Chủ tịch UBND TP.HCM nhận trách nhiệm về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp

Bạch Dương Thứ tư, ngày 24/08/2022 16:09 PM (GMT+7)
Tại buổi giám sát của Thường trực HĐND TP.HCM ngày 24/8 về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công, các đại biểu đã giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến tháo gỡ nhu cầu vốn cho các địa phương, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm…
Bình luận 0
Chủ tịch TP.HCM nhận trách nhiệm về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm. Ảnh: Việt Dũng

Nhiều vướng mắc

Đối với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm chậm tiến độ, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, năm 2022 ngành giao thông có 29 dự án thuộc diện trọng điểm, cấp bách. Trong đó có 11 dự án chuẩn bị đầu tư, 18 dự án đang được triển khai được người dân đặc biệt quan tâm và bức xúc vì thời gian thực hiện dự án kéo dài.

Nguyên nhân dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài là do vướng mắc trong việc đền bù giải tỏa mặt bằng, trong đó phương án giá và phương án nền tái định cư; liên quan đến vấn đề ranh quy hoạch; di dời cơ sở hạ tầng; năng lực của các chủ đầu tư liên quan đến từng dự án. Bên cạnh đó, vấn đề phối hợp giữa các sở, ban, ngành vẫn chưa được thông suốt.

"Mặc dù có đề án, có kế hoạch, có danh mục trọng điểm nhưng chúng ta chưa ứng xử đúng mực, chưa coi đó là các vấn đề cấp bách. Ví dụ, có những việc rất bình thường thay vì chúng ta hỏi ý kiến 1-2 sở thôi thì ta hỏi rất nhiều sở, ngành, trong khi trả lời của các sở cũng không liên quan gì nhiều", ông Lâm nói.

Cũng tại phiên giải trình, đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đặt câu hỏi vì sao dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn Nam - Bắc Rạch Tra nhiều năm nay vẫn chưa xong thủ tục nghiệm thu, quyết toán?

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư. Các hạng mục chủ yếu là tuyến đê dọc sông Sài Gòn, các tuyến đê nội đồng và cống dưới đê, mục tiêu chính để phòng chống lũ khi hồ Dầu Tiếng xả lũ, ngăn triều cường, cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp đường giao thông nông thôn.

Toàn bộ dự án có 45 gói thầu, cơ bản hoàn thành từ năm 2012. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nghiệm thu vì vướng mắc, thiếu sót về mặt hồ sơ, chưa đủ điều kiện bàn giao.

Về việc bồi thường tái định cư liên quan đến đất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường cho rằng, việc xác định giá đất ở, đất nông nghiệp để bồi thường là khâu đặc biệt quan trọng vì người dân đồng thuận thì sẽ thu hồi đất nhanh.

Theo ông Thắng, thời gian vừa qua, giá đất nông nghiệp tăng rất nhanh, trong khi phương án giá bồi thường được xây dựng theo giai đoạn 5 năm nên việc thực hiện bồi thường tái định cư cũng gặp một số vấn đề khó khăn. Hiện nay, khi xây dựng bảng giá bồi thường, mục tiêu của TP.HCM mong muốn bằng hoặc tiệm cận với giá thị trường để nhận được sự đồng thuận của người dân, giúp đẩy nhanh công tác giải tỏa mặt bằng.

Chủ tịch TP.HCM nhận trách nhiệm về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Việt Dũng

Tỷ lệ giải ngân thấp: Trách nhiệm của UBND và Chủ tịch UBND TP.HCM

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đồng tình với đại biểu rằng "cử tri không cần chúng ta giải thích, giải trình nhiều mà chỉ cần biết dự án này, công trình kia khi nào xong". Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn thấy những khó khăn của công tác giải ngân và phải giải quyết các khó khăn thì mới đi đến được kết quả.

Nói về trách nhiệm khi tỷ lệ giải ngân đầu tư công 7 tháng chỉ đạt 26%, ông Phan Văn Mãi cho biết, đây là trách nhiệm của UBND TP.HCM và Chủ tịch UBND TP.HCM, từ công tác lập, triển khai kế hoạch đầu tư công và những kết quả đã đạt được. Bên cạnh đó, còn có trách nhiệm các sở, ngành phối hợp chưa đồng bộ.

"Về trách nhiệm cụ thể, chúng tôi đã có nhắc nhở bằng văn bản, và dựa trên kết quả giải ngân đầu tư công cuối năm để xét trách nhiệm cá nhân, kể cả Chủ tịch UBND TP.HCM", ông Mãi khẳng định.

Lãnh đạo TP.HCM cũng cho rằng vai trò chủ đầu tư rất lớn và chịu trách nhiệm chính; còn các quận, huyện và sở, ngành chịu trách nhiệm trong việc phối hợp đôn đốc, siết chặt kỷ cương trách nhiệm. Đối với công tác đấu thầu chưa đảm bảo điều kiện, những việc chưa đúng quy định sẽ được kiểm tra, chấn chỉnh, nếu sai phạm thì phải xử lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem