Chủ tịch TP.HCM: Thành phố có nhiều tiềm năng nhưng chuyển đổi số còn bất cập
Chủ tịch TP.HCM: Thành phố có nhiều tiềm năng nhưng chuyển đổi số còn bất cập
Bạch Dương
Thứ sáu, ngày 18/02/2022 16:37 PM (GMT+7)
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngày 18/2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chỉ rõ những bất cập lộ rõ về chuyển đổi số sau đại dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đánh giá, trong tác động của dịch Covid-19, năm 2021 vừa qua, TP.HCM đã có sự nỗ lực rất lớn trong công tác cải cách hành chính. Chỉ riêng công tác phòng chống dịch đã chiếm hết thời gian, lực lượng, trong khi TP.HCM còn phải sắp xếp chính quyền đô thị với những xáo trộn nhất định về mặt con người, đồng thời cũng phải triển khai những việc đầu nhiệm kỳ. Trong khó khăn, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với cách phục vụ của chính quyền đã tăng lên.
Tuy nhiên, ông Mãi cũng thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề bộc lộ sau một năm rất khó khăn do dịch Covid-19, đó là việc chuyển đổi số trong hoạt động hành chính.
"Trước khi có dịch, TP.HCM cũng tự tin, nghĩ rằng mình là địa phương ứng dụng công nghệ số ở nhóm đầu cả nước. Nhưng trên thực tế, khi dịch xảy ra, mô hình, quy trình hoạt động, cơ sở dữ liệu hạ tầng, khung pháp lý để vận hành thông suốt trên nền tảng số gặp rất nhiều khó khăn.
Dữ liệu có nhưng rời rạc, sự liên kết để phát huy, quy trình phối hợp cũng gặp khó khăn. Ở một thành phố có rất nhiều tiềm năng chuyển đổi số thì như thế là bất cập và cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn", ông Mãi nhận định.
Bên cạnh đó, ông Mãi cũng cho rằng sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, các cấp, các ngành vẫn là điểm tắc rất lớn cần giải quyết, một số cơ quan, một bộ phận cán bộ công chức do hạn chế năng lực hoặc do e ngại trách nhiệm trước những sự việc đã diễn ra, nên trong tham mưu xử lý cũng e dè, làm tiến độ xử lý công việc chậm đi.
Trong số những công việc năm 2022 cần tập trung, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, năm nay, TP sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Theo đó, TP.HCM sẽ đề xuất Quốc hội gia hạn, có bổ sung điều chỉnh Nghị quyết 54. Đồng thời, TP cũng tính đến việc nên có luật đô thị đặc biệt, hay khung pháp lý cho đô thị đặc biệt để có "chiếc áo" vừa vặn, phù hợp, đẹp với TP.HCM.
Người đứng đầu UBND TP.HCM cũng đề nghị các cấp ngành, đặc biệt là người đứng đầu cần quán triệt vai trò, trách nhiệm trong việc cải cách hành chính, làm sao nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, để đóng góp thực sự, tạo chuyển động mạnh mẽ thực sự trong kinh tế - xã hội.
"Cải cách hành chính thì địa phương, ngành nào cũng làm, nhưng riêng TP.HCM, cải cách hành chính không chỉ tác động đến TP.HCM mà còn tác động lớn tới kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, cải cách hành chính ở TP.HCM có ý nghĩa lớn hơn, vượt ra khỏi ranh giới của một địa phương", ông Mãi lưu ý.
Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, năm 2021, các sở - ban - ngành, UBND cấp huyện, cấp xã tại TP.HCM tiếp nhận hơn 17,8 triệu hồ sơ, đã giải quyết hơn 17,4 triệu hồ sơ. Trong đó có 99,81% hồ sơ giải quyết đúng hạn, tăng 0,9% so với năm 2020.
Trong hơn 32.200 hồ sơ giải quyết quá hạn, đã có 97,02% hồ sơ được thực hiện thư xin lỗi. Tỷ lệ chưa thực hiện thư xin lỗi giảm 2,32% so với năm 2020. Số lượng hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là gần 3,3 triệu hồ sơ. Hiện có 805/1.746 thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.