Chủ tịch TP.Thái Bình chỉ đạo làm rõ vụ nhiều giáo viên gần 20 năm đứng bục giảng có nguy cơ mất việc (bài 2)

Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 09/07/2021 07:37 AM (GMT+7)
Chủ tịch TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đã giao phòng Nội vụ chủ trì phối hợp với Phòng GD-ĐT và các phòng, ban liên quan rà soát, xem xét giải quyết tâm thư kêu cứu của nhiều giáo viên về việc có nguy cơ mất việc sau gần 20 năm đứng bục giảng.
Bình luận 0

Buổi gặp mặt với các giáo viên gần 20 năm đứng bục giảng có nguy cơ mất việc

Vụ nhiều giáo viên Trường THCS Trần Phú và Trường THCS Đông Hoà, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình gửi tâm thư kêu cứu về việc đứng trước ngưỡng cửa mất việc sau gần 20 năm đứng bục giảng đã nhận được sự quan tâm của dư luận. 

Liên quan đến vụ việc này, chiều 6/7, gần một ngày sau khi Báo điện tử Dân Việt đăng tải bài viết, Phòng GD-ĐT TP.Thái Bình đã có giấy mời gửi tới các giáo viên này cùng hiệu trưởng nhà trường, mong muốn gặp mặt.

Phòng GD-ĐT TP Thái Bình mời "nóng" nhiều giáo viên gần 20 năm đứng bục giảng có nguy cơ mất việc (bài 2) - Ảnh 1.

Chiều 6/7, gần một ngày sau khi Báo điện tử Dân Việt đăng tải bài viết, Phòng GD-ĐT TP.Thái Bình đã có giấy mời gửi tới các giáo viên có tâm thư cùng hiệu trưởng nhà trường mong muốn gặp mặt. Ảnh: Gia Khiêm

Cụ thể, giấy mời do ông Vũ Giang Lâm – Trưởng Phòng GD-ĐT TP.Thái Bình ký nêu rõ: "Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Phòng GD-ĐT tổ chức gặp mặt nghe tâm tư nguyện vọng của 5 giáo viên có tâm thư thuộc các trường THCS Trần Phú, Kỳ Bá, Đông Hoà".

Buổi gặp mặt "nghe tâm tư nguyện vọng" của giáo viên diễn ra vào sáng 7/7 tại phòng họp UBND TP.Thái Bình. 

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại cuộc họp, các giáo viên đã bày tỏ mong muốn, tâm tư của mình suốt bao năm làm công tác giảng dạy. Có người nhiều năm là giáo viên giỏi cấp cơ sở, ôn thi đội tuyển và từng được Chủ tịch UBND TP.Thái Bình tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp thành phố. 

Phòng GD-ĐT TP Thái Bình mời "nóng" nhiều giáo viên gần 20 năm đứng bục giảng có nguy cơ mất việc (bài 2) - Ảnh 2.

Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn - một trong số giáo viên gửi tâm thư kêu cứu từng được Chủ tịch UBND TP.Thái Bình tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp thành phố. Ảnh: Gia Khiêm

Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt, ông Đinh Gia Dũng – Chủ tịch UBND TP.Thái Bình cho biết đã nắm được thông tin trên và giao cho phòng chuyên môn kiểm tra, đề xuất. 

Trong cuộc họp ngày 6/7, Chủ tịch UBND TP.Thái Bình đã chỉ đạo cụ thể như sau: "Đây là sự việc tồn tại nhiều năm, việc giải quyết xuất phát từ thực tiễn, lấy đúng sửa sai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động".

Ông Dũng giao Phòng GD-ĐT chủ trì phối hợp với Phòng Nội vụ, các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ  trường hợp đang ký hợp đồng lao động với các trường, đề xuất phương án giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật. Trưởng Phòng GD-ĐT có trách nhiệm rà soát cụ thể, chính xác từng trường hợp, chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND thành phố về kết quả rà soát. Thời gian hoàn thành việc này trước ngày 20/7.

Giáo viên mong chờ xem xét giải quyết có lý, có tình

Chia sẻ với PV, cô Nguyễn Thị Hường (SN 1975, giáo viên trường THCS Đông Hòa) cho biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, cô về công tác tại đây từ năm 1999 đến nay đã trải qua 23 năm.

Phòng GD-ĐT TP Thái Bình mời "nóng" nhiều giáo viên gần 20 năm đứng bục giảng có nguy cơ mất việc (bài 2) - Ảnh 3.

Chứng nhận giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở nhiều năm của cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Ảnh: NVCC

"Suốt 23 năm qua tôi đã dạy dỗ không biết bao nhiêu thế hệ học trò. Ban đầu tôi được nhà trường trả theo mức lương khởi điểm thời kỳ đó, sau tăng lên 500.000 đồng/tháng, rồi lên 800.000 đồng. Đến năm 2015 tăng lên 1.150.000 đồng/tháng. 

Tuy nhiên, được một năm thì tiền lương của tôi bị cắt. Từ đó đến nay tôi giảng dạy buổi sáng mỗi tuần khoảng 17 tiết học nhưng không có lương, dạy buổi chiều tôi được khoảng 2.000.000 đồng/tháng. Những tháng dịch bệnh nghỉ học thì tôi không có một nguồn thu nhập nào", cô Hường chia sẻ.

Theo cô Hường, vì đam mê với nghiệp "cầm phấn, đứng bục giảng" mà bao năm qua cô vẫn mong muốn một ngày được công nhận là giáo viên biên chế của trường. Tuy nhiên, điều đó quá xa vời...

Phòng GD-ĐT TP Thái Bình mời "nóng" nhiều giáo viên gần 20 năm đứng bục giảng có nguy cơ mất việc (bài 2) - Ảnh 4.

Trường THCS Đông Hoà - nơi cô Hường gắn bó suốt 22 năm qua. Ảnh: Gia Khiêm

"Tôi cứ nghĩ có hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được đặc cách là giáo viên biên chế. Trước đây nhà trường đóng bảo hiểm cho tôi giai đoạn từ 2005-2012, tuy nhiên sau đó tôi bị cắt. Tôi đã có hợp đồng dài hạn có 4 dấu, chữ ký và được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2005, hiệu trưởng nhắn tin tôi nói hợp đồng của tôi hết hiệu lực từ năm 2017. Thoả thuận tập việc với trường 3 tháng hết hiệu lực từ ngày 31/5/2021. Cống hiến vì sự nghiệp giáo dục suốt 22 năm qua của tôi chẳng nhẽ chấm dứt như vậy sao?", cô Hường chia sẻ.

Cô Vũ Thị Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Hoà cho biết, cô Hường đã công tác nhiều năm tại trường. Quá trình giảng dạy, cô Hường cũng như những giáo viên khác. Hiệu trưởng mong muốn nữ giáo viên này được làm việc tại trường. Tuy nhiên, quyết định lại do cấp thành phố phê duyệt.

Chia sẻ với PV Dân Việt, cô Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1977, giáo viên hợp đồng dạy môn Tiếng Anh tại Trường THCS Trần Phú) cho biết, ngày 10/5 vừa qua cô cùng 4 giáo viên hợp đồng (4 dấu) đã gửi những thư kêu cứu đến các cơ quan, ban, ngành chức năng của tỉnh, TP.Thái Bình.

Phòng GD-ĐT TP Thái Bình mời "nóng" nhiều giáo viên gần 20 năm đứng bục giảng có nguy cơ mất việc (bài 2) - Ảnh 5.

Hợp đồng lao động của cô Nguyễn Thị Lan Anh từ năm 2005. Ảnh: NVCC

"Chúng tôi mong được quan tâm xem xét, giải quyết có lý, có tình và bảo đảm sự công bằng, tính nhân văn, hy vọng mang lại cho chúng tôi chút niềm tin yêu vào cuộc sống", cô Lan Anh bày tỏ.

Theo cô Lan Anh, năm 2003 khi về trường, cô được trả mức 50.000 đồng/tháng. Từ tháng 10/2005, cô  được trả theo mức lương tối thiểu 290.000 đồng/1 tháng. Sau đó từ năm 2013 đến nay là trả mức lương 20.000/tiết. Mức thu nhập đó không đáng là bao nhưng vì tình yêu học trò, muốn góp sức cho ngành giáo dục cô Lan Anh cùng một số đồng nghiệp quyết bám trụ với nghề. 

14h30 ngày 29/6, hiệu trưởng nhà trường nói là sẽ cắt hợp đồng bảo hiểm của cô Lan Anh cùng một số giáo viên trong trường và cũng có khả năng cắt cả hợp đồng lao động dài hạn với cô vào năm học tới, nhưng còn chờ chỉ đạo và quyết định từ cấp trên.

"Việc chấm dứt hợp đồng lao động dài hạn và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã đẩy chúng tôi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, phải đối diện với hiện tại và tương lai mù mịt. Người lao động đã có gần 20 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, giờ không biết tương lai như thế nào, về đâu? 

Nếu người lao động biết được hợp đồng lao động khi đó là không đúng quy định, không còn cơ hội thì sẽ tìm nghề khác khi tuổi còn trẻ, hiện nay tuổi đã cao, chúng tôi khó tìm được công việc phù hợp", cô Lan Anh chia sẻ thêm.

Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem