Chủ tịch UBND TP.HCM nói gì về 100 dự án giải ngân 0 đồng?

Bạch Dương Thứ tư, ngày 24/08/2022 11:50 AM (GMT+7)
Ngày 24/8, HĐND TP.HCM tổ chức phiên giám sát đối với công tác đầu tư công. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng các sở, ngành đã giải trình các vấn đề được cơ quan dân cử yêu cầu.
Bình luận 0
Chủ tịch UBND TP.HCM nói gì về 100 dự án giải ngân 0 đồng? - Ảnh 1.

Phiên họp giải trình về kết quả thực hiện đầu tư công ngày 24/8. Ảnh: P.V

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá, trong thời gian qua, công tác đầu tư công của thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn khó khăn, hạn chế liên quan khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

"Thành phố còn bị động trong phát huy các nguồn lực để bổ sung, hỗ trợ cho đầu tư công. Các dự án ODA bị chậm tiến độ, phải gia hạn thời gian thực hiện, điều chỉnh tổng mức đầu tư", bà Nguyễn Thị Lệ phân tích.

Phát biểu yêu cầu giải trình, ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, đặt vấn đề về việc địa phương chỉ giải ngân được hơn 61% tổng kế hoạch trong năm 2021. Đặc biệt, TPHCM có 100 dự án giải ngân 0 đồng.

Qua công tác giám sát, HĐND thành phố nhận thấy, việc lập kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước có tình trạng chưa sát khả năng thực hiện. Điều này dẫn đến việc không phân bổ hết kế hoạch được giao.

Mặt khác, UBND TPHCM còn chậm trong khâu giao vốn, chưa đảm bảo thời gian theo quy định khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng. Việc đất công tại các quận, huyện, TP.Thủ Đức chưa được xử lý hoặc sử dụng không đúng mục đích, thậm chí bỏ trống khá nhiều. Trong khi đó, các địa phương muốn xây dựng công trình công cộng, công viên, trường học thì lại không có quỹ đất thực hiện.

Giải trình về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng giao cho thành phố tổng ngân sách địa phương là 142.000 tỷ đồng, chỉ đạo ứng 21% tổng nhu cầu (khoảng 672.000 tỷ đồng).

Trong bối cảnh đó, thành phố cần phân bổ nguồn vốn tập trung hoàn thành các dự án chuyển tiếp của giai đoạn trước nhằm nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí. Cụ thể, số dự án chuyển tiếp của TPHCM hiện nay là 1.191 dự án, chiếm đến 48% tổng vốn trung hạn 2021-2025.

Chủ tịch UBND TPHCM thừa nhận, các tồn tại, hạn chế được các đại biểu HĐND đặt ra là điều chính quyền đã nhìn rõ. Trong thời gian qua, việc quản lý đầu tư công trên địa bàn đã bộc lộ nhiều bất cập.

Trong đó, một số chủ đầu tư lập dự án còn chậm so với thời gian quy định. Người có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt không căn cứ trên kết quả giám sát, đánh giá. Vừa qua, một số cơ quan, đơn vị phê duyệt dự toán gói thầu vượt định mức đã bị phát hiện và xử lý. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, dự toán, phê duyệt điều chỉnh dự án của một số chủ đầu tư còn chậm so với thời gian quy định…

Về việc giải ngân chậm, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng chỉ rõ, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc là một trong những nguyên nhân chính. Thành phố thực hiện khâu này còn chậm, thiếu sự phối hợp giữa các bên; một số chủ đầu tư quản lý nhiều dự án nhưng thiếu nhân sự, thiếu chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra; chưa chủ động xử lý các vi phạm của nhà thầu theo hợp đồng.

Về giải pháp thời gian tới, ông Mãi xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND TP.HCM nói gì về 100 dự án giải ngân 0 đồng? - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: P.V

Cụ thể, TP.HCM sẽ tổ chức hiệu quả các hội nghị giao ban để rà soát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công định kỳ hằng tháng, lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của đơn vị. Đồng thời, linh hoạt trong công tác điều hành kế hoạch vốn, kịp thời điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hấp thụ vốn tốt.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ thường xuyên rà soát, kiểm điểm tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các địa phương không để ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án; tăng cường các biện pháp để đảm bảo đầu tư tập trung, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán.

TP.HCM cũng sẽ ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích, kêu gọi đầu tư xã hội hóa vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, phục vụ đời sống an sinh xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem