợp giữa TP.HCM với Bộ GTVT điều phối hàng hóa về Cái Mép - Thị Vải, giảm tải cho TP.HCM. “Suy cho cùng, Cái Mép - Thị Vải là cảng quốc tế, việc tăng công năng khai thác cho cụm cảng này là tốt cho khu vực", ông Phong nhấn mạnh.
Báo cáo của UBND TP.HCM cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 5 tháng đầu năm là 154.317 tỷ đồng, đạt 40,96% dự toán, tăng 4,83% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 105.111 tỷ đồng, đạt 41,03% dự toán, tăng 8,59% so cùng kỳ; thu từ dầu thô 9.677 tỷ đồng, đạt 76,99% dự toán, tăng 34,22% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 39.500 tỷ đồng, đạt 36,57% dự toán, bằng 91,43% so cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện là 19.582 tỷ đồng, đạt 22,54% dự toán, tăng 25,36% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 6.686 tỷ đồng, đạt 18,49% dự toán, tăng 31,46% so cùng kỳ; chi thường xuyên 11.610 tỷ đồng, đạt 31,81% dự toán, tăng 11,8% so cùng kỳ.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.